Sếp trong tâm “bão”
Quý II/2012 là thời gian ngân hàng ACB ngập trong tâm “bão” sau khi ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên), Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập ngân hàng ACB bị bắt. Tiếp sau bầu Kiên, hàng loạt lãnh đạo cấp cao của ngân hàng này bị bắt đẩy ACB rơi vào tình trạng khó khăn. ACB thậm chí còn phải gửi “tâm thư” để trấn an nhà đầu tư, đối tác và khách hàng. Khó khăn là vậy, không ít người kỳ vọng ông Trần Mộng Hùng, một trong những “công thần” của ACB sẽ tái xuất chèo chống ngân hàng đang trong “tâm bão”.
Thế nhưng ông Hùng không tái xuất. ACB khiến dư luận ngạc nhiên khi người tiếp quản chức vụ cao nhất, Chủ tịch Hội đồng Quản trị ngân hàng ACB lại là gương mặt trẻ măng, một thanh niên mới 34 tuổi. Đó là ông Trần Hùng Huy, con trai ông Trần Mộng Hùng.
Ông Trần Hùng Huy sinh năm 1978. Chàng trai trẻ được được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị ACB ngày 18/9/2012 – thời điểm chưa đầy 1 tháng sau khi bầu Kiên bị bắt. Trần Hùng Huy được đánh giá là tuổi trẻ tài cao khi mới hơn 30 tuổi đã có được tấm bằng tiến sỹ danh giá tại đại học đại học Golden Gate (Hoa Kỳ). Trước đó ông đã là Thạc sỹ quản trị kinh doanh - đại học Chapman (Hoa Kỳ).
Khác với nhiều thiếu gia “một phút lên sếp”, khi đầu quân vào ACB, ông Huy bắt đầu từ vị trí “nhân viên quèn” của bộ phận nghiên cứu thị trường. Sau 2 năm làm việc, ông Huy được bổ nhiệm chức vụ giám đốc marketing của ACB. Sau khi kinh qua các vị trí thành viên hội đồng quản trị và phó tổng giám đốc ACB, ngày 18/9/2012, ông Huy đã có được vị trí cao nhất Chủ tịch Hội đồng Quản trị ACB.
Ông Huy tiếp quản ghế “nóng” khi scandal bầu Kiên vẫn khiến thị trường tài chính chao đảo. Mặc dù có lợi thế “con dòng cháu giống”, “tuổi trẻ tài cao” nhưng vị lãnh đạo trẻ tuổi này vẫn nhận được không ít nghi ngại từ những người xung quanh. Nghi ngại này không thuyên giảm dù Ông Nguyễn Thanh Toại - Phó tổng giám đốc ACB khẳng định: “Huy rất được”. Chính vì vậy, những ai quan tâm đến hệ thống ngân hàng rất hồi hộp chờ đợi xem sau 1 năm vị lãnh đạo trẻ tuổi này chèo lái, con thuyền ACB sẽ như thế nào.
12 tháng ‘thổi’ 50.000 tỷ đồng
Là sếp lớn trong bối cảnh ngân hàng ACB nói riêng và nền kinh tế nói chung phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, nên không thể kỳ vọng ông Trần Hùng Huy đạt được những thành tựu đáng nể. Tuy nhiên, trên thực tế, ông Huy đã giúp chỉ số lợi nhuận cải thiện mạnh. Cụ thể, trong quý IV/2012, quý đầu của “nhiệm kỳ”, ông Huy đã giảm mạnh con số lỗ 520,7 tỷ đồng quý 3/2012 xuống 158,6 tỷ đồng. Sang năm 2013, hoạt động kinh doanh được cải thiện khi lợi nhuận sau thuế quý 1,2 và 3/2013 lần lượt đạt 307 tỷ đồng, 409,7 tỷ đồng và 400,8 tỷ đồng.
Một trong những điểm nổi bật mà ông Huy làm được chính là giúp ACB “thoát nợ” vàng. Hai quý cuối năm 2012, hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng mang về cho ACB những khoản lỗ “khủng” lên tới trăm tỷ, thậm chí cả ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, sáng quý 2/2013, hoạt động này thoát lỗ và bước đầu đem lại lợi nhuận dù khiêm tốn. Để có được sự cải thiện về lợi nhuận, nhân viên ACB đã phải chia sẻ khó khăn với ngân hàng. Sự chia sẻ đầu tiên là việc hàng ngàn nhân viên lần lượt ra đi khiến ACB thường xuyên lọt vào top các ngân hàng cắt giảm nhân sự nhiều nhất.
Đi cùng với cắt giảm nhân sự là cắt giảm lương. Quý III/2012, lương trung bình của nhân viên ACB là 16,8 triệu đồng/người/tháng thì sau 1 năm ông Huy làm Chủ tịch, con số này giảm xuống chỉ còn 14,2 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ lương thưởng, nhân sự bị cắt giảm, tổng tài sản của ngân hàng này cũng có chiều hướng đi xuống. Tại thời điểm 30/9/2013, tổng tài sản của ACB đạt 159.879,6 tỷ đồng, giảm hơn 50.000 tỷ đồng, tương ứng 24% so với 1 năm trước đó.
Cổ phiếu ACB trải qua nhiều phiên giao dịch thăng trầm. Tuy nhiên, sau 1 năm, tới cuối quý 3/2013, cổ phiếu ACB chỉ giảm 300 đồng/cổ phiếu. Như vậy thị giá của ngân hàng này giảm 281,3 tỷ đồng xuống khoảng 14.700 tỷ đồng. Tổng tài sản trên thị trường chứng khoán của ông Trần Hùng Huy cũng bị ảnh hưởng. Với việc sở hữu 28.772.070 cổ phiếu ACB, ông Huy đã mất gần 9 tỷ. Giá trị cổ phiếu ACB ông Huy nắm giữ còn 449 tỷ đồng. Trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, ông rớt từ vị trí 33 xuống 36.
Chia sẻ trên báo chí, ông Trần Hùng Huy chủ động đề cập đến những “tồn tại” của ACB. Ông cho biết: “Bảng cân đối của ACB giảm sút nghiêm trọng, tính đúng đắn của chiến lược kinh doanh bị đặt dấu hỏi, giá trị thương hiệu bị tổn thương, niềm tin của khách hàng có lúc chao đảo, và… cũng nên nhìn thẳng – nói thật, trong đó có cả sự rung lắc niềm tin trong chính đội ngũ ACB”. "Nhưng nêu xem xét ở một khía cạnh khác, ACB đã chứng minh là ngân hàng mạnh khi vượt qua được sự cố. Người ACB đã thể hiện bản lĩnh của mình trong khủng hoảng. Nhà đầu tư, khách hàng, các cơ qua hữu quan vẫn tiếp tục tin cậy và ủng hộ ACB”, ông Huy rất tư tin.
Ông Huy tin ACB sẽ trở lại nhóm ngân hàng dẫn đầu. Tuy nhiên đây không phải là mục tiêu dễ khi mà quý III, lợi nhuận của ngân hàng này đến nhiều từ hoạt động có nhiều rủi ro. Đó là chứng khoán. Cụ thể, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư mang lại cho ACB khoản lợi nhuận lên tới 184,6 tỷ đồng, xấp xỉ lãi thuần từ hoạt động dịch vụ.