Ông chủ 7 tấn vàng nợ như chúa Chổm
Chủ nhân của gần 7 tấn vàng và nhiều tấn bạc đào được tại 2 mỏ vàng lớn nhất nước là Bồng Miêu (Phú Ninh) và Đắk Sa (Phước Sơn), thuộc tỉnh Quảng Nam, là ông David Seton, Chủ tịch tập đoàn Besra Inc. người Canada. Ông David Seton cho hay, đến nay, hai nhà máy của công ty do ông làm chủ đã đào được khoảng 6,9 tấn vàng ròng 99,99% và đã xuất bán ra nước ngoài.
Theo tính toán của một chủ tiệm buôn bán vàng ở Tam Kỳ, tính giá vàng rẻ nhất tại thời điểm này - 30 triệu đồng/lượng - thì với gần 7 tấn vàng ròng đào được đã có giá trị lên đến 5.040 tỷ đồng, tương đương với khoảng 250 triệu USD. Vàng tấn đào được như vậy, nhưng không hiểu sao ông chủ hai nhà máy tại hai mỏ vàng lớn nhất nước này lại nợ như chúa Chổm.
Ngoài 297,8 tỷ đồng tiền thuế các loại đang nợ Cục Thuế Quảng Nam, ông chủ gần 7 tấn vàng còn nợ các doanh nghiệp và người dân địa phương nhiều chục tỷ đồng, đến nay vẫn chây ì không chịu thanh toán.
Lý do không chịu thanh toán các khoản nợ thuế, ông David Seton cho rằng, là do giá vàng đã giảm 30% kể từ tháng 11/2012, từ 1.800 USD/ounce xuống còn 1.200 USD/ounce. Việc tăng thuế tài nguyên và cách tính thuế khác nhau đã khiến công ty gặp nhiều khó khăn. Thiên tai bão và lụt thường xuyên cũng đe dọa việc khai thác và hàm lượng vàng trong quặng khai thác được ở Phước Sơn ngày một giảm đi, từ 11g/tấn quặng nay chỉ còn 3-4g/tấn quặng.
Theo thống kê chính thức của Tập đoàn Besra, các khoản nợ thuế, nợ đối tác của tập đoàn này là xấp xỉ 19 triệu USD. Trong đó, nợ thuế nhà nước và phí bảo vệ môi trường chừng 6 triệu USD, nợ nhà thầu các loại khoảng 6 triệu USD và 7 triệu USD nợ vay ngân hàng.
Riêng nhà thầu chính tại Phước Sơn - Công ty xây dựng Quảng An, Besra nợ 17 tỷ đồng và nợ các nhà thầu khác ở Phước Sơn chừng 7 tỷ đồng. Ông chủ của 7 tấn vàng, cũng là con nợ của Cục Thuế Quảng Nam và nhiều DN đối tác.
Tuy nhiên, chỉ riêng các khoản nợ thuế các loại đã được Cục Thuế Quảng Nam khẳng định là 297,8 tỷ đồng, tương đương 14 triệu USD. Ông Lương Đình Đường, Phó cục trưởng Cục Thuế Quảng Nam, cho hay: “Khoản nợ thuế khủng này đã kéo dài nhiều năm, Besra Inc không chịu thanh toán là đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam”
Công ty thủy sản của nữ đại gia Diệu Hiền
Tuy chuyện rước dâu bằng máy bay không xảy ra như mong đợi của nhiều người nhưng người dân Tây Đô vẫn được một phen "mắt tròn mắt dẹt" vì đoàn siêu xe đón dâu của nữ doanh nhân thủy sản .
Chiếc Phantom đời mới tại Việt Nam có mức giá khoảng hơn 25 tỷ đồng mang biển số tứ quý 3333. Đặc biệt là chiếc Phantom có giá tương đương 1,3 triệu USD của Diệu Hiền đã cùng nhiều siêu xe khác gồm Bentley, Lamborghini, Roll – Royce… chạy một mạch từ TP.HCM về miền Tây rồi đảo quanh các tuyến đường trong TP Cần Thơ làm vạn người “lóa mắt”.
Sau đám cưới hoành tránhg tổ chức cho con trai cưng gây xôn xao dư luận cả nước, cái tên Diệu Hiền ngày càng được nhắc đến nhiều hơn khi mà công ty thủy sản do bà làm chủ lâm vào tình trạng “nợ như chúa chổm”.
Tổng nợ của Bianfishco đến thời điểm đầu năm 2014 là 1.541 tỷ đồng, bao gồm: Nợ 10 tổ chức tín dụng, nợ 44 hộ bán cá, nợ bảo hiểm xã hội, nợ 10 doanh nghiệp và một số khoản nợ khác (mới phát hiện thêm). Trong số 44 hộ dân bán cá, có 4 hộ dân là “đại gia”, còn lại là những nông dân đích thực đang phải chịu nhiều khốn đốn do nợ dây chuyền phát sinh từ khoản nợ của Bianfishco.
Để xoay xở trong tình hình hiện tại, đại diện Bianfishco đã kiến nghị tổ công tác cho khoanh nợ, giãn nợ và định giá lại tài sản để nâng mức vay tại các ngân hàng.
Trước đó, liên quan đến Bianfishco, UBND TP Cần Thơ cũng đã có văn bản yêu cầu Bianfishco tiến hành việc kiểm toán năm 2011 để thống kê số nợ, tài khoản có; tổ chức đại hội cổ đông và báo cáo kết quả về UBND thành phố trước ngày 30/4; đồng thời thành phố cũng yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện ngay việc ủy quyền hợp pháp cho ông Trần Văn Trí hoặc bà Phạm Thị Diệu Hiền phải trở về nước để phối hợp giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp.
Quốc Cường Gia Lai- Công ty của mẹ con Cường Đôla
Dù ở thời điểm hiện tại, giá cổ phiếu của Quốc Cường Gia Lai (QCG) tăng khiến mẹ con Cường Đô la kiếm được những khoản tiền không nhỏ, nhưng QCG vẫn đang loay hoay với khoản nợ khổng lồ. Tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn là 1.850,47 tỷ đồng. Riêng khoản vay dài hạn đến hạn trả đã lên tới 161,56 tỷ đồng. Trong đó, khoản vay lớn 1.4999,25 tỷ đồng sẽ phải thanh toán rải rác từ 30/6/2014 tới 30/6/2015. Có nghĩa, chỉ tháng rưỡi nữa, QCG phải khởi động trả khối nợ “khủng”.
Trong khi đó, khoản vay ngắn hạn cũng không hề nhỏ. Cụ thể, khoản vay 35,34 tỷ đồng tại Ngân hàng liên doanh Việt Nga – Chi nhánh thành phố Đà Nẵng sẽ đáo hạn vào 26/10 năm nay. Khoản vay này giải ngân từ 28/5 có lãi suất 12 – 12,5%/năm. Khoản vay 18,15 tỷ đồng tại Vietcombank – chi nhánh Gia Lai sẽ kết thúc vào 30/9 năm nay.
Trong thời gian rất ngắn nữa QCG phải thanh toán nợ. Không biết nguồn trả nợ của QCG là gì vì tới cuối quý 1, tiền mặt và các khoản tương đương tiền của QCG chỉ đạt 60,5 tỷ đồng, giảm mạnh so với lượng tiền 115,20 tỷ đồng cuối quý 1/2013.
Quý 1, QCG chỉ lãi hơn 1,5 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí lãi vay cao hơn rất nhiều, đạt 5,97 tỷ đồng, tăng hơn 800 triệu đồng so với quý 1/2013. Tính trung bình, mỗi ngày QCG phải trả hơn 16 triệu đồng và chỉ thu về 4,2 triệu đồng tiền lãi. Như vậy, QCG phải làm 4 ngày mới đủ trả lãi 1 ngày.
Không chỉ nợ ngân hàng, QCG còn có những giao dịch tiền qua lại phức tạp với cổ đông và những người liên quan. Tại thời điểm cuối quý 1, QCG vẫn còn số dư phải trả cho các cá nhân/tổ chức liên quan 822 tỷ đồng. Trong đó đáng lưu ý là khoản phải trả bà Nguyễn Thị Như Loan – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc và Nguyễn Ngọc Huyền My (con gái bà Như Loan) với số tiền lần lượt 306 tỷ đồng và 241 tỷ đồng.