Ẩn mình
Công ty cổ phần Ngô Han (NHW) vừa công bố thông tin về việc không còn đủ điều kiện là công ty đại chúng. Theo đó, trong danh sách cổ đông chốt ngày 19/9/2014 của Trung tâm lưu ký Chứng khoán, NHW chỉ có 98 cổ đông. Như vậy, theo quy định, Ngô Han không còn đủ điều kiện là công ty đại chúng, NHW của bà chủ Ngô Thị Thông sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc, mặc dù đây vẫn là một DN rất tốt, chiếm khoảng 40% thị phần dây điện từ ở Việt Nam.
Thông tin này khiến nhiều NĐT liên tưởng tới phương án hủy niêm yết cổ phiếu được một số doanh nhân lựa chọn, như trường hợp Alphanam (ALP) của Nguyễn Tuấn Hải, Thủy sản Minh Phú của bà Chu Thị Bình, Nhựa Tân Tiến, Chứng khoán Phú Hưng...
Làn sóng DN xin rút niêm yết khỏi các sàn chứng khoán vài năm gần đây cho thấy một thực tế là: nhiều doanh nhân không đạt được kỳ vọng với việc niêm yết cổ phiếu.
Không mất công lên sàn rồi lại rút lui, không ít các DN có quy mô rất lớn, nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực nhưng các ông chủ vốn rất nổi tiếng nhưng không hề mặn mà với việc niêm yết cổ phiếu trên các sàn chứng khoán.
Hai gương mặt được đánh giá có thời kỳ tài sản lên tới hàng tỷ USD và chắc chắn thuộc tốp giàu nhất tại Việt Nam là ông Vũ Văn Tiền và ông Đào Hồng Tuyển. Tuy nhiên, cho tới nay, các đại gia này vẫn im hơi lặng tiếng, không một cổ phiếu nào thuộc tập đoàn chính yếu của họ được niêm yết trên sàn. Giới đầu tư cũng không thể biết, hiện họ còn giàu có hay không, và mức độ giàu có của các doanh nhân này như thế nào.
Ông Vũ Văn Tiền lặng lẽ với Tập đoàn Geleximco và xoay sở với ABBank trong bối cảnh thị trường BĐS trầm lắng kéo dài. Trong khi đó, chúa đảo Tuần Châu - Đào Hồng Tuyển vẫn chìm đắm với các dự án nhiều tỷ USD tại Hạ Long. Không ai trong số họ phát đi tín hiệu sẽ đưa các tập đoàn con đẻ của mình lên TTCK.
Nữ đại gia được đánh giá có thể cạnh tranh vị trí siêu giàu với người giàu thứ 2 trên TTCK Việt Nam Đoàn Nguyên Đức - bà Lê Thị Thúy Ngà - Chủ tịch tập đoàn Nam Cường cũng tiếp tục con đường làm ăn kín đáo của chồng kể từ năm 2010, khi trở thành góa phụ.
Giới đầu tư cũng không biết Nam Cường - với hàng chục dự án BĐS lớn trải khắp miền Bắc - giờ ra sao khi BĐS trầm lắng. Rồi thực tế, ai là người thừa hưởng và nắm giữ khối tài sản khổng lồ từ ông chủ quá cố?
Có nhiều cái tên doanh nhân gắn liền với các gia đình trị nhưng kín tiếng, không đưa cổ phiếu của tập đoàn lên sàn như: Nguyễn Thị Nga (Tập đoàn BRG), cụ bà Tư Hường (Hoàn Cầu), dòng họ Lý Quý, Trương gia, Trầm Bê, Nguyễn Thị Điền (Phước An), Trần Quý Thanh (Tân Hiệp Phát), Đỗ Minh Phú (Doji), Vũ Quang Hội (Bitexco), Đoàn Quốc Việt (BIM)...
Muốn kín đáo
Danh tiếng và độ giàu của các doanh nhân này lan truyền trong cộng đồng DN và giới đầu tư rất mạnh. Người ta biết đến Tân Hiệp Phát qua một số sản phẩm nổi tiếng như Trà Dr. Thanh; biết đến Vũ Quang Hội qua tòa nhà Bitexco, khách sạn Marriot; biết đến bà Hoàn Cầu qua cuộc thi hoa hậu hoàn vũ... Tuy nhiên, có rất ít thông tin về tình hình hoạt động của các tập đoàn này cũng như tài sản của các ông/bà chủ.
Gần đây, giới đầu tư nghe tới rất nhiều cái tên DN lạ hoắc, trong các vụ thâu tóm, trong các vụ đầu tư hoặc tư vấn các dự án rất lớn. Và tất nhiên, cũng rất ít người biết được các ông bà chủ thực sự đứng ở đằng sau.
Trường hợp Geleximco chẳng hạn. DN này nổi lên vài năm trước đây với rất nhiều dự BĐS, giao thông, công nghiệp, tài chính... với tổng giá trị đầu tư lên tới hàng tỷ USD. Cuối năm 2012 đầu 2013, Geleximco bán Xi măng Thăng Long - một DN không mấy tên tuổi trong lĩnh vực này thu về khoảng 5.000 tỷ đồng. Nhiều NĐT khi đó mới biết đến ông Vũ Văn Tiền, cũng như vai trò của đại gia này ở Ngân hàng An Bình.
Những cái tên như Nguyễn Thị Nga, Trầm Bê... mặc dù rất nổi tiếng nhưng ít khi xuất hiện trên các phương tiện đại chúng.
Có rất nhiều lý do khiến các doanh nhân siêu giàu người Việt thích sự kín đáo, thích ẩn mình.
Phát biểu khi nhận giải Doanh nhân xuất sắc nhất - Giải thưởng Bản lĩnh Doanh nhân Lập nghiệp 2014, ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG), cho biết, "nổi tiếng quá cũng không tốt, cũng mệt lắm". Doanh nhân này bật mí, ông muốn 5-10 năm nữa khi DN ổn, ông sẽ rút về, "thực hành tâm linh, tôi sẽ không làm doanh nhân nữa" - ông tâm sự. Gần đây, ông đãũ chuyển một lượng lớn cổ phiếu về DN riêng.
Cán bộ đã nghỉ hưu của một công ty cổ phần xây lắp ngành điện cho hay, ông chủ trẻ tuổi trước đây của ông không hề muốn công ty lên sàn. Bởi, lên sàn đồng nghĩa với việc phải minh bạch hóa mọi thứ. Sau cổ phần hóa với giá rất rẻ, DN giờ đây đã thuộc sở hữu của một nhóm cổ đông. Việc triển khai hàng loạt dự án BĐS trên các mảnh đất của DN cũng giúp các họ kiếm bộn tiền. Tiền của cất không hết, họ cũng không muốn lên sàn làm gì.
Có thể thấy, rất nhiều doanh nhân không muốn chia sẻ về bản thân bởi lo ngại mặt trái của sự nổi tiếng. Họ chỉ muốn phát triển DN, phát triển thương hiệu của DN, nhãn hiệu của sản phẩm. Tuy nhiên, cũng có DN sống nhờ lợi dụng cơ chế, chính sách, mối quan hệ. Sự nổi tiếng, minh bạch do vậy không phải là lựa chọn số một. Hiện tượng sở hữu chéo lằng ngoằng với nhiều cái tên tổ chức hay cá nhân bí hiểm... phần nào cho thấy điều này.