60.000 đồng làm chín 50 kg hoa quả
Từ lâu chợ Kim Biên (Quận 5, TP.HCM) đã được biết đến là khu chợ đầu mối bán buôn, bán lẻ các loại hóa chất lớn nhất Sài thành. Tại đây có bán đầy đủ các loại hóa chất như hương liệu tạo mùi trà sữa trái cây, nước xịt phòng, rửa chén và tạo mùi bún riêu, bún bò...
Trong vai một người mới mở hàng bán trái cây, từ sáng sớm chúng tôi chuẩn bị nhiều loại túi dứa đến chợ Kim Biên hỏi mua hóa chất thúc chín hoa quả trong vòng vài giờ. Tức là chỉ cần bỏ một vài muỗng canh chất lỏng màu trắng không màu vào 10 lít nước thì sẽ làm chín 50 kg hoa quả trong vòng vài giờ đồng hồ.
Chủ một sạp hàng bày bán đầy can hóa chất cho biết: "Cưng mua bịch nước thúc chín trái cây này chỉ 60.000 đồng/kg thôi nhưng nhỏ 3-5 muỗng cafe ngâm khoảng 3-5 giờ là năm chục ký trái cây chín hết luôn. Sầu riêng hay mít... thì ngâm lâu hơn một chút là chín vàng đẹp mắt. Các loại cam, quýt, mận, đu đủ thì cứ canh 3-5 giờ vớt ra là có ngay mẻ trái cây ươm chín".
Theo đó, thứ nước lỏng dùng để thúc chín trái cây được đựng trong một can nhựa màu trắng không mùi, không vị, không nơi sản xuất, không hạn sử dụng... nhưng được chủ sạp quảng cáo là " hàng chất hảo hạng", nhập từ nước ngoài, có khả năng "hóa phép" mọi loại trái cây xanh, non thành quả chín. Tuy nhiên khi mở thử nắp can hóa chất, đầu óc chúng tôi choáng váng vì thứ mùi khó chịu bốc lên. Thấy thế chủ sạp bảo một tí là hết mùi ngay và nhắc nhở không được để sát mũi ngửi chất lỏng. Hỏi chủ sạp loại chất lỏng này từ đâu mà có và độ tin tưởng đến đâu thì người bán khẳng định chắc như đinh đóng cột: "Cứ yên tâm về ủ cưng nhé, người ta mua về ủ nhiều lắm. Các thương lái cũng toàn xuống tận vườn mua trái xanh về ngâm chín đem bán đấy chứ. Giờ đợi quả chín, đúng mùa, đúng vụ thu hoạch thì không cung ứng kịp cho thị trường được, thế nên cứ quả xanh, non hái về đem ngâm với thứ nước này đem bán là nhanh nhất".
Chưa hết, chủ sạp còn bật mí, ngâm chín hoa quả bằng thứ nước này vừa cho trái chín nhanh, để lâu không bị hư và thối như chín cây bình thường. Thế nên: "Cưng cứ vô tư mà bán, để cả tháng cũng vẫn tươi ngon như vừa hái từ vườn nhé".
Sau đó, muốn tận mắt chứng kiến cảnh ngâm hoa quả chín nhanh có như lời đồn không, chúng tôi năn nỉ, thuyết phục một cô bán hoa quả gần chợ cho xem cách làm chín nhanh đu đủ để về bán. Cô L.N, 41 tuổi, quê An Giang có thâm niên bán trái cây dạo quanh khu vực chợ Kim Biên và chợ Lớn cho biết: "Mua thứ nước này về ngâm trái cây nhanh chín lắm, để cả tháng không bị hư hỏng gì cả". Sau một hồi hướng dẫn chúng tôi cách sử dụng liều lượng ngâm chín 5 quả đu đủ chừng một ký rưỡi, cô L.N bỏ 1 muỗng cafe hóa chất từ can nhựa vừa mua vào 2 lít nước rồi bỏ đu đủ vào ngâm. Cô giải thích: "Ngâm thế này nhìn ngoài vỏ vừa xanh vừa vàng nhưng ruột thì chín vàng hết rồi. Như thế đu đủ mới tự nhiên, không quả chín vàng mà cuống còn xanh thì kỳ lắm".
Sau hơn 2 giờ đồng hồ, cô L.N vớt đu đủ ra một cái rổ sắt bằng lưới và dội nhiều nước sạch vào cho bay mùi thuốc ám trên vỏ, rồi cho đu đủ vào hộc kính, chuẩn bị một ngày bán trái cây dạo. Cô L.N bảo: "Giờ toàn làm chín kiểu này thôi, chờ trái vàng ươm thì lâu lắm. Trời nắng nóng nên ai cũng muốn ăn trái cây giải nhiệt, cung không đủ cầu nên thương lái hái cả quả xanh, non về ngâm thuốc này cho chín để bán. Nhưng không phải ngày nào cũng bán hết nên ngâm thuốc này vừa chín nhanh lại vừa để được lâu". "Biết độc nhưng vẫn ăn" Hiện nay trên đường phố Sài Gòn, những hàng trái cây dạo và những sạp hoa quả lớn vẫn được bày bán la liệt, hàng ngày vẫn có rất nhiều người mua trái cây về ăn dù bản thân người tiêu dùng cũng không yên tâm về chất lượng. Mỗi ngày có hàng trăm tiểu thương đến chợ Kim Biên hỏi mua hóa chất. Bà H.T, 47 tuổi, sinh sống quanh khu vực chợ Kim Biên cho biết: "Mỗi ngày không biết bao nhiêu tiểu thương qua đây hỏi mua hóa chất về ngâm hoa quả cho mau chín. Rất nhiều can chất lỏng không rõ nguồn gốc, xuất xứ... được người mua đem về ngâm trực tiếp trái cây cho chín vàng rồi đem bán cho người ăn. Rồi họ biết là độc nhưng vẫn ăn hàng ngày".
Hiện, loại chất lỏng dùng thúc chín trái cây chưa ai xác định được thành phần, tác hại ra sao... Tuy nhiên với tốc độ làm chín và bảo quản "thần kỳ' này khiến người ta nghĩ ngay đến những chất độc vô cùng có hại cho sức khỏe, gây ra hậu quả khôn lường. Một vài bí quyết chọn trái cây ngon, chất lượng Việc phân biệt trái cây tự nhiên với những loại bảo quản bằng hoá chất rất khó, không thể thực hiện được bằng mắt thường. Các biện pháp để đề phòng như rửa kỹ bằng nước sạch hoặc ngâm nước muối cũng không có tác dụng, vì có thể hoá chất độc hại đã ngấm sâu vào ruột trái cây. Để đảm bảo an toàn, các nhà chuyên môn khuyên người tiêu dùng nên thận trọng khi mua trái cây. Nên chọn mua những loại có dáng vẻ tự nhiên và cảnh giác với những loại nom quá bóng bảy, đẹp mã. Đối với cam quýt, nên chọn những quả còn cả cuống và lá. Tốt nhất nên lay thử nhẹ cuống xem có đúng cuống thật hay được dính bằng keo. Nên chọn mua trái cây ở những cửa hàng có tín nhiệm, không nên mua những loại không rõ nguồn gốc. Những loại trái cây (nhất là hàng nhập ngoại) được bảo quản theo các phương pháp an toàn thường được đóng gói cẩn thận, có ghi tên công ty, hãng gia công chế biến trên bao gói bán lẻ và trên thùng đựng. Nên ăn những trái cây trong nước và không nên mua những hoa quả trái mùa nếu không biết rõ chúng được bảo quản bằng phương pháp gì, có an toàn không?