Bà Lê Thị Thúy Ngà là Chủ tịch tập đoàn Nam Cường. Bà Ngà đã tiếp quản vị trí lãnh đạo Tập đoàn Nam Cường sau khi chồng bà, doanh nhân Trần Văn Cường qua đời đầu năm 2010. Ở toàn miền Bắc cũng như ở Hà Nội, Nam Cường là một cái tên quen thuộc trong lĩnh vực bất động sản. Tập đoàn này là chủ đầu tư của các khu đô thị như Cổ Nhuế, Phùng Khoang, Dương Nội (Hà Nội) cùng nhiều dự án khu đô thị ở Nam Định, Hải Dương.
Trong số tháng 1/2014, tạp chí Forbes Việt Nam đã công bố danh sách 20 gia đình kinh doanh hàng đầu Việt Nam. Bên cạnh các ngân hàng nổi tiếng như Sacombank, ACB, tập đoàn Vingroup… Tập đoàn Nam Cường cũng được vinh danh. Đây là một tập đoàn có gần 30 năm kinh nghiệm kinh doanh trong ngành bất động sản. Danh sách này được đưa ra với mục đích ghi nhận và giới thiệu sơ khởi chân dung của một số gia đình kinh doanh có ảnh hưởng lớn.
Dù có rất nhiều hoạt động kinh doanh ở Hà Nội, nhưng Nam Cường vẫn đặt trụ sở chính ở Nam Định. Cho tới thời điểm hiện tại, vốn điều lệ của tập đoàn Nam Cường đạt 4.500 tỷ đồng. Riêng cá nhân bà Lê Thị Thúy Ngà sở hữu cổ phần xấp xỉ 4.000 tỷ đồng, chiếm 88,86% cổ phần.
Giả sử như cổ phiếu của Tập đoàn Nam Cường được niêm yết trên sàn chứng khoán và giao dịch tại mức giá bằng với giá trị sổ sách thì với 8.700 tỷ đồng, bà Ngà sẽ vượt qua bầu Đức (hiện tại tài sản của bầu Đức đang là 7.644 tỷ đồng) và trở thành nữ đại gia giàu thứ 2 trên sàn chứng khoán, sau chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng.
Tuy nhiên, đây chỉ là con số “trên giấy tờ”, theo thống kê từ số liệu của CIC, vốn chủ sở hữu tính đến cuối năm 2011 của tập đoàn này lên tới 9.800 tỷ đồng với hàng loạt dự án đầu tư bất động sản “khủng” như khu đô thị Dương Nội, Cổ Nhuế, Phùng Khoang và hàng loạt khách sạn 4 sao ở Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng, khu resort Đồ Sơn…
Tuy nhiên, nổi tiếng là người “kín kẽ”, nữ chủ nhân của tập đoàn Nam Cường không xuất hiện nhiều trên truyền thông mà chỉ tập trung vào công việc và làm từ thiện. Quỹ “Trái tim nhân hậu” do bà Ngà thành lập hàng năm đều được trích 1,5% lợi nhuận của tập đoàn để hoạt động. Quỹ đã tài trợ được 30 ca phẫu thuật tim tại Việt Nam, tài trợ quỹ khuyến học tỉnh Nam Định và các dự án xây nhà tình nghĩa.
Hàng loạt dự án khủng
Tập đoàn Nam Cường Hà Nội đã có những bước phát triển không ngừng. Kể từ khi được thành lập với tên ban đầu là Tổ hợp dịch vụ Vận tải vật tư nông nghiệp và xây dựng Xuân Thủy năm 1984. Sau năm lần đổi tên từ ngày 20/12/2007 công ty chính thức hoạt động theo mô hình Tập đoàn với tên mới là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Nam Cường.
Đến tháng 8/2009 công ty đổi tên giao dịch thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Cường Hà Nội theo giấy phép đăng ký số 0702001435 do Sở kế hoạch Đầu tư Tỉnh Nam Định cấp, đặt trụ sở tại Lô 24 đường Đông A, khu đô thị mới Hòa Vượng, thành phố Nam Định.
Ở Miền Bắc cũng như ở Hà Nội, Nam Cường là một cái tên quen thuộc trong lĩnh vực bất động sản. Tập đoàn này là chủ đầu tư của các khu đô thị như Cổ Nhuế, Phùng Khoang, Dương Nội (Hà Nội) cùng nhiều dự án khu đô thị ở Nam Định, Hải Dương.
Trong đó, khu đô thị Quốc Oai (Hà Nội) tọa lạc tại giao điểm 2 tuyến đường huyết mạch quan trọng nhất phía Tây Hà Nội là trục đường phát triển kinh tế Bắc – Nam và đường cao tốc Láng – Hòa Lạc, khu đô thị Thương mại Quốc Oai có tổng diện tích quy hoạch là 1.124,24 ha được thiết kế đồng bộ và hiện đại theo tiêu chuẩn đô thị cấp I, đáp ứng các yêu cầu về nhà ở và các tiện ích xã hội cho quy mô dân số khoảng 15 vạn người.
Điểm nổi bật trong khu Thương mại Quốc Oai tại ngã tư giao cắt giữa hai tuyến đường Láng – Hòa Lạc và trục Bắc Nam là khu quảng trường rộng 30ha, với các khối khách sạn 5 sao, cao ốc thương mại dịch vụ dọc hai bên trục quảng trường và điểm nhấn khu công viên, hồ nước rộng 70 ha – được thiết kế là lá phổi xanh cho toàn khu đô thị tại trục cuối quảng trường.
Khu đô thị mới Cổ Nhuế là dự án nằm ở phía Tây, thành phố Hà Nội thuộc địa bàn xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội, có tổng diện tích 17,6 ha, dự kiến phục vụ 1.900 dân. Diện tích sàn xây dựng 80.000 m2, tỷ lệ không gian xanh mở là 37.5%, dự án gồm khối văn phòng cho thuê, hơn 50 biệt thự và 3 khối nhà chung cư cao tầng với 680 căn hộ cao cấp diện tích từ 90- 250 m2.
Theo như Nam Cường, mỗi căn hộ ở đây đều trang bị hệ thống Video Intercom để nhận diện khách đến thăm, trang bị hệ thống gas trung tâm đến từng căn hộ, hệ thống phòng cháy chữa cháy ở tầng hầm, hệ thống bơm nước tự động áp lực cao để cung cấp nước sinh hoạt...
Khu đô thị mới Phùng Khoang cũng của Tập đoàn Nam Cường có quy hoạch chi tiết khoảng 46 ha, với quy mô dân số khoảng 3.000 - 5.000 người. Dự án là tổ hợp các công trình hỗn hợp gồm văn phòng, trung tâm thương mại, khách sạn và nhà ở, phục vụ cho dân cư khu vực và thành phố.
Các dự án giao thông do Nam Cường triển khai đều có tổng mức đầu tư lớn như: đường trục phía Bắc Hà Đông hơn 3.000 tỷ đồng; đường trục kinh tế Bắc - Nam gần 7.700 tỷ đồng... Các dự án khu đô thị, nhà ở đều chiếm quỹ đất đáng kể như: Phúc Thọ 156,5 ha; Thạch Thất 2.448,5 ha; Quốc Oai 2.841 ha; Chương Mỹ 1.000 ha; Ứng Hòa 849 ha; Thanh Oai 7 ha; Mỹ Đức 953 ha và Phú Xuyên 681 ha...
Tập đoàn Nam Cường hiện đang sở hữu Khách sạn Nam Cường Hải Phòng (4 sao); Khách sạn Nam Cường Hải Dương (4 sao). Ngoài ra, Tập đoàn cũng đang triển khai hàng loạt các dự án khách sạn quốc tế tầm cỡ từ 4 - 5 sao tại Đồ Sơn (Hải Phòng), Hòa Vượng (Nam Định), Dương Nội (Hà Đông), Phùng Khoang (Hà Nội)... Trước đây, bà Ngà thường đứng sau "cái bóng" của chồng - ông Trần Văn Cường. Sau khi chồng qua đời, bà Ngà đã tiếp tục điều hành tập đoàn triển khai các dự án lớn.