Nổi đình nổi đám nhất và tự nhận là tạo một công trình để đời, có lẽ là ông Huỳnh Uy Dũng (Dũng Lò Vôi) với khu Đại Nam Quốc tự được đầu tư tới 3.000 tỉ đồng. Với 450 ha, khu du lịch là chuỗi các đình, đền, tường thành, núi non, sông nước, biển nhân tạo, vườn thú... được xây dựng trải dài gần 20 km.
Giải thích cho việc đầu tư công trình này, ông Dũng nói: “Lấy vật chất làm của, của sẽ rời xa ta. Lấy phúc đức làm của, của theo ta vạn đời”.
Ông từng chia sẻ: “Trong giấc ngủ, tôi vẫn mơ thấy đền thờ Đại Nam. Tôi càng quyết tâm làm, không ai cản ngăn được tôi. Có ai biết, công trình này không tốn tiền thiết kế. Tất cả do tôi nghĩ ra và tôi đã làm, quên cả ngày đêm. Khi xây dựng đền Đại Nam, tôi như thực hiện sứ mệnh cho đời sau, như có ai mách bảo. Tôi nghiệm ra có 4 “cái không” trong cuộc đời này là: Không ai có thể làm hết việc ở đời; không ai có thể ăn hết món ngon, vật lạ trên đời; không ai có thể xài hết những thứ xa xỉ trên đời; và cuối cùng, chết đi, không ai mang theo được thứ gì trên đời này. Tôi đã trải qua thời gian dài, với bao thử thách nghiệt ngã của số phận; tuy nhiên, trong phúc có họa, trong họa lại có phúc”.
Ông Dũng cho biết:, mỗi ngày, tôi ăn chưa tới… 50.000 đồng. Một tháng, tôi ăn chay 4 ngày. Vậy mà hơn bao giờ hết, tôi thấy cuộc đời của mình hạnh phúc và thanh thản như bây giờ.
Theo ông chủ khu du lịch Đại Nam, sắp tới ông sẽ bán tất cả bất động sản của mình, ước tính tổng trị giá khoảng 2.000 tỷ đồng để xây dựng 17 ngôi đền trải dài khắp 3 miền đất nước (5 đền ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam mỗi miền 6 đền).
Ước tính mỗi ngôi đền có kinh phí xây dựng khoảng 100 tỷ đồng. Dự kiến 17 ngôi đền này sẽ hoàn thành sau 4 năm nữa và sẽ được mở cửa để người dân tự do vào tham quan.
Trái ngược với ông Dũng, ông Nguyễn Văn Trường, xây chùa Bái Đính lại ít khi xuất hiện trên báo chí và thường từ chối chụp ảnh với cả những người bạn làm báo thân thiết nhất, bởi theo ông, những việc mình làm “không có gì to tát”. Ông được coi là một đại gia ẩn mình, là người sùng đạo phật, có cuộc sống bình dị ăn chay trường từ nhiều năm nay.
Chia sẻ với báo giới, doanh nhân Trường cho biết: “có người đã đúc kết rất đúng rằng: Đại gia thì cũng chỉ ăn được 3 bữa cơm một ngày thôi, cái khác biệt biệt là họ sẽ để lại cái gì cho đời. Và cái để lại đó, nếu nó thực sự đáng quý, thì cũng chẳng cần khoa trương, nó vẫn quý”.
Chùa Bái Đính mới có diện tích rộng 80 ha, nằm phía bên kia núi so với chùa cổ và ở phía tây cố đô Hoa Lư. Đây là một công trình lớn gồm nhiều hạng mục, được xây dựng trong nhiều giai đoạn khác nhau.
Gần đây, thiên hạ xôn xao vụ đại gia Trầm Bê khởi công xây dựng một ngôi chùa tại tỉnh Prắc- Huy-Hia, Campuchia, trị giá 600.000 USD. Đây là ngôi chùa thứ 9 mà vị đại gia này bỏ tiền ra xây dựng, cúng dường...
Số tiền mà đại gia Trầm Bê đã bỏ ra để xây dựng 9 ngôi chùa có con số hơn trăm tỷ. Cụ thể như sau: Chùa Vàm Ray (50 tỷ), chùa Cà Hom (10 tỷ), chùa Ba Sát (6 tỷ), chùa Bến Có (4 tỷ), chùa Mới (7 tỷ), chùa Phnô Đôn (còn gọi là chùa Cò - 7,5 tỷ), chùa Tà Điêu (6 tỷ)... 7 ngôi chùa vừa kể đều tọa lạc tại tỉnh Trà Vinh, quê hương của đại gia Trầm Bê. Ngoài ra, vị đại gia này còn bỏ ra 6 tỷ để xây một ngôi chùa ở Vũng Liêm, Vĩnh Long.
Được biết, Trầm Bê là người gốc Hoa, từ nhỏ đến lớn sống giữa cộng đồng Khơ-me nên luôn hướng về nguồn gốc của mình. Chính vì vậy, vị đại gia đã bỏ ra số tiền hàng trăm tỷ để xây dựng chùa chiền, làm nơi thờ cúng Phật cho bà con Khơ-me nghèo, xây hẳn ngôi chùa lớn có giá trị 600.000 USD bên đất bạn Campuchia.
Gia đình của Trầm Bê nghèo, đông con. Trầm Bê phải đi ở đợ, chăn trâu cho một hào phú ở Long Phú, Cù Lao từ lúc mới 5 – 6 tuổi. Sau đó Trầm Bê mới lên Sài Gòn, tiếp tục ở đợ, đi làm thuê, làm mướn với đủ nghề lặt vặt. Nhiều phi vụ đất đai, cộng thêm bản tính thông minh, chăm chỉ, Trầm Bê đã mau chóng phất lên thành một đại gia giàu nứt đố, đổ vách, nổi tiếng khắp cả nước.