TIN TỨC » Tin trong ngày

Tuổi thơ bất hạnh của những đứa trẻ ‘được’ sinh ra trong tù

Thứ năm, 13/11/2014 10:21

Mẹ mang thai khi ở trong tù, không có người nuôi dưỡng, những đứa trẻ sinh ra bất đắc dĩ phải lớn lên trong trại giam, nơi mà chúng không hề mong muốn.

Nhà trẻ đặc biệt

Phân trại số 2 của trại giam Phú Sơn 4 (đóng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên) rất khác so với 6 phân trại còn lại. Bởi nơi đây có hẳn một nhà trẻ với khoảng 20 cháu. Tất cả đều là con của phạm nhân nữ, đứa lớn nhất gần 3 tuổi, đứa nhỏ nhất 7 tháng tuổi. Để tạo điều kiện cho các phạm nhân cải tạo tốt hơn và chăm sóc các con chu đáo, Ban Giám thị Trại giam Phú Sơn 4 đã giao cho 1 cán bộ và 2 phạm nhân có chuyên môn sư phạm chăm sóc.

Trại giam Phú Sơn 4 (Thái Nguyên) có hàng chục em bé đã chào đời nơi đây.Mẹ những đứa trẻ này đang phải thụ án liên quan đến các tội buôn bán trái phép chất ma túy, mua bán phụ nữ... (Nguồn: Zing)

Theo đó, hàng ngày, các phạm nhân cho con bú được đi làm muộn hơn, về sớm hơn 30 phút để đón con. Các bé ở nhà trẻ được ăn uống như chế độ của mẹ nên thức ăn khá đầy đủ.

Được biết, các cháu ở đây gồm nhiều lứa tuổi khác nhau nên việc chăm sóc rất vất vả. Có cháu ăn sữa, cháu ăn cháo, cháu ăn cơm…Tuy chịu nhiều thiệt thòi, nhưng các cháu rất ngoan, ít quấy khóc. Hàng tháng, theo định kỳ, các cháu đều được tổ chức tiêm chủng, đảm bảo theo đúng chương trình tiêm chủng mở rộng của nhà nước.

Nhiều phạm nhân mang thai, lúc mới vào trại, tư tưởng thường không ổn định nhưng sau một thời gian ở tù, được khám thai đầy đủ, nghỉ ngơi và định mức lao động chỉ bằng 1 nửa phạm nhân khác nên những phạm nhân này cũng yên tâm cải tạo. Hầu hết các phạm nhân đều được xếp loại cải tạo khá và tốt.

Theo Đại tá Nguyễn Xuân Trường, Giám thị Trại giam Phú Sơn 4 cho biết: “Trại rất quan tâm, tạo điều kiện để các cháu vui chơi, chăm sóc, tạo điều kiện để các bé có điều kiện phát triển bình thường. Ngày thường thì ngoài khẩu phần ăn dinh dưỡng, chúng tôi còn mua thêm sữa cho các cháu uống, trang bị đồ chơi, đồ dùng học tập để các cháu phát triển trí tuệ, không bị thiệt thòi so với các bạn khác ở ngoài. Ngày Tết, các cháu được ở gần mẹ để nhận được sự chăm sóc, yêu thương, lãnh đạo đơn vị đến tận buồng giam tặng quà mừng tuổi, phát quần áo mới…”.

Liên quan tới những đứa trẻ đặc biệt như thế, khu giam giữ phạm nhân nữ ở phân trại 1, trại giam Z30D (huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Dương) cũng đặc biệt hơn hẳn bởi có tiếng cười trong trẻo của những đứa trẻ. Chúng hồn nhiên xem nhà tù là mái ấm gia đình của mình.

Phân trại 1, trại giam Z30D có 14 cháu bé đang được nuôi dưỡng rất chu đáo. Trong đó có 8 cháu trai và 6 cháu gái. Ngoài ra, có một số bà mẹ tù đang chuẩn bị đến ngày sinh. Nhìn vào bản án của những bà mẹ có con vào tù, người nhẹ nhất cũng 1 năm, còn lại là từ 15 năm trở lên, thậm chí có trường hợp án chung thân. Ngần ấy năm tù tội của những người mẹ cũng là ngần ấy năm long đong, lận đận của các mảnh đời thơ dại.

Ấn tượng về những mảnh đời lầm lỡ

Bé Nguyễn Quốc K. mới 2 tháng 2 ngày tuổi mà đã phải chịu nhiều thiệt thòi so với các bạn cùng trang lứa. Mẹ bé K, chị Nguyễn Thúy Hằng (SN 1973, quê ở Gò Công Tây, Tiền Giang) bị bắt về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị kết án 9 tháng tù giam và vào trại giam từ ngày 12/05/2012 ở khu giam giữ phạm nhân nữ ở phân trại 1, trại giam Z30D (huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Dương). Ngày bị bắt, chị Thúy Hằng đã mang thai bé Quốc K. hơn 5 tháng.

Ngày trước, chị Thúy Hằng cũng có một gia đình hạnh phúc với chồng và 2 đứa con gái. Vì chồng là con trai một nên 2 vợ chồng chị Thúy Hằng phải lo phụng dưỡng mẹ. Cuộc sống nghèo khó, phải ở trọ và làm đủ nghề mưu sinh nhưng tiếng cười của hai con gái nhỏ cũng làm cuộc sống của gia đình chị dịu lại giữa Sài Gòn náo nhiệt. Nhưng hạnh phúc chẳng tày gang, từ ngày chồng bị tai nạn giao thông, gia đình chị rơi vào hoàn cảnh khó khăn.

Không nghề nghiệp, chị Thúy Hằng đành để lại 2 đứa con nhỏ cho mẹ chồng, rồi khăn gói lên Bình Thuận kiếm chỗ làm thuê. Ai thuê gì, chị Thúy Hằng đều làm, miễn sao có tiền gửi về nhà cho gia đình. Chị phụ bán hàng ở một quán phở ở thị xã La Gi, huyện Hàm Tân, Bình Thuận. Xa gia đình, lại ở xứ lạ nên chị Thúy Hằng rất mong được sự bao bọc, che chở của một người đàn ông. Chính vì vậy, khi được một tài xế xe tải đường dài ngỏ lời yêu thương, chị Thúy Hằng đã gật đầu đồng ý làm vợ hờ dù biết người tình đã có vợ con.

Có người tình, cuộc sống của chị Thúy Hằng cũng không mấy thay đổi. Đồng lương từ tiền phụ bán phở không thấm vào đâu, mà người tình thì luôn thoắt ẩn thoắt hiện với những chuyến xe vội vã. Từ khi biết chị Thúy Hằng có thai, người tình đã "cao chạy xa bay" để chối bỏ trách nhiệm. Và trong lúc túng thiếu, cùng quẫn, chị đã nảy sinh ý định lừa đảo tài sản của người khác.

Tội nghiệp cho mẹ chồng của chị Thúy Hằng, dù biết con dâu lầm lỡ bị tù tội, nhưng bà vẫn không oán trách. Hàng ngày, bà vẫn cặm cụi đi bán vé số để lấy tiền nuôi 2 đứa con gái của chị Thúy Hằng được học hành đến nơi đến chốn.

Những nữ phạm nhân mang theo con vào trại giam để nuôi dưỡng.

Ngoài bé Nguyễn Quốc K. được sinh ra trong trại giam, bé Phan Huỳnh An An cũng là một trường hợp đáng thương không kém. Phạm nhân Lê Thị D. (SN 1988, quê ở Thanh Hóa), có thai với người tình gần 6 tháng nhưng vẫn hành nghề mại dâm. Ngày 12/3/2010, trong một lần vi phạm pháp luật ở cửa khẩu Lào Cai, D. bị bắt quả tang và bị kết án 10 năm tù giam. Cậu con trai Phan Huỳnh An An là kết quả của cuộc tình không hôn thú. Nghe tin D. sinh con trong tù, cha của đứa bé cũng tìm đến thăm vài lần, nhưng không hề có ý định đón con về nuôi.

D.tâm sự: “Em lầm lỗi thì em chịu. Thương con lắm nhưng nhờ có con bên cạnh cũng được an ủi phần nào. Cán bộ ở đây rất thương và hay đùa giỡn với các con của phạm nhân, các bé thường được ẵm về nhà “bộ” chơi nên rất thích. Nhờ vậy mà những người mẹ như chúng em cảm thấy không bị xa cách”.

Bé An An rất bụ bẫm và lanh lợi, nhưng mẹ của bé chỉ mới “đi” được 1/4 quãng đường tù tội, không biết rồi cuộc đời của bé sẽ ra sao?.

Tạm kết

Mỗi người một hoàn cảnh, một nguồn cơn phạm tội khác nhau, nhưng tất cả những người phụ nữ ấy đều có một điểm chung là còn trẻ. Chỉ vì không thắng nổi sức cám dỗ ma mị của đồng tiền, họ đã phải trả giá bằng chính cuộc đời của mình. Đứng trước tấn bi kịch ấy, người ta không khỏi xót xa. Nhưng qua đó cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những kẻ u mê sắp lao vào tội lỗi.

Sinh ra ở tù, đó là thiệt thòi rất lớn của những đứa trẻ. Chúng còn quá nhỏ để cảm nhận được cuộc sống “rắc rối” trong môi trường tù tội. Chúng chỉ biết theo mẹ để được yêu thương, chăm sóc. Trong sâu thẳm lương tâm của nhữngphạm nhân đó, họ vẫn mang theo trái tim thương yêu, chia sẻ của tình mẫu tử. Theo quy định, trại giam chỉ được phép "cưu mang" những đứa trẻ này đến khi 3 tuổi. Qua khỏi tuổi này, các bà mẹ vẫn còn thụ án phải tìm cách vận động gửi con về cho thân nhân nuôi dưỡng. Còn những đứa trẻ không có thân nhân thì bắt buộc phải gửi trẻ vào các trung tâm bảo trợ xã hội.

Thiết nghĩ, trẻ em cần một ngôi nhà thực sự an toàn và yêu thương, nơi chúng lớn lên không phải sống trong những năm tháng vất vả, bơ vơ vì thiếu sự chăm sóc, thiếu vòng tay ấm áp của mẹ. Trẻ con không có tội, ngay cả khi mẹ chúng phạm những tội đặc biệt nghiêm trọng thì các bé cũng có quyền được yêu thương, chăm sóc. Để thế hệ trẻ hôm nay thực sự là những chủ nhân tương lai của đất nước, cần lắm sự chung tay của cả cộng đồng trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Theo Phununews.vn