Trao thừa kế cho con trai 1 tuổi
Đêm 21/9/2013, tại khách sạn Sheraton TPHCM, trước sự chứng kiến của 600 khách mời, ông Huỳnh Uy Dũng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Cty cổ phần Đại Nam - đã chính thức công bố di chúc, giao lại toàn bộ tài sản cho con trai là Huỳnh Hằng Hữu nhân dịp sinh nhật tròn 1 tuổi của Hữu (21.9.2012 - 21.9.2013).
Theo đó, kể từ ngày 21/9/2013 trở đi, Huỳnh Hằng Hữu chính thức trở thành Chủ tịch HĐQT Cty cổ phần Đại Nam, với hơn 2.000 nhân viên, có trụ sở tại TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Ông Dũng chỉ còn giữ lại chức Tổng GĐ và vợ ông - bà Nguyễn Phương Hằng - phó Tổng GĐ thứ nhất.
Một Hội đồng giám sát gồm vợ chồng ông Dũng và 9 thành viên khác sẽ có trách nhiệm giám hộ, quản lý toàn bộ khối tài sản, giúp cho Chủ tịch HĐQT Huỳnh Hằng Hữu, cho đến khi vị Chủ tịch HĐQT này tròn 18 tuổi - sẽ được quyền định đoạt tất cả tài sản.
Ông Huỳnh Uy Dũng (54 tuổi) từng là Đại biểu Quốc hội xuất thân từ Bình Định, là chủ sở hữu của hàng loạt công trình, bất động sản như: Khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến, khu dân cư Trung tâm hành chính Dĩ An, KCN Sóng Thần 2, KCN Sóng Thấn 3…, có tổng trị giá hàng chục ngàn tỷ đồng.
Ông Dũng cũng cho biết, Công ty cổ phần Đại Nam dưới sự thừa kế của Chủ tịch HĐQT Huỳnh Hằng Hữu, thời gian tới sẽ có trách nhiệm xây dựng 17 đền thờ Đại Nam (trị giá 100 tỷ đồng/đền) trên khắp đất nước, phục vụ người dân có nơi thờ tự, chiêm bái và tưởng nhớ tổ tiên.
Với sự kiện trên, có lẽ lần đầu tiên có chuyện hy hữu ở VN - mới tròn 1 tuổi, cậu bé Huỳnh Hằng Hữu đã là một tỷ phủ và Chủ tịch HĐQT một DN.
Con rơi gốc Việt bỗng được thừa kế khổng lồ từ người cha tỷ phú Mỹ
Câu chuyện tìm cha để đòi chia quyền thừa kế của cậu bé Nguyễn Bé Lory gây ồn ào dư luận suốt một thời gian dài.
Larry Hillblom là chủ của Công ty chuyển phát nhanh DHL, sở hữu khối tài sản 600 triệu USD. Ông nổi tiếng là một tỷ phú đào hoa. Năm 1993, khi đầu tư khách sạn và sân golf tại Phan Thiết, Larry Hillblom gặp và có mối tình chớp nhoáng với cô hầu phòng Nguyễn Thị Bé. Sau lần gặp gỡ ngắn ngủi định mệnh trên, cô Bé có thai và quay về Tân Xuân, cuối năm 1994 hạ sinh Nguyễn Bé Lory giống cha như đúc.
Tỷ phú Larry chỉ biết mình có con rơi tại Việt Nam qua một tấm ảnh khi Lory vừa vài tháng tuổi. Ngày 21/5/1995, trong một chuyến bay bằng thủy phi cơ từ đảo Pagan đến Saipan, tỷ phú Larry Hillblom tử nạn đến nay vẫn chưa tìm được thi thể.
Sau cái chết của nhà tỷ phú đào hoa bạc mệnh, có hơn 10 cháu bé được cho là con rơi của ông đã đứng ra tranh chấp khối tài sản khổng lồ. Cuối cùng ngoài phần lớn tài sản để nghiên cứu y khoa dành cho ĐH San Francisco, 4 cậu bé gồm Nguyễn Bé Lory ở Việt Nam; một đứa con rơi khác ở đảo Guam và hai người con ở Philippines được hưởng quyền thừa kế sau khi đã chứng minh trước tòa là con huyết thống của nhà tỷ phú trong cuộc chiến ADN ở Mỹ vào năm 1999.
Hiện mẹ con Nguyễn Bé Lory ở trong một ngôi nhà tại một thị trấn ở bờ biển phía Đông nước Mỹ. Theo một nguồn tin thân cận với gia đình Lory, lẽ ra năm 2012 cậu bé đủ 18 tuổi sẽ là người đứng tên trên số tài sản ước tính hiện đã lên đến gần 100 triệu USD. Song do Lory còn đang đi học, những người quản lý số tài sản đã thống nhất với gia đình Lory làm tăng thêm số tài sản khổng lồ này bằng cách đầu tư vào nhiều lĩnh vực. Đến năm 21 tuổi, Nguyễn Bé Lory mới chính thức là chủ nhân của số tiền khổng lồ này.
7 người cùng thừa kế khối tài sản khủng
Ở độ tuổi U70, đại gia Lê Ân đã gây bão dư luận với nhiều phát ngôn, việc làm gây sốc. Ông công khai "chỉ lấy gái trinh", cưới vợ trẻ hơn mấy chục tuổi. Cái tên Lê Ân trở nên "đình đám" khi quyết định rước về nhà chiếc giường 6 tỷ đồng từ Anh, cùng nhiều vụ kiện lớn nhỏ.
Ngày 31/5 vừa qua, nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 76, Chủ tịch HĐQT công ty Lê Hoàng (Bà Rịa - Vũng Tàu) - đại gia Lê Ân - đã công bố việc chuyển giao 14 loại tài sản, chủ yếu là những biệt thự cao cấp, nhà lầu, bất động sản tại Vũng Tàu, TP.HCM
Quỹ từ thiện vừa được đại gia Lê Ân công bố chuyển giao bao gồm giá trị của 14 tài sản dùng để kinh doanh. Đây vốn là tài sản cá nhân được ông Ân cam kết đền bù cho vụ án liên quan đến Ngân hàng Thương mại cổ phần Vũng Tàu (VCSB) mà ông từng là Chủ tịch. Sau khi thắng kiện, ông Ân giữ được nguyên vẹn số tài sản này và dùng nó làm vốn cho Quỹ từ thiện mang tên mình.
Mặt khách, đại gia Lê Ân chọn 7 người trong gia đình và họ tộc để trao quyết định kế thừa, nhận nhiệm vụ quản lý khối tài sản trên 2000 tỉ đồng để tiếp tục kinh doanh sinh lãi, phục vụ cho mục đích làm từ thiện. Đây là tất cả tài sản ông Lê Ân tích cóp hơn nửa thập niên qua.
Liền với đó, vị đại gia này cũng đến UBND phường 10, TP Vũng Tàu làm thủ tục giao 14 loại tài sản chủ yếu là những biệt thự cao cấp, nhiều căn nhà lầu và hàng chục hecta đất xây dựng tại Vũng Tàu trị giá hơn 2000 tỷ đồng cho 7 người thân quản lý.
7 người được chọn sẽ lĩnh lương của công ty để làm nhiệm vụ kế thừa 14 tài sản trị giá hàng ngàn tỉ đồng của đại gia Lê Ân khi ông già yếu. Họ sẽ phân công nhau điều hành kinh doanh kiếm lãi làm từ thiện.
7 người kế thừa tài sản của đại gia Lê Ân bao gồm người vợ trẻ Mai Thị Mai cùng con gái của người vợ trước và cháu nội, cháu kêu ông bằng chú ruột, bác ruột với một người anh họ.
Được biết, ngoài quyết định kế thừa tài sản, đại gia còn trao cho 7 người này những quy định chi tiết dài 17 trang liên quan đến việc quản lý, điều hành Chương trình Từ thiện Lê Ân.
Cô gái nuôi thừa kế nghìn tỷ không có di chúc của “tỷ phú bán bún”
Tháng 3/2011, bà Phát (quận Tân Phú, TP.HCM) đột ngột qua đời để lại khối tài sản cả nghìn tỷ đồng, nhưng không có di chúc.
Bà Phát sống bằng nghề bán bún. Bà không lấy chồng, nhận nuôi Thạch Hà Huệ Lan. Do bà Phát không để lại di chúc nên theo luật thì số di sản của bà Phát thuộc về cô con gái nuôi Huệ Lan. Tuy nhiên, những người họ hàng của bà Phát không đồng ý nên xảy ra tranh chấp.
Từ tháng 6/2011, trong khi chưa phân chia xong khối tài sản cả nghìn tỷ của bà Phát để lại với những người anh em của mẹ nuôi, Huệ Lan đã đơn phương đi khai nhận di sản thừa kế đối với hơn 20 sổ, thẻ tiết kiệm tại các ngân hàng. Ước tính những sổ này có giá trị hàng triệu USD. Đến nay, hai bên vẫn chưa thống nhất được phương thức giải quyết tranh chấp.
Cũng liên quan đến vụ tranh chấp khối tài sản này, theo người thân của gia đình bà Phát, hiện còn một vụ kiện do người em khác của bà Phát kiện đòi cô cháu nuôi trả lại 100.000 USD.