Nguồn tin này cho biết, nạn nhân là một phụ nữ, 26 tuổi đã nhắn tin cho mẹ thông báo việc mình bị kẹt trên container khi di chuyển từ Bỉ đến Anh. Đồng thời cũng theo nguồn tin của Reuters thì số lượng người Việt Nam trong sự cố trên có thể còn nhiều hơn nữa.
Reuters đang nắm trong tay ảnh chụp màn hình tin nhắn văn bản của nữ nạn nhân có thể là người Việt Nam, được gửi vào lúc 22h34' (theo giờ địa phương, tức 4h28 sáng thứ Tư theo giờ Việt Nam), khoảng 2 giờ đồng hồ trước khi chiếc xe container tới Khu công nghiệp Waterglade thuộc quận Essex, Anh.
"Con xin lỗi bố mẹ nhiều mẹ ơi, con đường đi nước ngoài không thành. Mẹ ơi, con thương bố mẹ nhiều! Con chết vì không thở được... Thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, Việt Nam... Mẹ ơi con xin lỗi mẹ, mẹ ơi", tin nhắn của nạn nhân cho hay.
Tin nhắn gia đình cung cấp
Ảnh chụp màn hình đoạn tin nhắn của người phụ nữ trên với thân nhân cũng cho thấy lần cuối cô truy cập ứng dụng là ngày 23/10 vừa qua, thời điểm thùng xe container được phát hiện ở Essex, Anh.
Hãng tin BBC (Anh) dẫn lời em trai của nạn nhân cho hay, người phụ nữ này đã phải trả 30.000 bảng Anh (gần 900 triệu VND) cho những kẻ tổ chức đường dây vượt biên trái phép. Cô còn dặn gia đình không được liên lạc với mình, vì "bên tổ chức" không cho phép cô nhận điện thoại.
"Chị ấy gọi về nhà mỗi khi đến một địa điểm mới. Lần đầu chị ấy thử vượt biên vào Anh là ngày 19/10, nhưng đã bị bắt lại và gửi trả [về phía Pháp]", em trai của nạn nhân nói với BBC rằng địa điểm cuối cùng được cô xác nhận với gia đình là ở Bỉ.
Phạm Thị Trà My được cho là đã nhắn tin cho mẹ trước khi mất tích
Được biết, ngay sau khi mất liên lạc nạn nhân, em trai cô đã lập tức đăng tải thông tin lên các diễn đàn và liên hệ luật sư. Theo đó, nạn nhân đã tới Hà Nội vào ngày 3/10 để "hoàn tất giấy tờ thủ tục sang Trung Quốc". Người này cũng cho biết nạn nhân đã đi từ Trung Quốc sang Pháp, sau đó vượt biên vào Anh bất thành hôm 19/10, một tuần trước khi thảm kịch ngày 23/10 xảy ra.
Chuyên gia về vấn nạn buôn người Mimi Vu đánh giá những dòng tin nhắn trên của nạn nhân là đáng tin cậy vì nữ nạn nhân đã viết ra tên thật và địa chỉ của mình, để thi thể của cô có thể nhanh chóng được xác nhận và chuyển về quê hương.
Chuyên gia này còn cho biết những người tham gia đường dây vận chuyển người trái phép thường được cấp hộ chiếu Trung Quốc giả nếu họ xuất phát từ Trung Quốc, và điều này có thể đã gây ra sự nhầm lẫn trong thông cáo ban đầu của cảnh sát địa phương.