Vợ con “trắng tay”
Ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) là một đại gia ngân hàng có tiếng. Tên tuổi ông gắn liền với ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Hà Nội (SHB). Tại SHB, bầu Hiển là người có tiếng nói lớn khi nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Cùng với chức vụ, sức mạnh của bầu Hiển càng được củng cố khi ông nắm giữ lượng cổ phiếu không hề nhỏ. Theo báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2014, tại thời điểm cuối năm, bầu Hiển nắm giữ gần 26,7 triệu cổ phiếu SHB, tương ứng 3,01% vốn SHB. Theo thị giá SHB ngày 29/1, số cổ phiếu này trị giá 248 tỷ đồng.
Cũng giống như bầu Đức, bầu Hiển để vợ con hoàn toàn “trắng tay” tại công ty do mình đứng đầu. Vợ bầu Hiển, bà Lê Thành Hòa và hai cậu con trai Đỗ Quang Vinh và Đỗ Vinh Quang không nắm giữ bất cứ cổ phiếu SHB nào.
Là người giỏi giang, bà Hòa đủ sức gánh vác lĩnh vực tài chính cho chồng nhưng bà Hòa lại chọn cách “không liên quan” tới SHB. Không chỉ “trắng tay” tại SHB, bà Hòa còn không “làm thuê” cho chồng. Hiện bà đang là trưởng phòng Kế toán của Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, Bộ Công an.
Cậu cả Đỗ Quang Vinh của bầu Hiển sinh năm 1989 đã tốt nghiệp thạc sĩ ngành tài chính - ngân hàng ở Anh. Cậu con thứ hai Đỗ Vinh Quang sinh năm 1995 cũng theo chân anh trai học đại học tại đất nước này.
Sau khi tốt nghiệp, cậu cả Quang Vinh không về làm việc tại SHB mà thử sức tại một ngân hàng ở Singapore. Nhiều người đánh giá Đỗ Quang Vinh đủ sức tiếp quả sự nghiệp khổng lồ của bố.
Không chỉ nổi tiếng vì giỏi giang, cậu cả Quang Vinh còn nổi tiếng vì giản dị. Dù có bố là đại gia, Quang Vinh không đi siêu xe. Ngay cả khi đã tốt nghiệp đại học, Vinh vẫn dùng xe máy làm phương tiện di chuyển.
Trong gia đình bầu Đức, vợ con hoàn toàn “trắng tay” nhưng anh chị em ruột lại nắm giữ lượng cổ phiếu HAG không hề nhỏ. Gia đình bầu Hiển cũng vậy. Vợ con bầu Hiển “trắng tay” nhưng hai chị gái của ông lại sở hữu lượng cổ phiếu SHB trị giá hàng trăm tỷ đồng.
Trong năm 2014, hai chị gái của bầu Hiển là bà Đỗ Thị Thu Hà và bà Đỗ Thị Minh Nguyệt đều mạnh tay mua vào cổ phiếu. Cụ thể, bà Nguyệt mua vào hơn 5 triệu cổ phiếu, nâng tổng lượng nắm giữ lên gần 20 triệu đơn vị, tương ứng 2,251% vốn SHB.
Trong khi đó, bà Minh Nguyệt không còn là người “trắng tay” tại SHB sau khi mua vào 5 triệu cổ phiếu SHB. Tổng lượng cổ phiếu của bà Hà và bà Nguyệt có giá trị khoảng 232 tỷ đồng, chỉ thấp hơn tài sản trên thị trường chứng khoán của bầu Hiển một chút.
Bên cạnh lượng cổ phiếu SHB “khủng” của các chị gái, sức mạnh của bầu Hiển còn được củng cố thêm rất nhiều nếu tính đến con số sở hữu của các công ty “liên quan” tới bầu Hiển.
Cụ thể, công ty cổ phần Tập đoàn T&T là cổ đông lớn nhất của SHB khi nắm giữ hơn 97 triệu cổ phiếu SHB, tương đương 10,95% vốn. T&T được biết đến rộng khắp tại Việt Nam khi tham gia bóng đá với câu lạc bộ T&T Hà Nội. Ngay cả khi chưa rõ bầu Hiển có bao nhiêu vốn tại T&T, dư luận vẫn “mặc định” xem T&T là công ty của bầu Hiển.
Công ty Cổ phần Chứng Khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS) cũng là một đơn vị “có liên quan” tới ông bầu nổi tiếng này. Cuối năm 2014, SHS chỉ còn nắm giữ hơn 15 triệu cổ phiếu SHB. Trong năm 2014, SHS buộc phải bán 7,5 triệu cổ phiếu SHB để giảm tỷ lệ đầu tư theo quy định.
Trong khi đó, T&T lại mua vào 36,3 triệu cổ phiếu SHB.
2014 không phải là năm thành công của SHB. Mặc dù giá cổ phiếu SHB có tăng trưởng nhưng vẫn lình xình dưới mệnh giá.
Bầu Hiển: Từ cán bộ khoa học đến… đại gia
Đang là một cán bộ làm khoa học, năm 1993, ông Đỗ Quang Hiển là một trong số ít người bạo gan bỏ biên chế ở Viện nghiên cứu khoa học ra lập doanh nghiệp tư nhân. Sau 20 năm, ông là Chủ tịch tập đoàn T&T và Ngân hàng SHB, lọt vào tốp những người giàu nhất Việt Nam trên thị trường chứng khoán. Nhưng khi hỏi chuyện làm giàu, ông Hiển chỉ gọn lỏn: “Tôi giàu nhờ may mắn!”.
Năm 1993, T&T khi đó hướng đến việc kinh doanh các mặt hàng điện tử, điện lạnh, điện gia dụng, thiết bị văn phòng, thiết bị viễn thông… được nhiều hãng điện tử Nhật Bản chọn làm đại lý độc quyền.
Nhưng thời gian này không kéo dài lâu, bởi ông Hiển muốn làm ăn lớn hơn. Vào thời điểm những năm 1999-2000, ông Hiển thành lập Công ty T&T đặt tại Hưng Yên, rồi đầu tư vốn liếng xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện, động cơ xe máy với quy mô thuộc loại lớn lúc ấy.
Khi T&T đã vững vàng trên thị trường điện tử - điện lạnh, Đỗ Quang Hiển bắt đầu tính chuyện “tấn công” sang thị trường xe máy. Nghĩ là làm, ông chủ của T&T bỏ ra 3,5 tỷ đồng đầu tư vào dây chuyền lắp ráp xe máy.
Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, đầu tư vào mảng lắp ráp xe máy nhanh trở thành “cơn sốt” của gần 60 doanh nghiệp, ông tiếp tục thay đổi hướng kinh doanh cho mình.
Năm 2007 đánh dấu sự tham gia của T&T vào lĩnh vực tài chính với việc tham gia góp vốn và trở thành cổ đông chính của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB).
Tiền thân của SHB là Ngân hàng Nông thôn Nhơn Ái hoạt động tại Cần Thơ. Bản thân ông Hiển cũng góp vốn và trở thành Chủ tịch HĐQT và cổ đông lớn của ngân hàng này.
Sau đó, T&T cùng SHB tham gia góp vốn thành lập một hệ thống định chế tài chính gồm Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), Quản lý quỹ Sài Gòn-Hà Nội (SHF) và Bảo hiểm SHB-Vinacomin (SVIC).
Cũng trong năm 2007, T&T thành lập liên doanh T&T Baoercheng với tổng vốn đầu tư 6,15 triệu USD, xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm ngành nhựa công nghiệp và dân dụng và thành lập CTCP Đầu tư Khai thác & Chế biến Khoáng sản T&T Hà Giang.
Tập đoàn T&T xác định 4 lĩnh vực kinh doanh chính là Bất động sản, Tài chính, Công nghiệp và Thể Thao.
Giữa năm 2012, bầu Hiển cùng SHB lại có thêm một bước đi táo bạo khi đứng ra nhận sáp nhập ngân hàng Habubank đang gặp khó khăn. Việc sáp nhập tạo ra một ngân hàng mới có quy mô lớn hơn những cũng sẽ phải đối mặt với thách thức từ việc giải quyết những khoản nợ xấu trước đây của Habubank.
Năm 2006, bầu Hiển thành lập Câu lạc bộ Bóng đá T&T Hà Nội. Chỉ sau 3 năm thành lập, câu lạc bộ này đã lên 3 hạng từ hạng 3 lên hạng chuyên nghiệp và giành quyền thi đấu ở V-League từ năm 2009. Vì thế, nhắc đến ông người ta nhớ ngay đến danh xưng bầu Hiển và các đội bóng của ông cùng với các vụ mua bán cầu thủ khá ồn ào.