Trong đó, Điều 4, Chương II của Thông tư quy định: "Tuyển sinh trung học cơ sở được thực hiện theo phương thức xét tuyển".
Tiêu chí xét tuyển do Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn cụ thể, bảo đảm thực hiện việc xét tuyển công bằng, khách quan, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Đối với trường trung học cơ sở thuộc đại học, trường đại học, viện nghiên cứu, tiêu chí xét tuyển do đại học, trường đại học, viện nghiên cứu trực tiếp quản lý hướng dẫn thoặc thực hiện theo hướng dẫn của sở giáo dục và đào tạo nơi trường đặt trụ sở.
Như vậy, theo quy chế mới, từ năm 2025 sẽ không còn phương thức thi tuyển vào lớp 6.
(Ảnh minh họa).
Bỏ thi vào lớp 6, trường chất lượng cao Hà Nội tuyển sinh thế nào?
Năm học 2024-2025, trên địa bàn Hà Nội có nhiều trường tổ chức các kỳ thi, kiểm tra để tuyển sinh lớp 6, đa số là các trường chất lượng cao, trường tư và trường trực thuộc đại học như: THCS Ngoại ngữ (thuộc Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội), THCS Nam Từ Liêm, THCS Thanh Xuân, THCS Cầu Giấy, THCS Lê Lợi, Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành (thuộc Trường ĐH Sư phạm Hà Nội)…
Vậy với Thông tư 30 Bộ GD-ĐT mới ban hành, những trường chất lượng cao như trên cũng sẽ phải thay đổi việc tuyển sinh đầu vào lớp 6. Theo lãnh đạo Vụ Trung học cơ sở (Bộ GD-ĐT), tinh thần của Thông tư mới là giảm áp lực thi chuyển cấp cho học sinh tiểu học. Với các trường chất lượng cao, trường tư tại Hà Nội có tỷ lệ chọi lớn thì phương thức tuyển sinh sẽ do Sở quyết định dựa trên tình hình thực tế của địa phương, trên cơ sở phù hợp nhất.
Phương thức tuyển sinh của trường chất lượng cao được Sở GD-ĐT quyết định trên cơ sở phù hợp với thực tế.(Hình minh họa)
Theo Bộ GD-ĐT, Thông tư 30/2024 được xây dựng trên nguyên tắc kế thừa những nội dung phù hợp của Thông tư số 11/2014, bổ sung quy định mới phù hợp với bối cảnh giáo dục và xã hội. Thông tư mới xây dựng theo 3 nguyên tắc:
Thứ nhất, không gây áp lực tốn kém cho phụ huynh, học sinh và xã hội; với tinh thần gọn nhẹ, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính; phù hợp với chủ trương chuyển đổi số trong lĩnh vực GD-ĐT.
Thứ hai, có tác dụng thúc đẩy hoạt động giáo dục toàn diện, chuẩn bị bước đầu cho học sinh những phẩm chất, năng lực để có đủ điều kiện học tập ở cấp học cao hơn hoặc có thể học nghề theo định hướng hướng nghiệp, phân luồng. Ngoài ra, môn thi, phương thức tuyển sinh cũng phải gắn kết được quá trình kiểm tra, đánh giá thường xuyên với kiểm tra đánh giá định kì; phù hợp với xu thế đổi mới.
Thứ ba, bảo đảm thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở cấp vĩ mô; xây dựng được những quy định thống nhất trong toàn quốc; đồng thời thực hiện tốt nguyên tắc phân cấp, phân quyền, rõ thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ GD-ĐT, các địa phương, các đại học, trường đại học, viện nghiên cứu.