BẠN ĐÃ BIẾT? » Kiến thức

Mẹo hay nhận biết thịt lợn bệnh, lợn chứa giun sán

Thứ ba, 15/03/2016 14:17

Biện pháp để phát hiện thịt lợn bị nhiễm giun sán là cắt thịt theo thớ dọc, nếu bạn thấy có những đốm trắng to bằng đầu kim thì đó là miếng thịt đã bị nhiễm giun xoắn.

Nhận biết thịt lợn chứa giun sán

Thịt lợn nhiễm sán được gọi là cysticercus cellulosae. Khi chúng ta ăn phải thịt lợn có chứa các nang ấu trùng sán khi chưa được nấu chín, các ấu trùng này khi xâm nhập vào cơ thể, đi đến dạ dày, lớp màng ngoài của sán bị phá vỡ, lúc này đầu sán được giải phóng và tiếp tục bám vào niêm mạc ruột non, phát triển thành sán trưởng thành chỉ sau 2 - 3 tháng.

Những triệu chứng khi ăn phải thịt lợn nhiễm sán là rối loạn tiêu hóa như đau bụng, khó tiêu, cảm thấy buồn nôn, thậm chí nôn ra cả đốt sán.

Trường hợp nặng hơn có thể khiến cơ thể bị yếu cơ, sụt cân nghiêm trọng, thiếu máu và rối loạn thần kinh, ảnh hưởng tiêu cực tới hệ vi sinh vật đường ruột ở trong cơ thể.

Một biện pháp rất đơn giản để phát hiện thịt lợn bị nhiễm giun sán là cắt thịt theo thớ dọc và quan sát, tìm kiếm dọc theo thớ thịt. Nếu bạn thấy miếng thịt có những đốm trắng to bằng đầu kim thì đó là miếng thịt đã bị nhiễm giun xoắn.

Một dấu hiệu khác cho thấy miếng thịt lợn bị nhiễm sán đó là thớ thịt có những hình sợi hay hình bầu dục to bằng hạt gạo, màu trắng hay vàng xám nằm song song với thớ thị.

Ngoài ra, khi thấy miếng thịt lợn có cảm giác cứng khi sờ, không có sự đàn hồi hay không có độ dẻo dính, không mềm mại vì có thể miếng thịt này đã bị ướp urê hoặc có chứa hàn the.

Khi thấy những dấu hiệu này, bạn cần loại bỏ ngay lập tức, tuyệt đối không được sử dụng.

Miếng thịt lợn bị nhiễm giun sán

Chọn thịt lợn tươi ngon

Khi chọn thịt cần tránh loại mà lớp mỡ dưới da mỏng, lỏng lẻo, dày chưa đến 1cm (trong khi lớp mỡ của lợn nuôi bình thường dày từ 1,5 - 2cm). Khi thái thịt, nếu miếng thịt mềm, không đứng vững được thì có khả năng là thịt sử dụng chất tạo nạc. Khi mua thịt, người mua cần để ý chỗ liên kết giữa phần nạc và phần mỡ, nếu thấy tách rời rõ rệt, đồng thời có dịch vàng rỉ ra thì chắc chắn đó là thịt nuôi bằng chất tạo nạc. Thịt lợn nuôi bằng chất tạo nạc thường có màu đỏ bất thường và sáng, bóng hơn bình thường, tuy nhiên lại dễ bị biến thành màu đỏ sậm ngả sang đen, khi ăn thường có cảm giác khô, không có vị béo của thịt.

Bên cạnh các loại thịt lợn được nuôi bằng chất tạo nạc, thịt lợn trên thị trường hiện nay còn có nhiều loại được tạo bằng các giống lợn cao nạc hoặc giống siêu nạc và có giá trị dinh dưỡng cao. Mặc dù thường khó phân biệt đâu là thịt lợn từ giống siêu nạc với thịt lợn được nuôi bằng chất tạo nạc, một vài nguyên tắc chung sau đây có thể giúp người tiêu dùng chọn lựa thịt lợn an toàn hơn:

Thịt tươi tốt có màu hồng tự nhiên (không lợt quá, không đậm quá), mỡ màu trắng bạch; bề mặt cắt có độ rít, không bị tươm nước, không đổ nhớt và có độ đàn hồi cao. Thịt tươi có mùi thơm tự nhiên của thịt.

Thịt ngon khi luộc có nước trong, váng mỡ to, có mùi thơm của thịt và đặc biệt không có mùi lạ (mùi của lợn nọc, lợn nái hoặc mùi kháng sinh).

Lấy ngón tay ấn vào thịt, không để lại vết lõm khi bỏ ngón tay ra và không bị dính. Tủy lợn bám chặt vào thành ống tủy, màu trong, đàn hồi. Khi luộc hoặc chế biến, nước canh trong, mùi vị thơm ngon, trên mặt có nổi một lớp mỡ với vết mỡ to.

Trong khi đó, thịt kém tươi và ôi sẽ hơi xanh nhạt hoặc hơi thâm, thậm chí còn bị đen, không bóng. Màng ngoài nhớt nhiều hay bắt đầu nhớt. Mỡ màu tối, độ rắn giảm sút, mùi vị ôi. Mặt khớp có nhiều nhớt. Dịch hoạt đục. Nước canh đục, mùi vị hôi, trên mặt lớp mỡ, tách thành những vết nhỏ hoặc hầu như không còn vết mỡ nữa. Tủy róc ra khỏi ống tủy, màu tối hoặc nâu, mùi hôi..

Thịt lợn kém chất lượng hoặc lợn bệnh, lợn chết có màu đỏ bầm, nhũn nhão, độ đàn hồi kém, rỉ dịch nhiều, cắt sâu vào sẽ có máu (do heo chết trước khi chọc tiết nên máu còn tụ lại trong cơ thể). Nếu heo chết đã lâu, thịt heo bị phân hủy sẽ có mùi hôi; lớp bì tím bầm, nước luộc đục, không thơm...

Các bà nội trợ khi gặp các các loại thịt lợn như dưới đây cũng không nên mua: Lợn bị thương hàn bề mặt da có những nốt bầm hoặc lấm tấm xuất huyết, thịt nhão, tai lợn bị tím. Lợn bị tả có nốt xuất huyết nằm dưới da hoặc trên vành tai, lấm tấm như nốt muỗi đốt. Thịt lợn bị tụ huyết trùng có những mảng bầm, tụ máu. Lợn bị viêm gan thịt có màu vàng. Lợn đóng dấu bề mặt da có những nốt tròn đỏ, tía hoặc son, có khi màu tím bầm, kích thước khác nhau, như hình đóng dấu.

Thịt lợn tươi, ngon có tiêu chuẩn thì cần đảm bảo màng ngoài của miếng thịt phải khô, không bị nhớt, mùi và màu sắc bình thường, khối thịt rắn chắc,... (Ảnh minh họa).

Bóc mẽ chiêu "làm tươi" thịt lợn của tiểu thương

Ngoài ra, các bà nội trợ cũng cần lưu ý không nên mua thịt, mỡ có màu vàng (có thể lợn bị bệnh sắc tố; thịt lợn gạo (lợn bị nhiễm ký sinh trùng)... Những biểu hiện của lợn bị bơm nước là đường cắt bị rỉ nước nhiều, cơ dãn, thịt tái màu.

Đối với lợn tươi sống bày bán khoảng 10 giờ sáng là thịt đã chuyển màu, biến chất. Nếu tiêu thụ không hết, phải bán vào buổi chiều, một số người bán hàng thường tẩm ướp hàn the, muối diêm... để đánh lừa cảm quan người tiêu dùng là thịt vẫn còn tươi.

Cách phân biệt: Miếng thịt có tẩm hàn the rất tươi, cầm thấy cứng nhưng khô, thớ thịt săn, không dính... Cắt vào bên trong, thịt nhũn nhão, rỉ dịch và có mùi. Thịt ướp muối diêm có độ đàn hồi kém.

Đôi khi người bán còn pha phẩm màu với tiết lợn để thoa vào miếng thịt cho thịt đẹp như thịt tươi. Loại thịt này khi rửa sẽ chuyển màu nhợt nhạt và có mùi tanh (chỉ khi nào rửa mới biết).

>>Click xem 9 thực phẩm chứa chất độc ngay trong bếp nhà bạn

Theo Doisongphapluat.com