Phạm Nhật Vượng
Trong hồ sơ, ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Vingroup, đồng thời là tỷ phú đôla đầu tiên ở Việt Nam được giới thiệu có trình độ cử nhân. Ông Vượng từng là học sinh xuất sắc và nhờ thành tích này, ông được chọn sang du học tại Matxcova sau khi tốt nghiệp THPT. Ngành học của Chủ tịch HĐQT Vingroup tại Nga là kinh tế địa chất, thuộc trường Mỏ địa chất tại Nga.
Ở Vingroup, tính đến ngày 20/6/2014, ông Vượng sở hữu hơn 284,6 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 17.788 tỷ đồng. Tính đến nay, ông cũng là doanh nhân Việt Nam giàu nhất, với giá trị tài sản “khủng” quy theo cổ phiếu.
Chúa đảo Tuần Châu Đào Hồng Tuyển
Đào Hồng Tuyển luôn là cái tên đình đám trong giới đại gia Việt. Ông nổi tiếng giàu có và thường xuyên gây sốc cho dư luận. Ngoài sở hữu đảo du lịch quốc tế Tuần Châu (Quảng Ninh), hiện giờ ông Đào Hồng Tuyển sở hữu 14 công ty, 34 nhà máy xí nghiệp với cả vạn công nhân… Xác nhận về tài sản của mình, “chúa đảo” Đào Hồng Tuyển nói vui rằng, tổng tài sản của ông lên tới 2 tỷ đôla Mỹ. Tuy sau đó ông đã phủ nhận con số này, nhưng nhìn vào khối tài sản ông đang sở hữu hoặc đồng sở hữu, thì có lẽ con số đó không phải là không có thật.
Sớm tình nguyện vào quân ngũ khi 15 tuổi, đường học của "chúa đảo" Tuần Châu Đào Hồng Tuyển bị bỏ dở giữa chừng khi ông mới chỉ ở tuổi của một học sinh cấp III. Đến những năm 80, ông mới tại ngũ, ở lại TP.HCM lập nghiệp từ nghề dọn chuồng lợn, bưng bia ở các quán nhậu, phải ngủ trên vỉa hè, gara ô tô, công viên hay mái hiên nhà phố. Dù con đường học vấn không dài, nhưng ông Tuyển hiện được coi là một trong những tỷ phú giàu nhất Việt Nam, với triết lý làm giàu: "Phải dám nghĩ những điều to lớn, không tưởng".
Đoàn Nguyên Đức
Ông chủ Hoàng Anh Gia Lai có trình độ học vấn 12/12. Ông là một trong những doanh nhân tại Việt Nam chưa từng đến giảng đường đại học. Chia sẻ về điều này, ông chủ Hoàng Anh Gia Lai cho rằng, tại Việt Nam, không dưới 100 người thành đạt mà không có bằng đại học.
Bầu Đức có trình độ học vấn 12/12. Dù chưa từng học đại học, nhưng điều này không làm bận tâm ông chủ Hoàng Anh Gia Lai.
Theo ông, dù là kiến thức trong trường hay ngoài đời nếu không tận dụng, tận thu thì cũng chỉ “vứt đi hết”. Ông Đoàn Nguyên Đức là doanh nhân duy nhất trong top 10 người giàu Việt trên sàn chứng khoán năm 2013 chưa học đến đại học.
Phạm Thu Hương
Phó tướng của ông Phạm Nhật Vượng - bà Phạm Thu Hương, Phó chủ tịch HĐQT Vingroup là cử nhân luật quốc tế. Trong nhiều năm, bà Hương nằm trong danh sách top 10 người giàu nhất Việt Nam. Bà cũng doanh nhân nữ giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt, tính đến thời điểm hiện tại, với tài sản hơn 3.000 tỷ đồng. Bà Hương chính là vợ của tỷ phú đôla Phạm Nhật Vượng.
Phạm Thúy Hằng
Em vợ ông Phạm Nhật Vượng - doanh nhân nữ nằm trong top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt có trình độ cử nhân. Bà Hằng nắm giữ hơn 32,7 triệu cổ phiếu VIC, quy đổi ra tiền đồng tương đương hơn 2.000 tỷ. Hiện tại, cùng với chị gái là Phạm Thu Hương, bà Phạm Thúy Hằng là Phó chủ tịch HĐQT Vingroup.
Trần Đình Long
Là người giàu thứ 3 trên sàn chứng khoán Việt năm 2013, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát - ông Trần Đình Long - có trình độ cử nhân. Ông là cử nhân kinh tế, đại học Kinh tế quốc dân, tốt nghiệp năm 1996. Đến nay, tổng tài sản của ông Long quy theo giá trị cổ phiếu là hơn 5.900 tỷ đồng.
Nguyễn Mai Bảo Trâm
Là nữ doanh nhân giàu thứ 5 trên thị trường chứng khoán, với tài sản lên tới hơn 2.054 tỷ đồng, nhưng bà Nguyễn Mai Bảo Trâm – Thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc công ty cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) không được nhiều người biết tới. Bà Trâm có trình độ thạc sĩ.
Đặng Thành Tâm
Chủ tịch HĐQT KBC là một trong những đại gia Việt nằm trong top 10 có nhiều bằng cấp nhất.
So với các doanh nhân khác, ông Đặng Thành Tâm nổi trội hơn cả về trình độ học vấn. Ông là cử nhân Quản trị kinh doanh, cử nhân Luật, kỹ sư Hàng hải và có bằng Diploma quản lý kinh doanh của đại học quản lý Henley (Anh). Tài sản ông Tâm nắm giữ tính đến hết năm 2013 là hơn 1.400 tỷ đồng.
Hà Văn Thắm
Ông chủ tập đoàn Đại Dương cũng là một trong những doanh nhân có nhiều bằng cấp nhất trong top 10 người giàu trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Chủ tịch HĐQT tập đoàn Đại Dương Hà Văn Thắm là cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ Quản trị kinh doanh.
Ông Hà Văn Thắm có bằng thạc sĩ và tiến sĩ Quản trị kinh doanh của 2 trường nước ngoài là Colombia Common Wealth (Hoa Kỳ) và đại học Công nghệ Paramount (Hoa Kỳ). Ông Thắm cũng là cử nhân Quản trị kinh doanh, đại học Thương mại.
Nguyễn Hoàng Yến
Bà Nguyễn Hoàng Yến - Thành viên HĐQT công ty cổ phần tập đoàn Masan là cử nhân Nga văn. Đây là doanh nhân nữ trong top 10 có bằng cấp đặc biệt nhất. Bà Yến lọt top 10 người giàu sàn chứng khoán Việt Nam năm 2013, đứng ở vị trí thứ 7, với tổng tài sản giai đoạn đó là hơn 1.900 tỷ đồng.
Trong số những tỷ phú Việt Nam, không phải ai cũng có bằng cấp về kinh tế. Thành viên HĐQT Masan là ví dụ. Bà Nguyễn Hoàng Yến có bằng cử nhân Nga văn.
Ông Nguyễn Đăng Quang
Là chủ tịch của một trong những công ty tư nhân hàng đầu Việt Nam, ông Nguyễn Đăng Quang có học vị Tiến sĩ. Theo giới thiệu ngắn gọn trên website của tập đoàn Masan, ông Quang nhận bằng Tiễn sĩ khoa công nghệ của Học viện Khoa học quốc gia Belarus và bằng Thạc sĩ chuyên ngành Quản trị kinh doanh của đại học Kinh tế Nga Plekhanov.
Không dễ thống kê tài sản của nhà lãnh đạo quyền lực này, do ông Quang tham gia đầu tư vào khá nhiều công ty. Dù vậy, có thể chắc chắn rằng ông (và gia đình) là một trong số rất ít những tỉ phú đô-la thực sự của Việt Nam.
Ông chủ Trần Quí Thanh
Ông chủ Trần Quí Thanh của tập đoàn Tân Hiệp Phát- hãng nước giải khát mang thương hiệu Việt Nam sinh năm 1953. Mặc dù có trong tay bằng kỹ sư cơ khí nhưng ông lại lựa chọn rẽ hướng vào kinh doanh ngành thực phẩm với công việc tại Tổng công ty thực phẩm Trung ương. Sau gần 20 năm, ông Thanh đã dẫn dắt Tân Hiệp Phát thành tập đoàn nước giải khát mang thương hiệu Việt Nam có doanh thu không kém cạnh Pepsi Việt Nam.
Cty TNHH Thương mại - Dịch vụ Tân Hiệp Phát hiện có vốn điều lệ 276 tỷ đồng, trụ sở chính tại Thị xã Dĩ An, tình Bình Dương. Bà Phạm Thị Nụ là Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm TGĐ của công ty.
Theo bảng xếp hạng VNR500, doanh thu năm 2011 của Tân Hiệp Phát vào khoảng 6.000 tỷ đồng, không thua kém nhiều so với Pepsi Việt Nam.