Trong bài viết này sẽ không nhắc lại những gì được và mất của ông suốt quảng thời gian. Bởi lẻ giới truyền thông đã tốn khá nhiều giấy mực về ông. Người viết chỉ dành ít dòng về những kế sách gần đây nhất của ông “nghiến răng đại phẩu thuật” nhằm tái cấu trúc lại đường hướng kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), hay chuyện về Học Viện bóng đá khi đưa ra vấn đề thiên hạ lại dè bỉu “lại nổ nữa rồi” qua đó để “ lộ” ra góc tính cách của ông, tính bộc trực, ngay trong cả môn thể thao vua...
Bóng đá, là niềm mơ ước của tôi!
Niên thiếu ông đã mê bóng đá, đam mê đó cứ đeo đuổi suốt trong tâm trí ngay cả trong những quảng thời gian lao tâm, khổ tứ trên con kinh doanh của ông. Để rồi khi kinh doanh kiếm được lợi nhuận, mỗi năm ông bỏ ra hàng chục tỷ đồng đầu tư cho Câu lạc bộ bóng đá Hoàng Anh Gia Lai. Và rồi ông đã trở nên nổi tiếng vì đưa được chân sút số một Đông Nam Á Kiatisak Senamun về đội bóng của mình. Nhờ đó đội bóng đá câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai đã trở nên nổi tiếng trong và ngoài nước nhờ những trận đấu ở giải Ngoại hạng.
Thế nhưng ông vẫn không từ bỏ đam mê của mình, để bóng đá trẻ Việt Nam phải lớn mạnh, được đào tạo bài bản từ gốc, giấc mộng đó ông đã quyết tâm thành lập Học viện bóng đá. Năm 2007, ông đã san bằng cả mấy rừng cao su ở phố núi Hàm Rồng Playku để xây dựng Học Viện HAGL ARSENAL JMG tuyển sinh và đào tạo cầu thủ trẻ theo mô hình của Học viện cầu thủ trẻ Arsenal.
Sau gần 7 năm miệt mài luyện tập, lần đầu tiên đã có 12 cầu thủ tuổi 16-17 tham gia vào đội tuyển U19 Việt nam. Các em đã có trận đấu đẹp mắt vòng chung kết U19 Đông Nam Á tại Indonesia vào tháng 9/2013. Chứng kiến màn trình diễn tuyệt vời của các cầu thủ nhí, cảm xúc sung sướng, tự hào của người hâm mộ nước nhà dâng trào. Có lẽ lâu lắm rồi người hâm mộ Việt Nam mới được chứng kiến một đội tuyển thủ đầy bản lĩnh, thi đấu tự tin vì màu cờ sắc áo, dù chịu sức ép khủng khiếp của hàng vạn khán giả đội chủ nhà. Nhìn các em bé nhỏ so với các cầu thủ bạn trên sân đấu...tôi mủi lòng và chợt nghỉ thầm cuối cùng “giấc mơ của mình đã hiện thực” Bóng đá Việt Nam sẽ có tên trên bản đồ thế giới, “Bầu Đức” chia sẻ.
Đó là ở gốc độ một “ông bầu”, còn ở gốc độ là một doanh nhân, khi tham gia vào sân chơi thể thao ông chỉ đơn giản suy nghĩ rằng bóng đá cần có sự giúp sức của giới doanh nhân để tạo nên sức bật. Điều khác duy nhất của ông là không đầu tư hời hợt kiểu tài trợ mà phải có chiến lược dài hơi. Và ông đã đúng khi vào thời điểm hiện nay nhiều câu lạc bộ đầu tư kiểu ấy đã khai tử.
Để đội HAGL đủ mạnh, ông sẵn sàng chi ra những khoản tiền khổng lồ đến mức độ “ phá giá” để có cầu thủ ngoại, huấn luyện viên ngoại. Tuy nhiên, ông hiểu rằng hiệu ứng đồng tiền chỉ là nhất thời kiểu chữa cháy, bóng đá Việt cần những cầu thủ hội đủ hồng và chuyên. Và như thế ông xác định rằng đầu tư dài hạn không dừng lại ở vấn đề kinh phí cho đội bóng mà còn phải là đầu tư cả vào hệ thống đào tạo bóng đá trẻ.
Điều này chỉ ra rằng giới doanh nhân nếu có tâm huyết sẽ thành công khi đầu tư vào bóng đá, theo kiểu của “Bầu Đức” khi ông đã biết sử dụng những đồng tiền thấm đẩm mô hôi để “ mua” những lợi ích tốt nhất của môn thể thao vua. Cũng mới đây tại buổi ký kết hợp tác với công ty CP Thực Phẩm Dinh Dưỡng NutiFood( NutiFood) tài trợ các sản phẩm dinh dưỡng cho Học Viện HAGL ARSENAL JMG ông phát biểu đơn giản: “Tôi quan niệm, bóng đá là của tập thể chứ không phải là cá nhân. Các cầu thủ của tôi còn quá trẻ, thành công trước mắt nếu không được uốn nắn sẽ sinh ra tự mãn. Các cầu thủ cần chăm lo học tập, chơi bóng chứ không phải xem mình là ngôi sao”.
Ông cũng cam kết rằng sẽ dồn sức đầu tư cho đội U19 Việt Nam, ông sẵn sàng đưa các cầu thủ của địa phương khác đang khoác áo U19 Việt Nam đi tập huấn nước ngoài cùng với các cầu thủ của Học viện bóng đá HAGL-Arsenal JMG tập huấn, thi đấu tại nước ngoài để chuẩn bị tốt nhất cho VCK U19 Châu Á.Tính ông vẫn vậy, thẳng tuột, nghiêm khắc với chính bản thân, không cho phép mình dừng lại để thực hiện cho được cái đích ông đề ra không phải cho riêng ông đó là : Doanh nhân Việt Nam phải làm được, làm hơn những điều mà nhiều doanh nhân thế giới đã làm.
Không giàu cũng phải để thiên hạ biết mình là ai chứ!
“Bầu Đức” bây giờ đã quá nổi tiếng một trong những “doanh nhân quyền lực, giàu có nhất Đông Nam Á”, nhưng mỗi lần tôi gặp ông vẫn giản dị, vẫn thường trực trên mình chiếc áo sơ mi, chiếc quần Zin màu xanh biếc, tính cách vẫn thẳng thắn đến quyết liệt mỗi khi đụng chuyện bức xúc…và nhiều khi còn hỏm hỉnh. Nên miệng lưỡi ở đời vẫn thường nói “giàu vì gạo, bạo vì tiền”, ông có phát biểu nặng lời đâu đó thì cũng vì cái “thế” riêng ấy mà câu nói thêm phần sức nặng. Đó là chuyện thiên hạ, nhưng nếu ai biết “Bầu Đức” đã đi qua biết bao năm tháng, nhưng vẫn “nguyên tròn” một anh “Ba Đức” ham đá banh, yêu cái sự làm giàu và lúc nào cũng vội vã đến mức chẳng có thời gian cho những thú vui thường nhật.
- Nhìn ông, ít người hình dung hiện ông đang là người đã được vinh danh giàu có nhất nhì Việt Nam?
- Tôi không quan niệm khi có tiền là phải chú trọng tới hình thức. Với tôi, dù giàu hay nghèo thì bản chất con người vẫn không thay đổi. Nói chung, tôi thích sống và làm việc theo cách riêng của mình. Vì thế tôi hay tiếp khách ở café khách sạn 5 sao hay ngồi bar, không phải vì đam mê gì, mà chẳng qua thường ngày tôi không có thời gian thư giãn giải trí, nên ngồi đó coi như là một cách “la cà” tiêu khiển.
Tuy nhiên, tôi cũng khẳng định sao lại phải ngại nói về thành quả của mình. Tiền mình kiếm được là từ chính mồ hôi, sức lực, trí tuệ, thậm chí là cả nước mắt. Là người có sao nói vậy nên tôi chẳng ngại khi được nhận danh hiệu người giàu và cảm thấy rất vui khi được công nhận là người giàu trên sàn chứng khoán trong nhiều năm qua. Hay nói rộng hơn, niềm tự hào này đâu chỉ riêng cho tôi mà cho cả hàng ngàn lao động, cho cả toàn xã hội đều được hưởng những thành quả kinh doanh từ HAGL.
- Có một lúc nào đó ông có nghỉ mỏi gối, dừng chân?
- Là nghiệp rồi không thể từ. Khi nghèo thì mong kiếm tiền để thoát nghèo, để được sống đàng hoàng, nhàn nhã, nhưng khi có tiền rồi lại nghĩ đến nhiều người khác ở xung quanh mình và thương hiệu đã tạo dựng. Xa hơn là nghĩ đến trách nhiệm của một doanh nghiệp, phải làm rạng danh đất nước, nên cứ thế mà tìm tòi, lăn xả vào thương trường để tìm dự án và công việc mới.
- Việc “tái cấu trúc” HAGL lần này, ông kỳ vọng gì?
- HAGL đã đi qua 20 năm chặng đường thành lập và phát triển. HAGL đã đầu tư ra thị trường nước ngoài, vì thế, tư duy, chiến lược phải thay đổi để phù hợp với môi trường kinh doanh quốc tế. Cũng chính vì vậy, trong giai đoạn này, HĐQT chúng tôi đã phải đau đầu làm cuộc “Đại phẫu thuật” với mục tiêu của kế hoạch là tái cấu trúc nhằm chuyển vốn từ các tài sản ít hoặc không sinh lợi sang các dự án sinh lợi cao hơn. Đồng thời giúp cho báo cáo tài chính hợp nhất của HAGL giảm được số dư nợ vay, cải thiện các chỉ số tài chính, tăng tính hấp dẫn đối với nhà đầu tư, dễ dàng huy động vốn, IPO,..
Vì thế, tôi chẳng phải úp mở thông tin làm gì về việc bán các dự án thủy điện tại Việt Nam là có thật. HAGL đã bán 6 dự án thủy điện trong tháng 6/2013, thu về 2.099 tỷ đồng, đã giảm được số dư nợ vay 1.876 tỷ đồng. Những dự án thủy điện này đã đi vào hoạt động, có doanh thu, có lãi. Các dự án thủy điện tại Lào có công suất 66MW dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2014, chúng tôi cũng đang xem xét bán tiếp, hoặc giữ lại nếu đem lại tỷ suất lợi nhuận cao. Hoặc ở các lãnh vực khác cũng vậy.
Không bằng khẩu thuyết mà bằng việc thật, “tái cấu trúc” lần này HAGL sẽ tập trung phát triển vào 2 lãnh vực chính: Nông nghiệp bao gồm cao su, mía đường, cọ dầu. Ông chỉ ra cụ thể, về mảng nông nghiệp 7.000/ 48.000ha cao su đã trồng trên đất Lào, Căm phu chia, Việt Nam đã đi vào thu hoạch từ đầu năm 2013. Sang năm 2014 diện tích khai thác mũ sẽ tăng gấp đôi. Giá bán mủ cao su hiện tại khoảng 46 triệu đồng/tấn, trong khi đó giá thành bình quân khoảng 23 triệu đồng/tấn.
10.000ha mía đã trồng, 40 tấn mẻ đường trắng kết tinh đầu tiên đã tiêu thụ hết. Tỷ suất lợi nhuận mía đường bình quân 296.000đồng/tấn mía cây; giá thành sản phẩm 4.320.000 đồng/tấn. Ngoài ra đã trồng được 4.000 ha cọ dầu thử nghiệm”.
Ở lãnh vực bất động sản, lấy dự án phức hợp Hoang Anh Center Myanmar đóng vai trò chủ đạo. Dự án Hoàng Anh Center Myanmar đã chính thức động thổ ngày 5/6/2013 vốn tổng vốn đầu tư lên đến 440 triệu USD và một phần dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2014. Dựa trên xu thế thị trường, Bầu Đức tính dự án Hoàng Anh Center Myanmar sẽ mang lại dòng tiền lớn trong tương lai. Với giá thuê văn phòng 80- 100 USD/m2/tháng và khách sạn 300USD/phòng/đêm”....
Hai mươi ba năm kể từ ngày ông rời mảnh đất Bình Định vượt đèo An Khê lên phố Núi lập nghiệp; hai mươi năm dấu mốc thành lập nên Tập đoàn HAGL rạng danh hôm nay. Nhưng với ông lúc nào cũng là công việc: Đam mê, khát vọng làm giàu. Ông chia sẻ: "Tôi nghĩ mỗi người sinh ra đều có đam mê, sở thích riêng: làm nhà giáo, nhà báo, kinh doanh, làm kỹ thuật, nghiên cứu khoa học, làm nhà tâm lý... Và ở bất cứ lĩnh vực nào, nếu họ có đóng góp cho xã hội, mang lại lợi ích cho nhiều người và thành công thì họ đều là người giàu có, đó là giàu kiến thức, giàu tiền, giàu vốn sống, giàu tâm đức...Vì vậy, càng kinh doanh nhiều càng khổ, không có cả thời gian để nghỉ ngơi và hưởng thụ. Nhưng với tôi, đích đến cuối cùng không phải là tiền, mà là danh dự, uy tín và những gì tôi làm được cho đời này".