TIN TỨC » Tin trong ngày

Vụ Mercedes-benz rơi xuống sông Hồng: Phân luồng ôtô sai thiết kế

Thứ ba, 06/11/2018 21:21

Theo thiết kế ban đầu của cầu Chương Dương, hệ thống lan can làm bằng thép ngoài cùng khó có thể ngăn chặn được những vụ tai nạn đáng tiếc nếu phân luồng cả ô tô đi vào những làn xe này.

Vào lúc 19h30 ngày 3/11 chiếc xe Mercedes GLC300 mang BKS 30E-86836 bất ngờ đâm hỏng lan can cầu Chương Dương lao xuống sông Hồng. Sau khi công tác cứu hộ được hoàn tất, đã xác định được 2 nạn nhân tử vong. Theo đó, nạn nhân trên ghế lái được xác định là chị Bùi Kim Chi (trú tại Hoàng Đạo Thành, Kim Giang, Thanh Xuân, Hà Nội), nạn nhân ngồi ghế sau là chị Nguyễn Thị Thu Hương (trú tại phường Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội).

Theo Tổng Công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (GTVT), cầu Chương Dương được xây dựng tháng 10/1983, đưa vào sử dụng ngày 30/6/1985 và đã tiến hành sửa chữa từ năm 2002.

Theo thiết kế, cầu chia làm bốn làn xe chạy hai chiều. Phía ngoài cùng có làn đường dành cho xe máy rộng 1,5m. Như vậy, việc cho ôtô đi vào làn xe máy là không đúng thiết kế ban đầu. Do đó, việc lan can bên ngoài không đảm bảo khi có va chạm với xe ô tô là điều đã được dự đoán trước.

Theo chia sẻ của lãnh đạo đội CSGT số 1, ban đầu, cầu được phân luồng theo đúng thiết kế, nhưng sau đó, chỉ đạo từ Tp.Hà Nội đã cho phép cả ôtô đi vào làn đường dành cho xe máy kể từ năm 1990.

Theo thiết kế ban đầu của cầu Chương Dương, hệ thống lan can làm bằng thép ngoài cùng khó có thể ngăn chặn được những vụ tai nạn đáng tiếc nếu phân luồng cả ô tô đi vào những làn xe này.

Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Thái - Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, vụ tai nạn trên rất hi hữu. Trong khi đó, điều kiện hạ tầng giao thông qua sông Hồng còn hạn chế so với lưu lượng lưu thông thực tế, bắt buộc phải tổ chức phân luồng hỗn hợp để đáp ứng như cầu.

Tương tự, Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Trưởng phòng CSGT Tp.Hà Nội cho biết, mục đích của chỉ đạo này là để giảm ùn tắc, đảm bảo cho người tham gia giao thông đi lại thông suốt, an toàn, hạn chế tối đa các vụ tai nạn giao thông.

"Với làn hỗn hợp, khi các phương tiện di chuyển qua cầu Chương Dương vào nội đô, thấy rằng, cần phải gia cố, khắc phục, xử lý, để làm sao các phương tiện không may va chạm vào thành cầu cũng không hề hấn gì. Làm được như vậy, mới tạo được tâm lý an toàn cho người tham gia giao thông, cả xe máy và ôtô", Phó Trưởng phòng CSGT Hà Nội nói.

Tuy nhiên, sau vụ tai nạn hi hữu, cả Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Phó Trưởng phòng CSGT Tp.Hà Nội đều cho biết, sẽ xem xét lại vấn đề này.

Thanh Hòa (TH - Theo nld.com.vn)