Vụ nổ thiên thạch trên bầu trời thành phố Chelyabinsk, Nga vừa qua khiến không ít người tỏ ra lo ngại cho tương lai loài người trước những mối nguy từ vũ trụ. Theo ước tính mới nhất, thiên thạch khổng lồ vừa lao xuống trái đất có trọng lượng tới 40 tấn và di chuyển với vận tốc 53.000 km/h. Tuy nhiên, trước khi lao vào bầu khí quyển trái đất, hoàn toàn không có bất kể cảnh báo nào được đưa ra về sự hiện diện của nó.
Song song với vụ thiên thạch phát nổ trên bầu trời Chelyabinsk làm gần 1.000 người bị thương, thế giới tiếp tục lao đao khi tiểu hành tinh 2012 DA14 đang trên đường tiếp cận trái đất ở khoảng cách cực gần. Sở hữu trọng lượng 130.000 tấn cùng kích cỡ tương đương một sân bóng đá, nếu va chạm với địa cầu, 2012 DA14 sẽ tàn phá tương đương 1.000 quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống Hiroshima năm 1945.
Dù được đánh giá là khá nhỏ so với kích thước tiểu hành tinh khiến loài khủng long bị tuyệt chủng nhưng 2012 DA14 vẫn đủ sức hủy diệt khu vực rộng lớn tương đương thủ đô London của nước Anh. Sức tàn phá tương đương 2,4 triệu tấn thuốc nổ TNT sẽ thổi bay khu vực hơn 1.000km2 kể từ tâm vụ nổ.
Tuy nhiên, 2012 DA14 đã nhẹ nhàng lướt qua quỹ đạo di chuyển của trái đất lúc 2h25’ rạng sáng nay giờ Việt Nam. Các chuyên gia cho biết, khoảng cách gần nhất mà 2012 DA14 áp sát trái đất đạt 27.300km, gần hơn quỹ đạo hoạt động của một số vệ tinh đang lơ lửng ngoài vũ trụ.
Tuy nặng 130.000 tấn nhưng con người hoàn toàn không thể quan sát 2012 DA14 bằng mắt thường, ngay cả khi quan sát tại đảo Sumatra, Indonesia – nơi thiên thạchở gần trái đất nhất. Sử dụng kính thiên văn tự chế, có thể nhận thấy 2012 DA14 là một đốm sáng nhỏ di chuyển trên bầu trời. Tiểu hành tinh 2012 DA14 bay qua trái đất với vận tốc 28.000km/h.
Dù tiếp cận trái đất vào cùng thời điểm nhưng 2012 DA14 và thiên thạch phát nổ tại Nga hoàn toàn riêng biệt. Thậm chí, 2 thiên thể này di chuyển theo hướng ngược nhau khi áp sát địa cầu. Trước khi lao vào bầu khí quyển trái đất, thiên thạch phát nổ trên bầu trời Chelyabinsk rộng khoảng 15m và nặng chừng 7.000 tấn, nhỏ hơn rất nhiều so với 2012 DA14.
Nếu 2012 DA14 lao xuống khí quyển trái đất và phát nổ ngay trên không trung, nó sẽ gây ra những thiệt hại tương đương thảm họa nổ thiên thạch phía trên rừng Tunguska, Siberia năm 1908. Thế nhưng, sự tồn tại của 2012 DA14 chỉ được phát hiện bởi một nhà thiên văn học nghiệp dư Dave Herald tại Murrumbateman, Australia gần 1 năm trước khi nó ghé thăm địa cầu.
Trên thực tế, các radar của cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) hay Cơ quan không gian Nga (Roskosmos) đang liên tục theo dõi những vật thể đủ mọi kích cỡ có khả năng va chạm với trái đất. Những thiết bị này đáng tin cậy tới mức phát hiện được một mảnh vỡ vệ tinh có khả năng gây thiệt hại lớn nếu nó va chạm với trạm vũ trụ quốc tế ISS hồi cuối tháng 3/2012.
Tuy nhiên, việc các cơ quan không gian hàng đầu thế giới không phát hiện ra thiên thạch nặng gần 40 tấn đang lao xuống bầu khí quyển trái đất hay một tiểu hành tinh khổng lồ đang trên đường tiếp cận địa cầu cho thấy những lỗ hổng trong việc rà soát hiểm họa đang rình rập hành tinh xanh. Nó khiến nhân loại nhận ra rằng, chúng ta mới chỉ tạm an toàn trước những mối họa từ trên trời rơi xuống.