BẠN ĐÃ BIẾT? » Kiến thức

Đại gia Việt tiếp theo sắm du thuyền, trực thăng giàu cỡ nào?

Thứ tư, 15/10/2014 09:20

Vị đại gia trẻ tuổi, sếp lớn của Tập đoàn FLC - tập đoàn sẽ đầu tư 10 du thuyền và 2 trực thăng có một thành tích kinh doanh đáng nể...

Là 1 trong 5 luật sư tiêu biểu năm 2012, Trịnh Văn Quyế là Tổng giám đốc một công ty luật danh tiếng với nhiều giải thưởng trong nghề, sở hữu tới 67% vốn điều lệ của CTCP Tập đoàn FLC với vốn điều lệ gần 800 tỷ đồng… Với một người ở độ tuổi 37, khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, đó là một thành công lớn. Thạc sỹ, luật sư Trịnh Văn Quyết, Tổng giám đốc Công ty Luật SMiC, Chủ tịch HĐQT FLC cho rằng, mình đã may mắn khi lựa chọn nghề luật sư.

Câu chuyện với ông Trịnh Văn Quyết, bắt đầu bằng dòng thông tin ngắn ngủi về quê hương của vị doanh nhân này. Đất Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) vẫn được biết đến như một vùng đất nơi có tư duy kinh doanh vượt trội so với nhiều vùng miền khác vốn khá bảo thủ của miền Bắc.

Trịnh Văn Quyết tốt nghiệp Đại học Luật vào năm 1999. Dáng vẻ thư sinh, diện mạo không có chút gì “tai to mặt lớn”, nhiều người nghĩ, làm tròn vai một luật sư có lẽ cũng đã là thách thức với con người này. Những bạn học cùng lứa nhớ về ông Quyết như là một sinh viên bình thường, khác chăng là đã “biết buôn bán điện thoại ngay khi bạn bè khác chỉ biết đến học hành”.

Nhưng, vào năm 2001, Công ty Luật SMIC do ông Quyết và các đồng sự gây dựng đã trở thành một trong số những hãng luật nội địa hàng đầu tại miền Bắc. Và cho đến tháng 10/2011, khi Tập đoàn FLC do ông Quyết xây đắp chính thức lên sàn, sự ngạc nhiên của nhiều người đã chuyển thành nể trọng.

Còn khi FLC Group đã chính thức xác lập vị trí của một trong những nhà phát triển bất động sản hàng đầu tại Hà Nội với việc công bố hàng loạt dự án mới gần đây, câu chuyện về một luật sư doanh nhân đã bắt đầu mang một màu sắc khác.

Tốc độ phát triển của FLC là quá nhanh, quá nóng, như chính thừa nhận của ông Quyết. Nhưng ông nói rằng, “nóng là với các thông tin được công bố ra bên ngoài, còn với nội tại công ty thì không”.

Ông cho rằng làm một dự án mất rất nhiều thời gian để có thể đi tới giai đoạn khởi công, thi công. Với thị trường thì đúng là nóng vì FLC mua hay nhận chuyển nhượng dự án thì không phải lúc nào cũng công bố được. Còn khi đã hoàn thành thương vụ thì có thể công bố thoải mái.

FLC Group đã chính thức xác lập vị trí của một trong những nhà phát triển bất động sản hàng đầu tại Hà Nội.

Điều đó tạo nên một FLC, mới năm nào còn phải dồn tiền bạc để mua một lô đất trên đường Lê Đức Thọ để thực hiện dự án FLC Landmark Tower, giờ đây đã tự tin với một danh mục dự án khá hoành tráng. Giờ đây, FLC không giấu giếm tham vọng sẽ là một trong những nhà phát triển bất động sản hàng đầu tại miền Bắc, nơi đầy ắp cạnh tranh nhưng cũng tiềm ẩn nhiều cơ hội.

Nhưng muốn làm gì thì cũng phải có tiền. Hai năm qua, rất nhiều người gặp ông Quyết, cùng đưa ra một câu hỏi chung: “Tóm lại, FLC lấy tiền đâu để đầu tư, toàn dự án lớn và không phải dự án nào cũng “ra tiền ngay?”. Ông Quyết thừa nhận, làm bất động sản là phải có nguồn lực tài chính lớn và dài hạn.

Điều may mắn với FLC chính là việc hiện nay tất cả các ngân hàng, và định chế tài chính đều sẵn sàng tài trợ vốn cho FLC vì “quá khứ FLC không có nợ xấu, không có vay nợ ngân hàng lớn” và “cho đến thời điểm hiện tại, chỉ vay có vài chục tỷ trên tổng tài sản hàng nghìn tỷ”.

Đáng chú ý, FLC đã và đang chuẩn bị cho kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế và tăng vốn điều lệ, với mục tiêu thu hút thêm hàng trăm triệu USD cho cuộc chơi bất động sản vẫn đang đầy ăm ắp hy vọng.

Nói vậy là bởi, tín hiệu từ thị trường đã cho thấy ngay sau khi FLC công bố giá bán một số dự án mới, lượng đăng ký mua đã vượt cả nguồn cung. Ngay cả khi kế hoạch “trái phiếu quốc tế” vẫn còn trên giấy, tiếng nói từ thị trường rõ ràng quan trọng hơn nhiều.

Ông Trịnh Văn Quyết, Tổng giám đốc Công ty Luật SMiC, Chủ tịch HĐQT FLC.

Ở tuổi 39, vị doanh nhân tuổi Mão Trịnh Văn Quyết đang tạo dấu ấn rất đáng chú ý bằng những dự án tỷ đô.

Dự án thứ nhất là khu đô thị FLC Vineyard City có vốn tới 3.500 tỷ đồng, được triển khai trên một diện tích rộng gần 8ha tại xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm (nay là quận Nam Từ Liêm), thành phố Hà Nội. Giai đoạn 1 của dự án với diện tích 5,5 ha sẽ triển khai 4 khối cao tầng là 4 tòa nhà 29 tầng với tổng diện tích sàn khoảng 170.000 m2; khối thấp tầng với khoảng 76.000 m2 đất chia lô, và đất biệt thự khoảng 7.500 m2 sàn.

Dự án thứ hai là dự án cao ốc hỗn hợp FLC Complex ở 36 Phạm Hùng, được triển khai trên diện tích 5.000 m2, là một tòa nhà hỗn hợp quy mô hiện đại dự kiến cao 38 tầng, bao gồm các căn hộ cao cấp và khu trung tâm thương mại. Dự án này trước đó đã được FLC mua lại từ Công ty TNHH Đầu tư và Quản lý tòa nhà ION Complex với giá 198 tỷ đồng.

Cả hai dự án này đều sẽ được khởi công trong quý 3 năm nay và theo ông Quyết, mức giá bán các sản phẩm bất động sản tại hai dự án này sẽ “rất hấp dẫn trong bối cảnh thị trường hiện nay”. Có lẽ đó là lý do mà mặc dù FLC mới chỉ công bố giá bán, số lượng các sàn bất động sản và các nhà đầu tư đã tìm đến đăng ký vượt mong đợi.

Nhìn về tương lai, FLC đã xác định là không chỉ đầu tư bất động sản nhà ở. Tới đây, FLC sẽ đi sâu vào cả nghỉ dưỡng và khách sạn, mà theo cách nói của ông Quyết, là “tất cả những gì liên quan đến bất động sản thì FLC sẽ đầu tư mạnh theo phương châm dự án này nối tiếp dự án kia và có thể chưa xong dự án này nhưng nếu có đủ điều kiện về tài chính và nhân sự thì sẽ tiếp tục đầu tư và tái đầu tư các dự án khác”.

Điều khiến dư luận một lần nữa phải trầm trồ vì tài năng “đa ngành” của ông Quyết là việc mới đây, vị đại gia trẻ tuổi này đã tiết lộ sẽ tham gia vào kinh doanh dịch vụ cho thuê trực thăng và du thuyền tại Vinh Nha Trang (Khánh Hòa).

Theo đó, tập đoàn này sẽ đầu tư 10 du thuyền cho thuê tại Vịnh Nha Trang, chủ yếu phục vụ phân khúc khách hàng trung và cao cấp tại Nha Trang, Vũng Tàu, Phú Quốc, Bình Định và Đà Nẵng với bán kính trên dưới 500 km.

Ngoài ra, FLC cũng đã đặt 2 trực thăng sẽ đưa về sân bay Nội Bài trong cuối tháng 10 này.

Để thực hiện mảng kinh doanh mới này, ông Quyết cho hay, FLC hiện đang thành lập một công ty con tại Nha Trang để phụ trách việc kinh doanh lĩnh vực mới này và cuối tháng 10 sẽ công bố công ty này.

Trước đó, hãng Hàng không Hải Âu (thuộc Tập đoàn Thiên Minh) đã gây "sốc" khi mua 3 chiếc thủy phi cơ để kinh doanh tại Việt Nam và hãng này đã khai trương dịch vụ thủy phi cơ du lịch tại Tuần Châu, Hạ Long hôm 9/9.

Theo lịch, cuối tháng 11 năm nay chiếc thuỷ phi cơ thứ ba của Hàng không Hải Âu sẽ về đến sân bay Tân Sơn Nhất, TP Hồ Chí Minh.

Đầu tháng 12, Hàng không Hải Âu sẽ khai trương dịch vụ thuỷ phi cơ du lịch tại khu vực phía Nam, bao gồm TP Hồ Chí Minh, Nha Trang (Khánh Hoà), Mũi Né (Bình Thuận), Cần Thơ, Châu Đốc (An Giang), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Phú Quốc (Kiên Giang).

Theo Nguoiduatin.vn