Bà Tuyết tin rằng việc Đức cướp đi tính mạng cha chỉ là hành vi ngộ sát Thảm án khởi nguồn vào tối 25/9/2012, hôm đó Nguyễn Quang Đức đưa bạn gái về nhà ra mắt cha mẹ (ông Nguyễn Văn Lừng, 44 tuổi và bà Trần Thị Tuyết, 42 tuổi) nên gia đình này có làm mâm cơm mời một số bạn bè của Đức đến chia vui.
Trong bữa cơm, Đức giới thiệu cho cha mẹ biết về bạn gái của mình, đồng thời bàn thảo về việc thời gian tới đây cha mẹ Đức sẽ sang nhà cô gái này để xin phép cho đôi trẻ đi lại, tìm hiểu để cuối năm có thể tổ chức hôn lễ. Tiện thể, Đức cũng xin cha mẹ mua cho mình một chiếc xe gắn máy đắt tiền để Đức tự tin hơn khi ra mắt cha mẹ vợ tương lai. Đáp lại, ông Lừng và bà Tuyết không đồng ý dẫn đến giữa Đức và cha mẹ xảy ra mâu thuẫn.
Khi tiệc tàn cũng là lúc mọi người đã ngà ngà trong men rượu. Bạn bè Đức ra về hết, ông Lừng vào buồng ngủ. Biết tính Đức ham vui, bà Tuyết lúc này thấy Đức đã có dấu hiệu say rượu nên khuyên con tối nay hãy ở nhà, đừng đi chơi đâu. Đáp lại, Đức cằn nhằn: “Chưa đi chơi đã cấm!”. Sau đó, chỉ vì chuyện này mà hai mẹ con Đức đã xảy ra to tiếng, cãi vã.
Đang lơ mơ ngủ trong nhà, ông Lừng chợt tỉnh giấc bởi vụ cãi vã này. Nghe đầu đuôi câu chuyện, ông lấy làm bực mình vì cho rằng Đức phận làm con đã không nghe lời cha mẹ lại còn “cãi như chém chả”, thế là ông cũng giáo huấn cho Đức thêm một chặp. Thay vì nhận lỗi, Đức tiếp tục có lời lẽ hỗn láo và thách thức cha mẹ. Trước thái độ xấc xược của đứa con, ông Lừng không kìm chế được cơn giận nên đã tát Đức một cái rồi gằn giọng: “Mày còn cãi láo là tao cầm gạch đập cho chết!”.
Cũng chẳng vừa, Đức tiếp tục đôi co khiến mâu thuẫn giữa hai cha con bùng phát thành cuộc xô xát. Trong lúc cả cha lẫn con đều dùng bạo lực để “nói chuyện” với nhau, gã nghịch tử đã rút ra từ trong người 1 con dao bấm, đâm một nhát vào đùi cha rồi bỏ chạy. Quá tức giận, ông Lừng cố nén đau cầm theo một viên gạch đuổi theo Đức. Hai cha con rượt nhau khoảng 50 mét thì ông Lừng bắt kịp Đức, tuy nhiên người cha đã bị đứa con bất hiếu đâm thêm một nhát dao chí mạng. Ông Lừng được mọi người đưa đi cấp cứu nhưng sau đó không qua khỏi được cơn nguy kịch.
Sau khi gây án, Đức lững thững cầm dao đi trên đường, miệng bẩm nói một mình: “Cho chết!”. Sau đó, Đức còn gọi điện cho một số người bạn thông báo vụ việc nhưng ai cũng nghĩ Đức say rượu mà nói nhảm nên không để ý. Sau khoảng hơn 1 giờ đồng hồ bỏ trốn, Đức bị công an bắt giữ. Sáng hôm sau, thông tin về vụ án lan truyền trong dư luận địa phương khiến người dân bàng hoàng.
Người dân địa phương cho biết, vợ chồng ông Lừng vốn hiền lành, lương thiện, thường ngày kiếm kế sinh nhai bằng nghề buôn bán gà vịt ở chợ. Nhờ chăm chỉ cần cù làm ăn như vậy nên sau nhiều năm tích cóp, vợ chồng ông Lừng đã xây dựng được căn nhà 2 tầng khang trang với đầy đủ tiện nghi.
Tuy nhiên, vì mải lo làm ăn nên vợ chồng ông Lừng không có thời gian chăm chút, dạy dỗ Đức thường xuyên. Đã nhiều lần ông Lừng giật mình khi thấy con hư hỏng, ngỗ ngược nên đã giận quá mà đánh Đức “tuốt xác” về “tội” ham chơi, lười học, lười làm. Thế nhưng, đòn roi không làm “thằng quái tử” của ông thay đổi tâm tính mà vẫn chứng nào tật nấy.
Trong mắt người làng, Đức thuộc thành phần “đầu xanh đầu đỏ”, ham ăn chơi đua đòi. Học hết lớp 9, Đức thi trượt vào lớp 10 trường công lập và bỏ học giữa chừng luôn. Thấy vậy, gia đình Đức cũng không kiên quyết hướng cho con đi học nghề mà cứ để Đức tự do lêu lổng để chờ ngày... cưới vợ!
Bỏ học sớm, cha mẹ làm nghề buôn bán, kinh tế khá giả nên Đức càng có điều kiện chơi bời lêu lổng. Điểm “cộng” duy nhất của Đức trong mắt người dân địa phương đó là tuy ham chơi nhưng Đức chưa từng trộm cắp hay gây gổ làm mất lòng hàng xóm bao giờ.
Đầu năm 2011, cha mẹ Đức đã lo cho Đức đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan, tính ra tổng chi phí cũng ngót nghét 200 triệu đồng. Tuy vậy, khi sang đất khách quê người mới được 3 tháng, Đức đã có ý định phá hợp đồng, trốn ra ngoài làm lao động “lậu” để có thu nhập cao hơn. Biết rằng bỏ việc ra ngoài là trái pháp luật và tiềm ẩn nhiều bất trắc nên gia đình đã khuyên răn Đức, sau đó không tiếc tiền của đã bỏ ra mà thu xếp cho Đức về nước. Về nhà, Đức lông bông từ đó cho đến khi xảy ra thảm án.
Nén nỗi đau chồng chết, con vương vòng lao lý, bà Trần Thị Tuyết buồn rầu cho biết: “Gia đình tôi đúng là gặp vận xui. Bình thường ông nhà tôi chẳng mấy khi để ý chuyện mẹ con tôi cãi nhau. Tất cả cũng chỉ vì rượu mà mọi việc mới xảy ra. Giá như tôi cũng không can thằng Đức đi chơi thì giờ đâu xảy ra cơ sự tày trời này, gia đình tôi đâu phải mang tiếng với cả làng”.
Trái với những lời nhận xét của xóm làng về Đức, bà vẫn một mực khẳng định con trai bà là người hiền lành, sống rất ngoan ngoãn, không chơi bời quá trớn. Thậm chí, bà Tuyết còn khẳng định phần lớn hàng xóm đều không chê bai Đức điều gì.
Theo lời bà Tuyết, thường ngày Đức rất chăm chỉ giúp cha mẹ đưa hàng cho khách, không mấy khi cãi cự lại cha mẹ. Đức và ông Lừng sống với nhau rất tình cảm, cha con thường xuyên tâm sự với nhau, ông Lừng chỉ có vài lần phải dùng đòn roi với Đức khi Đức còn nhỏ. Ngay trong bữa cơm hôm xảy ra vụ án, ông Lừng còn răn dạy Đức trước mặt bạn gái Đức rằng nếu Đức mà đánh vợ thì đích thân ông này sẽ thay con dâu trừng trị đứa con trai ngỗ ngược.
Theo lời bà Tuyết, trong bữa cơm ra mắt hôm đó, cha con ông Lừng bố khen con, con khen bố rất vui vẻ. Bà Tuyết chỉ nhận mình là hay lắm mồm nên đôi lúc Đức có lời cãi lại. Bản thân Đức sau khi gây án có gọi điện về nói với người thân khóc lóc ân hận: “Cháu say rượu, có lẽ cháu giết bố cháu mất (vì lúc đó Đức chưa rõ ông Lừng sống chết thế nào - PV)”. Vì thế bà Tuyết tin rằng việc Đức cướp đi tính mạng cha chỉ là hành vi ngộ sát.
Vụ án trong phút chốc làm tan vỡ hạnh phúc của một gia đình, khiến một thành viên tử vong, một thành viên vương vòng lao lý và những thành viên còn lại phải tiếp tục sống trong nỗi đau, sự mất mát và điều tiếng bình phẩm của dư luận. Bình luận về vụ án này, một người dân địa phương nói: “Gia đình nào quá lo toan về kinh tế, chỉ lao đầu vào làm ăn mà quên đi nhiệm vụ giáo dục con cái thì những đứa con ấy sớm muộn cũng sẽ có ngày mất nết, hư thân, thậm chí gây ra những tội ác tày trời...”.