Đấu trí với kẻ giết con
Ra trường từ năm 1999, về công tác tại phòng PC45 (công an tỉnh Hòa Bình), có thể nói, thiếu tá Đinh Quốc Trình (Phó trưởng phòng PC45) đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm trong công tác đấu tranh với các dạng tội phạm hình sự. Tuy nhiên, khi gặp gỡ PV, anh tỏ ra rất khiêm tốn, tìm cớ lảng tránh, không muốn nói về mình. Nhưng rồi, khi đã thân mật anh lại tỏ rõ tình cảm chân thành, nhiệt huyết của người chiến sỹ công an, sẵn sàng chia sẻ những khó khăn, vất vả, những trăn trở, buồn vui của nghề anh đã chọn.
Trong câu chuyện của anh, được biết, công an Hòa Bình luôn chủ động nắm chắc tình hình, tăng cường lực lượng xuống cơ sở với nhân dân, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Hình ảnh cán bộ, chiến sỹ công an, cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc, cùng nói tiếng của đồng bào dân tộc đã trở nên quen thuộc, trong từng nếp nhà của đồng bào các dân tộc. Với đặc thù là địa phương miền núi, kinh tế - xã hội chậm phát triển, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, nhiều địa phương nằm xa trung tâm huyện lỵ, đường sá đi lại khó khăn, còn tồn tại nhiều tập tục lạc hậu. Đây chính là mục tiêu để kẻ xấu hướng tới, lôi kéo, xúi giục bà con hoạt động phạm pháp, gây mất an ninh trật tự. Do vậy, phải gần dân, gắn bó mật thiết với dân, giúp họ ổn định cuộc sống thì người dân mới tin tưởng và giúp đỡ lực lượng Công an hoàn thành nhiệm vụ.
Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội công an tỉnh Hòa Bình là đơn vị chủ công trong đấu tranh phòng chống tội phạm hình sự. Dấu ấn rõ nét là tỷ lệ phá án hàng năm đạt cao, đặc biệt trọng án đạt từ 90% trở lên. Phía sau mỗi chuyên án khám phá thành công là sự tận tụy, mưu trí, dũng cảm, khắc phục mọi khó khăn, thử thách của toàn thể cán bộ chiến sỹ. Nhờ chủ trương 4 cùng đã giúp bà con người Mông thêm tin yêu, gắn bó, giúp đỡ lực lượng công an trong khi làm nhiệm vụ. Nhiều đối tượng có lệnh truy nã được sự vận động, thuyết phục của cán bộ công an đã tự nguyện ra đầu thú, trong đó có những đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm, trốn lâu, trốn sâu,...
Mỗi vụ án được phá là một sự vui mừng nhưng sau đó, không chỉ để lại trong anh nhiều suy nghĩ, mà tất cả các chiến sỹ trong đội phá án đều có những cảm giác... hụt hẫng. Như vụ án xảy ra tại khu vực suối xóm Cọ, xã Thượng Cốc, Lạc Sơn (Hòa Bình), khi người dân phát hiện xác một bé trai trôi vào bờ. Vụ án xảy ra khiến dư luận hết sức hoang mang, xôn xao. Các trinh sát, điều tra viên dày dạn kinh nghiệm của phòng PC45 được tung vào cuộc, dốc sức điều tra làm rõ nhân thân, lai lịch cháu bé và lần tìm manh mối vụ án. Từ kết quả khám nghiệm hiện trường, qua nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ vụ án, kết hợp nguồn tin trinh sát thu thập được từ bà con quanh vùng cung cấp, manh mối đối tượng gây án dần hé mở. Tuy nhiên, đối tượng đã bỏ trốn vào Quảng Nam, đến một bãi vàng sa khoáng không rõ địa chỉ cụ thể. Một tổ trinh sát tinh nhuệ lên đường, xác định ra bãi vàng nơi đối tượng ẩn náu.
Trong vai những người đào vàng, các trinh sát nhanh chóng tóm được hung thủ là Bùi Văn Chung và Bùi Văn Nịnh (là anh em con chú, con bác). Biết không thể chối cãi, Chung khai nhận, trước đây đã yêu chị Triệu Thị B. ở Thượng Yên Công, Uông Bí (Quảng Ninh). Kết quả mối tình mặn nồng là bé trai Triệu Gia B. chào đời. Phát hiện mình bị bệnh nặng, không có khả năng nuôi con, chị B. đưa cháu Gia B. đến nhà Chung ở Lạc Sơn (Hòa Bình) để nuôi dưỡng, nhưng chỉ gặp được bố Chung ở nhà. Biết rõ là con mình, nhưng Chung bàn mưu tính kế cùng Bùi Văn Ninh bế cháu bé ra suối dìm chết, quăng xác ra giữa dòng suối rồi bỏ trốn. Một hành vi giết con không gì có thể lý giải được, khiến mọi người phẫn uất và đau lòng.
Và vụ án sờ ngực vợ... bằng chân
Khoảng 19h30 ngày 15/9/2013, sau khi ăn cơm xong Phạm Văn Doanh (SN 1976) cùng vợ là Nguyễn Thị Hương G. (SN 1983) ngồi xem tivi tại nhà thuộc thị trấn Lương Sơn (huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình). Trong lúc ngồi xem tivi Doanh đã dùng chân di vào ngực vợ để trêu đùa, nhưng vợ Doanh bực tức nói: “Anh không được làm như vậy” rồi lấy chiếc quạt nan vụt liên hồi vào chân chồng khiến hai vợ chồng to tiếng. Doanh bực tức bảo vợ tắt tivi, tắt điện vào phòng đi ngủ. Lúc này, Doanh vừa mắc màn vừa tiếp tục dùng chân di ngực vợ trêu đùa khi vợ đang nằm trên giường dẫn đến hai vợ chồng xảy ra xô xát.
Bản thân Doanh là kẻ đã có vợ và hai con nhưng đã ly dị, quê ở Nam Định rồi phiêu dạt lên Lương Sơn làm nghề lái máy xúc kiếm sống. Vợ Doanh (chị G.) cũng đã một đời chồng và đang là một cán bộ làm việc tại huyện Lương Sơn. Hai con người đều có cuộc sống tình cảm đổ vỡ, gặp nhau và sớm kết đôi được khoảng 3 tháng. Sau khi cưới, Doanh được nhà vợ cho đất làm nhà và ra ở riêng cạnh nhà bố mẹ vợ. Điều này đã làm Doanh thấy mặc cảm, cộng với việc vợ là người hay nói bóng, nói gió, hay chỉ trích chồng trong cuộc sống, nên buổi tối hôm đó, Doanh cảm thấy bị vợ coi thường, tức giận, Doanh đã tát vào mặt G..
Mâu thuẫn vợ chồng lên đến đỉnh điểm. Doanh dùng hai tay bóp cổ và đè vợ xuống giường cho đến chết. Khi thấy vợ bất tỉnh, Doanh sợ hãi lấy chiếc chăn xé ra rồi buộc vào cổ vợ, kéo vợ ra phía cửa sổ đặt ở tư thế ngồi rồi buộc vào cửa sổ, lấy chăn đắp lên người trong tư thế treo cổ. Ngay trong đêm hôm đó, Doanh lấy xe máy, điện thoại cùng một số giấy tờ cá nhân của vợ bỏ trốn.
Vì không có tiền, Doanh đã gọi điện cho bạn nói dối là vợ đang phải cấp cứu và nhờ cắm hộ chiếc xe máy lấy tiền. Sau khi cắm được xe, Doanh nhờ bạn chở lên TP. Hòa Bình nói là vào viện với vợ, nhưng nhất định đuổi bạn về, không cho bạn vào thăm. Tại đây, Doanh tìm thuê một nhà nghỉ qua đêm, rồi đứng trên cầu Hòa Bình vứt hết giấy tờ của vợ xuống sông Đà (chỉ giữ lại chiếc ảnh của vợ), sau đó tiếp tục hành trình bỏ trốn xuống TP. Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh). Trong quá trình bỏ trốn, Doanh liên tục gọi điện kể về sự việc với chị gái và xin tiền. Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ của cơ quan điều tra, ngày 18/9 Doanh đã bị bắt khi đang lẩn trốn tại một nhà trọ trên địa bàn TP. Móng Cái.
Thủ phạm giết vợ đòi tự tử
Thiếu tá Đinh Quốc Trình chia sẻ, về bản chất Doanh là kẻ khá hiền lành, không rượu chè, cờ bạc. Doanh và chị G. mới chỉ cưới nhau được 3 tháng. Khi bị bắt, Doanh có diễn biến tâm lý rất phức tạp: Luôn luôn đòi tự tử, không chịu khai báo, dù trong người vẫn đang giữ tấm hình của vợ. Chỉ đến khi các điều tra viên dùng những phương pháp tâm lý Doanh mới chịu khai nhận sự việc. Qua vụ việc này, thiếu tá Trình cũng khuyến cáo về lối hành xử trong những mối quan hệ gia đình do thiếu kiềm chế đã dẫn đến nhiều vụ án hình sự trong thời gian gần đây...