1. Thế kỷ 17 khi làm chủ trung nguyên, rút ra bài học kinh nghiệm xương máu từ sự diệt vong của triều đại trước, nhà Thanh tìm mọi cách để hạn chế quyền lực cũng như hoạt động của các thái giám. Vua Thuận Trị ban hành một quy định mà cho tới nay, nó vẫn là một chuẩn mực, ít nhất là trên mặt giấy, nghiêm cấm hoạn quan đảm nhận các chức vụ trong triều đình, phẩm hàm không được vượt qua tứ phẩm. Các thái giám không được rời khỏi kinh thành dù với bất cứ lý do nào.
Suốt 200 năm sau, thái giám trong hậu cung triều Thanh luôn biết an phận thủ thường. Tuy nhiên, cho tới trước khi Từ Hy vào cung, dưới triều vua Hàm Phong, nền chính trị của nhà Thanh ngày càng sa sút, quyền lực của thái giám bên trong Tử Cấm Thành dần dần được phục hồi. Khi Từ Hy chính thức nắm mọi quyền điều hành Thanh triều thì bao nhiêu thói tệ xấu xa của bọn thái giám từ cuối triều Minh bắt đầu hình thành và chẳng bao lâu sau đó thì lan khắp Tử Cấm Thành như một thứ bệnh dịch.
Dưới sự bảo vệ của Từ Hy, bọn thái giám có quyền lực khuynh đảo triều chính, hoành hành, tác oai tác quái trong cả hậu cung. Năm 1898, Lý Liên Anh - một thái giám thân cận rất được Từ Hy sủng ái - từng không ngại ngần tuyên bố rằng bản thân ông ta có thể tùy ý thăng giáng các quan trong triều đình. Thậm chí Lý còn tỏ ý không coi hoàng đế ra gì.
Sự bảo vệ của Từ Hy đối với bọn thái giám An Đức Hải, Lý Liên Anh, Tiểu Đức Trương… khiến từ trong đến ngoài cung, đâu đâu cũng lưu truyền những câu chuyện Thái hậu trong hậu cung dâm loạn vô độ với bọn thái giám và đào kép. 2. Năm 1861, trong thời gian hoàng đế Hàm Phong lâm bệnh nặng, Từ Hy khi đó còn rất trẻ đã phát hiện ra An Đức Hải là kẻ thông minh lanh lợi nhất trong số thái giám hầu cận của mình. Họ An đã giúp Từ Hy được rất nhiều việc, kể cả liên lạc với Vinh Lộc, người đã giúp Từ Hy trong cuộc chiến giành quyền lực trong hậu cung mà nhiều người nói thực chất là “người yêu cũ” của Từ Hy. Tới khi hai vị thái hậu “buông rèm nhiếp chính”, An Đức Hải thậm chí còn trở thành quân sư, cố vấn cho Từ Hy. Không có kế hoạch hay quyết định nào Từ Hy lại không bàn bạc với An. Y ngày càng lộng hành, cổ vũ thái hậu ăn chơi hoang phí. Vào năm 1866, hai vị gián quan đã dâng sớ chỉ trích An Đức Hải, nói: “Việc lựa chọn thái giám thân cận của Hoàng đế cần hết sức thận trọng. Nhà Minh diệt vong, nguyên nhân cũng là vì để mặc cho bọn thái giám làm loạn... Để tránh được bi kịch này, thần khẩn cầu hoàng thượng phải cẩn trọng trong việc lựa chọn những thái giám thân cận, tránh những tên thái giám trẻ trung, điển trai để bọn chúng không thể lợi dụng mà mưu đồ cho lợi ích của mình”.
Nhận được bản tấu này, Từ Hy trả lời rằng: “Những lời trong bản tấu cực kỳ đúng... Đọc bản tấu này của hai khanh, trẫm cảm thấy được hậu quả vô cùng lớn của họa thái giám. Nay, trẫm quyết định, nếu như phát hiện thái giám nào dối trên lừa dưới sẽ lập tức trừng phạt nghiêm khắc. Các vị đại thần nếu như phát hiện những loại tội trạng như vậy thì lập tức báo lại với triều đình để xử phạt. Trẫm hy vọng, tất cả các thái giám sẽ vì thế mà trung thành nhất mực, tránh được chuyện gian tà”.
Tuy nhiên, thực tế lại không hề diễn ra như vậy. Cuộc sống ăn chơi của Từ Hy và bọn thái giám vẫn xa hoa, phung phí như xưa. An Đức Hải ngày càng có ảnh hưởng lớn tới Từ Hy. Tại những quán trà trong khắp kinh thành, người ta đều nói rằng, trong hậu cung mỗi một lời An Đức Hải nói ra đều như thánh chỉ. Từ Hy và An Đức Hải thường xuyên mặc trang phục kịch, cùng nhau vui đùa trong ngự hoa viên. An Đức Hải còn mặc long bào - loại trang phục chỉ hoàng đế có quyền mặc. Thái hậu Từ Hy còn thưởng cho Hải ngọc như ý - thứ ngọc vốn tượng trưng cho quyền lực của hoàng tộc…
Sự sủng ái mà Từ Hy dành cho An Đức Hải khiến trong dân gian truyền tai nhau không ít những câu chuyện khiến người nghe phải giật mình. Nhiều người nói rằng An Đức Hải không phải là thái giám, y cùng Từ Hy làm đủ trò dâm loạn, thậm chí thái hậu còn có con riêng với cả họ An.
Đương nhiên, cho tới nay, vẫn chưa ai có thể kiểm chứng được câu chuyện này có thực hay không, bởi không có bất cứ sử liệu nào ghi chép về việc này. Tuy nhiên, những câu chuyện loại này phản ánh một thực tế chắc chắn rằng sự sủng ái mà Từ Hy dành cho An Đức Hải là vô cùng lớn và sự dâm loạn trong chốn hậu cung triều Thanh không phải là chuyện bịa đặt. Ngược lại, một khi đã sủng ái An Đức Hải tới mức như vậy, cũng chẳng ai có thể chắc chắn rằng những chuyện lưu truyền trong dân gian kia không phải là sự thực.
3. Hành động vi phạm quy chế của tổ tông gây nên ảnh hưởng lớn nhất của Từ Hy chính là việc bà thái hậu để cho thái giám rời khỏi kinh thành. Vào năm 1869, do việc tiền bạc gấp gáp, Từ Hy không kịp hỏi ý kiến của Cung thân vương và Đông thái hậu Từ An, ra lệnh cho An Đức Hải tới Sơn Đông, dùng danh nghĩa của mình để trưng thu bạc.
Trước đó, do ảnh hưởng của An Đức Hải với Từ Hy ngày càng lớn nên họ An thường có thái độ khinh thường các vị đại thần trong triều, thậm chí còn đắc tội với cả vài vị vương gia, trong đó đặc biệt là Cung thân vương. Có lần, Cung thân vương tới xin cầu kiến thái hậu, tuy nhiên, Từ Hy lại phái người ra nói rằng mình đang bận nói chuyện với Tiểu An Tử (An Đức Hải) nên không gặp thân vương. Sự việc lần đó khiến Cung thân vương cảm thấy mình bị sỉ nhục, từ đó đem lòng oán hận An Đức Hải, tìm mọi cách loại trừ bằng được vị thái giám tổng quản đang rất được Từ Hy thái hậu sủng ái này.
An Đức Hải rời khỏi kinh thành tới Sơn Đông, những chuyện thị phi mà y gây ra tại đây đã tạo cho Cung thân vương cơ hội ngàn năm có một để trả thù. Hơn nữa, trừng trị An Đức Hải cũng là một cơ hội rất tốt giúp Cung thân vương gây chia rẽ giữa hai vị Thái hậu. Khi nhận được bản tấu của tuần phủ Sơn Đông là Đinh Bảo Trinh về tội trạng của An Đức Hải ở Sơn Đông, Cung thân vương lấy cớ Từ Hy đang xem kịch để mang bản tấu tới Đông Cung thái hậu Từ An, đưa ra một đạo chỉ dụ xin Từ An ký tên, ra lệnh bắt ngay An Đức Hải trị tội, không cần đưa về kinh đô xét xử. Bị Cung thân vương bức ép, Từ An đành đóng ấn của mình vào chỉ dụ. Cung thân vương nhanh chóng phái người hỏa tốc mang chỉ dụ này đến Sơn Đông. An Đức Hải lập tức bị bắt và xử tử ngay tại đó.