Cùng cả nước tổ chức quốc tang cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cán bộ chiến sĩ và nhân dân quần đảo Trường Sa đã lập bàn thờ viếng đại tướng, kết vòng hoa, dâng sản vật mình làm được “mời đại tướng” về.
Lãnh đạo Huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) cho biết, các xã đảo, thị trấn đã lập bàn thờ và sẽ tham gia lễ viếng và lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp theo đúng nghi thức quốc gia. Ngay sau khi nghe tin ông mất, Lữ đoàn 146 đã phát động chương trình "Biến đau thương thành hành động" trên tất cả các xã đảo và thị trấn.
Ở đảo Sinh Tồn, từ sáng sớm ngày 11/10, đảo trưởng - Thiếu tá Trịnh Công Lý đã cùng nhiều binh lính lấy lá dừa kết thành vòng hoa dâng lên Đại tướng. "Dù không được đẹp như những vòng hoa mà trong đất liền đặt ở tiệm, nhưng anh em chúng tôi dâng lên Người với tất cả tấm lòng tôn kính. Đại tướng chính là linh hồn của đảo", ông Lý nói giọng tự hào.
Bàn thờ được lập ngay tại trụ sở UBND để tất cả lính đảo cũng như người dân tới thắp hương tiễn đưa Đại tướng về nơi an nghỉ. Sáng 11/10, nhiều người dân trên đảo Sinh Tồn cũng mang hoa quả đến trưng lên bàn thờ, đầy kính cẩn. Đến trưa, thời điểm treo cờ rủ, vẻ kính cẩn ấy lại càng nhân lên, nhiều người rơi nước mắt. Lễ viếng Đại tướng ở đảo sẽ được tổ chức theo giờ quốc gia, đúng 7h30 ngày 12/10, tất cả quân và dân trong đảo sẽ tập trung về trụ sở UBND để cùng dâng hương.
"Đơn vị đã mượn được chiếc tivi có màn hình lớn nhất đảo, treo trong phòng thờ để mọi người cùng theo dõi trực tiếp lễ truy điệu Đại tướng ở Hà Nội, TP HCM và Quảng Bình", Thiếu tá Lý cho hay.
Tương tự, ở đảo Trường Sa, từ trưa 11/10, khắp các nơi, lá cờ tổ quốc đã rủ xuống trước biển với dải băng tang buộc ngang. Quân và dân trên đảo cùng nhau lập bàn thờ, người làm ảnh, người treo cờ, sửa soạn lại căn phòng nơi đặt di ảnh Đại tướng. Nhiều người dân cũng mang đến những mâm trái cây ngon nhất mà họ có, thậm chí có người vừa kéo được mẻ cá tươi cũng đưa đến "mời Đại tướng".
"Dân đảo chúng tôi giản dị lắm, có cái gì thì mời Đại tướng cái đó. Dù nghèo nhưng tấm lòng rất chân thật", Thượng tá Phạm Văn Hòa, đảo trưởng đảo Trường Sa nói.
Ông Hoà cho biết, một phòng lưu niệm về Đại tướng đã được lập ra. Ai có ảnh, sách về Đại tướng đều mang đến góp. Những bài viết, những mẩu chuyện về ông mà mọi người cắt ra từ các tờ báo được treo ở góc trang trọng nhất trong phòng thờ. Đài phát thanh của đảo liên tục phát những câu chuyện cảm động về cuộc đời của Đại tướng cho quân dân cùng nghe.
Còn ở đảo Song Tử Tây, ngoài việc tổ chức lễ tang Đại tướng, quân và dân đang tham gia cuộc thi "Viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp" do đảo tổ chức. Những tình cảm tốt đẹp nhất đã được những người lính, người dân vùng biển ghi lại một cách trân trọng.
Nhiều người đã không kìm nén được xúc động và những giọt lệ cứ lặng lẽ lăn dài trên má... Chị Trương Thị Thanh Xuân, 26 tuổi, cư dân trên đảo Song Tử Tây, nói trong nghẹn ngào: "Đại tướng là một con người tài năng, đức độ. Khi nghe hung tin, ai cũng bàng hoàng, tiếc thương, cảm giác như chính người thân mình bị mất vậy! Mấy ngày nay, đông đảo người dân trên đảo đều đặn sáng và chiều lên chùa thắp nén tâm nhang tưởng nhớ Đại tướng...".
Tại đảo Sơn Ca, từ 15 giờ ngày 11/10 toàn đảo bắt đầu thắp hương tưởng niệm viếng Đại tướng. Ngoài cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại đảo, công nhân thuộc Công ty Xây dựng Trường Xuân đang xây chùa Sơn Ca và ngư dân đánh bắt hải sản quanh đó cũng thắp hương tưởng niệm.
“Cũng như đồng bào và chiến sĩ cả nước, quân dân đảo Sơn Ca hướng về Đại tướng với lòng thành kính và tiếc thương. Chúng tôi làm hai vòng hoa, ở giữa vòng hoa cắm hoa bàng vuông để viếng Đại tướng. Đêm nay, các chiến sĩ sẽ thay nhau canh gác bên bàn thờ Đại tướng để cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đến thắp hương.
Sáng 12/10, toàn bộ quân dân trên đảo sẽ làm lễ tưởng niệm bên cột mốc chủ quyền. Quân dân đảo Sơn Ca biến đau thương thành hành động cách mạng, học tập và noi gương Đại tướng” - Trung tá Đỗ Thế Tuyến, Đảo trưởng đảo Sơn Ca, cho biết.