PV đã có cuộc trao đổi với TS. Trịnh Hoà Bình (Viện xã hội học Việt Nam) để "bắt bệnh" những điều bất thường đang diễn ra trong xã hội.
Minh bạch, văn minh để "trị" bệnh mông muội
Thưa ông, gần đây liên tiếp những vụ việc "nóng" phản ánh cách hành xử phi chuẩn của con người được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng, ông nói gì về điều này?
Xã hội đang có một lớp người muốn kiếm lợi ích cho bản thân nhưng lại không muốn lao động. Đó là thứ chủ nghĩa vị kỷ. ở bất cứ xã hội nào, lợi ích cá nhân vẫn hối thúc con người ta đi chệch quy chuẩn của pháp luật. Do vậy, cần có sự minh bạch trong nhiều mối quan hệ xã hội, pháp luật mới lập lại được trật tự công bằng xã hội.
Vậy thưa ông làm sao để loại bỏ được những vấn đề đó?
Đây là vấn đề khó, chúng ta đang tiến tới một xã hội văn minh hơn nên phải đi kèm với minh bạch. Chừng nào xã hội càng văn minh thì con người ta càng thoát khỏi sự mông muội, dã man bấy nhiêu.
Bây giờ, con người biết mọi việc quá nhanh, quá nhiều, quá cụ thể nên liệu tác động tiêu cực cũng nhanh và lan rộng hơn với xã hội không?
Tôi nghĩ rằng đây không phải là tiêu cực mà đó là chiến công của giới truyền thông khi thế giới phẳng hơn, khi mọi người đang gần nhau hơn, tất cả mọi thứ ở thế giới đã trở nên liên thông. Vì thế, cái gì đang diễn ra cũng sẽ trở thành sự quan tâm của nhiều người. Người ta bình luận phê phán những cách đối xử tiêu cực với nhau, đó là điều tích cực. Cuộc sống vẫn vậy thôi, nguyên tắc vẫn được vận hành theo chân, thiện, mỹ.
Nhưng từ những gì đang diễn ra được truyền tải một cách không chọn lọc trên internet làm giới trẻ bị nhầm lẫn các giá trị chân -thiện-mỹ khiến hành vi ứng xử của họ bị lệch chuẩn?
Đấy là mặt trái, chẳng hạn như vì sao có một số ít người trẻ tự lập nhóm trên mạng xã hội, câu kết với nhau, tự xưng là em của sát thủ Lê Văn Luyện, rồi chúng đưa ra những quy tắc hành xử hãi hùng... Điều này có thể lý giải, các quy chuẩn của xã hội thiếu minh bạch khiến cho con người ta chán ngán. Điều chúng tuyên bố muốn là em của Lê Văn Luyện, muốn giết người, muốn thành lập bang hội... chỉ là tuyên bố thế thôi chứ không phải là điều chúng kiên quyết thực hiện.
Cần có sự bổ sung, kích hoạt của giá trị nhân văn
Thưa ông, có những con người đã gây ra tội ác lại khoe khoang kể thành tích để kích động người khác?
Ở đây, tôi nghĩ đó là những hiện tượng không bình thường, những mầm hoạ của xã hội.
Điều này có đáng lo ngại không, thưa ông?
Tôi thấy đó là điều đáng báo động vì khi người ta không còn coi trọng đến những con người thân phận nghèo, hoàn cảnh khó khăn, đáng thương thì người ta sẵn sàng hành xử ác với nhau nhằm tranh giành lợi ích cho bản thân. Và thực tế, ở đâu đó trong xã hội con người đã hành xử tuỳ tiện, cơ học với nhau. Đó là tiếng chuông cảnh tỉnh của con người trong mối quan hệ người với người, con người với xã hội. Họ đang sống cuộc đời phần con lấn át đi phần người.
Qua những hiện tượng này, bài học sâu xa mang ý nghĩa xã hội là gì, thưa ông?
Xã hội của chúng ta đang có "bệnh", các giá trị đang bị đảo lộn. Đấy là sự rối loạn về giá trị, xuống cấp về đạo đức trong xã hội của chúng ta hiện nay. Tôi cho rằng xã hội phải minh bạch hơn nữa để giáo dục đúng - sai cho giới trẻ. Cần phải giáo dục kiến thức cơ bản về pháp luật đối với mọi công dân, các ứng xử trong xã hội để mọi người nắm được và ứng xử đúng pháp luật, phù hợp với xã hội. Vấn đề đặt ra là vừa giáo dục xã hội, vừa cần giáo dục chuẩn mực đạo đức.
Vậy, ông có cho rằng hiện nay lệch chuẩn đạo đức xuất phát từ môi trường gia đình, xã hội hay nhà trường?
Điều này có lỗi ở cả ba mối quan hệ trên. Gia đình bố mẹ mải kiếm sống, giáo dục trong nhà trường chưa chú trọng đến "học lễ", còn xã hội nhiều những chuyện xấu được phơi bày, miêu tả chi tiết đã phần nào tác động vào tâm lý của thanh thiếu niên. Tất cả điều này đã ngấm dần và ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành động của giới trẻ. Và sự giành giật trong xã hội ở giới trẻ ngày càng nhiều hơn, vì đòi hỏi về vật chất, thoả mãn nhu cầu của họ cao hơn và dường như không có giới hạn.
Vậy rõ ràng, cách hành xử của con người trong một xã hội có "bệnh" khiến con người ta không kiểm soát được bản thân?
Đúng, con người đang hành xử với nhau theo kiểu cơ học. Xã hội càng tiến về phía trước thì những luật lệ, đòi hỏi của thế giới mới càng khắt khe hơn. Sự phát triển đó, cần có sự bổ sung, kích hoạt của giá trị nhân văn, nhân bản...
Xin cảm ơn ông!