Nguyễn Quốc Cường - Phó tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai (QCG)
Nguyễn Quốc Cường (SN 1982, tại thành phố Pleiku, Gia Lai) là con trai của bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai, người phụ nữ khét tiếng giàu có khu vực Tây Nguyên.
Nổi tiếng với thú chơi siêu xe đình đám ở Việt Nam và lấy được cô vợ đa tài - ca sĩ, người mẫu Hồ Ngọc Hà nhưng trong công việc kinh doanh, Nguyễn Quốc Cường (biệt danh Cường Đô la) lại nép vế so với những doanh nhân khác. Thiếu gia phố núi dường như dành nhiều tâm huyết cho niềm đam mê với những chiếc xế sang hơn là việc nối nghiệp mẹ.
Được biết đến với vai trò Phó tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai, đảm nhận trọng trách "phát ngôn viên" của Quốc Cường Gia Lai nhưng trước những lùm xùm của tập đoàn này, người phát ngôn vẫn im hơi lặng tiếng. Mới đây, khi được hỏi về vai trò của Cường Đô la trong bối cảnh Quốc Cường Gia Lai gặp muôn vàn khó khăn, bà Như Loan cho biết: Cường phải đi lo vòng ngoài. Cường không thể chịu nổi áp lực khách hàng la mắng, hoặc nói nặng nói nhẹ. Khi trả lời khách hàng thì phải học thuộc các hợp đồng, biết từng câu chữ để đối đáp, thuyết phục khách hàng... Việc này, Cường không hợp.
Ban đầu, Cường Đô la nắm 537.500 cổ phiếu QCG, tương ứng với 5,375 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu đạt 0,44% tại Quốc Cường Gia Lai. Sau khi Công ty cổ phần Đầu tư phát triển địa ốc Sài Gòn Xanh (SGG) sáp nhập vào QCG, vốn điều lệ của QCG tăng lên 1.300 tỷ đồng thì tỷ lệ sở hữu vốn của Cường Đô la chỉ còn 0,41%. Nếu tính theo giá trị hiện nay, tổng tài sản trên thị trường chứng khoán của Nguyễn Quốc Cường chỉ là 3,7 tỷ đồng, chưa đủ sắm một chiếc siêu xe.
Trong khi đó, tính đến ngày 30/9/2013, tổng các khoản nợ của QCG lên tới hơn 1.700 tỷ đồng. Nếu bán toàn bộ công ty theo thị giá thì gia đình Cường Đô la chỉ thu về được 864 tỷ đồng, chỉ đủ trang trải nửa khoản nợ. So với khoản nợ khổng lồ này thì tài sản của Cường Đô la nói riêng và gia đình doanh nhân này nói chung rất nhỏ bé. Sau hơn 11 tháng hoạt động, cổ phiếu QCG giảm 1.000 đồng khiến thị giá của công ty "bốc hơi" tới hơn 100 tỷ đồng.
Được biết, chế độ từ vị trí hiện tại của Cường Đô la chỉ đem lại mức 3 triệu đồng/tháng. Trong quý 1/2013, số tiền mà Cường Đô la kiếm được chỉ vẻn vẹn chưa đến 3,5 triệu đồng. Nếu tính ra, số tiền lãi của công ty mà Cường Đô la nhận được chỉ khoảng 1,2 triệu đồng/tháng.
Đặng Thành Tâm - Chủ tịch Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC)
Đặng Thành Tâm (SN 1964) là một trong những doanh nhân nổi tiếng ở Việt Nam. Từng nắm trong tay khối tài sản đáng nể nhưng đại gia này vừa có một năm thất bại cay đắng trong nghiệp kinh doanh.
Chủ tịch Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) từng được xem là một thế lực trên sàn chứng khoán Việt Nam. Những năm trước đây, ông thường xuyên có mặt trong Top 3 với khối tài sản khổng lồ, có thời điểm lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên việc kinh doanh ảm đạm đã khiến tài sản của ông Tâm "bốc hơi" ghê gớm và ông suýt rời khỏi Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam vào hồi cuối tháng 6.
Năm 2009, cổ phiếu của KBC tăng giá mạnh đưa ông Tâm vào Top 3 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt. Cũng trong năm này, quy mô vốn của KBC đã tăng lên nhanh chóng sau khi huy động được 3.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm từ ngân hàng Vietinbank, Western Bank (nay là PVCombank) và Navibank. Tuy nhiên, sau 4 năm, KBC cùng một công ty lớn khác của ông Tâm là Công ty cổ phần Công nghệ viễn thông Sài Gòn (Saigontel) đang chìm trong thua lỗ và nợ nần. Hơn nữa, cổ phần tại 2 ngân hàng trên đã bán đi phần lớn nên mất đi chỗ dựa về tài chính. Tất cả số trái phiếu vay từ 4 năm trước sẽ đáo hạn vào năm 2014.
Không chỉ riêng KBC, Saigontel và 2 công ty khác liên quan đến ông Tâm là Công ty cổ phần Xây dựng Sài Gòn và Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng cũng có 1.700 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn vào cuối năm 2014. Như vậy 4 công ty trên sẽ phải trả ít nhất là 4.700 tỷ đồng tiền gốc trái phiếu trong vòng hơn 1 năm tới. Ngoài ra, KBC và Saigontel còn đang vay nợ thêm 1.400 tỷ đồng nữa.
Những kết quả kinh doanh thua lỗ trên lý giải cho việc thời gian gần đây, ông Đặng Thành Tâm thường xuyên xuất hiện trên báo giới than phiền về việc thiếu tiền trả nợ, xin giãn nợ, bán tài sản trả nợ dần. Thậm chí có lúc ông định nghĩ quẩn: "Nói thật có nhiều lúc tôi chỉ muốn tự tử, chỉ muốn uống thuốc sâu cho xong chuyện thôi".
Gia đình ông Đặng Văn Thành - Cựu Chủ tịch Sacombank
Đặng Văn Thành (SN 1960) từng giữ chức Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Nhưng do những biến động, ông Thành cùng gia đình đã ngậm ngùi thoát khỏi cơ nghiệp Sacombank do mình dựng lên, để toan tính những hướng đi mới.
Cuối tháng 5/2013, báo cáo tài chính gửi Ủy ban Chứng khoán của Sacombank cho biết, hai cha con ông Đặng Văn Thành và Đặng Hồng Anh đã bán gần 48 triệu cổ phiếu STB (tương đương hơn 4,9%). Sau giao dịch, ông Thành không còn cổ phần tại Sacombank trong khi con trai chỉ còn 7 triệu cổ phiếu.
Giao dịch trên nhằm cấn trừ khoản nợ 1.600 tỷ đồng của gia đình ông Thành ở Sacombank. Giao dịch này như là dấu chấm hết cho gia đình ông Thành ở Sacombank và qua đó cũng loại ông Đặng Văn Thành khỏi danh sách những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam, còn ông Đặng Hồng Anh cũng tụt hạng, ra khỏi Top 50. Việc ông Thành và con trai rớt hạng người giàu được xem là biến động mạnh nhất kể từ khi danh sách những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán được đưa ra.
Trước đó, hồi cuối 2012, ông Thành đã thôi chức chủ tịch HĐQT Sacombank, từ nhiệm thành viên HĐQT sau 18 năm nắm giữ các cương vị này.
Nhiều thành viên trong gia đình ông Thành cũng thu mình hoặc chuyển đổi hoạt động kinh doanh. Con gái Đặng Huỳnh Ức My thôi chức CEO Thành Thành Công - một tập đoàn chủ chốt của gia đình họ Đặng chuyên về mía đường; con trai Đặng Hồng Anh từ nhiệm thành viên HĐQT Sacombank; vợ ông là bà Huỳnh Bích Ngọc xin rút khỏi chức danh thành viên HĐQT Bourbon Tây Ninh và Đường Biên Hòa.