Bầu Đức - ông chủ Tập đoàn trồng cao su lớn nhất Việt Nam
Cách đây khoảng 5 năm bầu Đức đã bắt đầu trồng cao su. Theo bảng phân bổ quĩ đất được thông tin trên website của công ty thì Hoàng Anh Gia Lai có 51.000 ha đất trồng cây cao su tại Đắc Lắc, Gia Lai và hai nước bạn là Lào, Campuchia.
Với cách tính của bầu Đức, vốn đầu tư trồng cao su vào khoảng 100 triệu đồng/ha. Trồng 6 năm khai thác 25 năm, sau đó bán cây cao su lấy gỗ. Chỉ tính riêng phần lấy gỗ cũng đã đủ để HAGL lấy lại vốn đầu tư.
Còn nếu tính thêm lấy mủ thì cao su là siêu lợi nhuận. Một khi 51.000 ha đất trồng cao su nay đi vào thu hoạch sẽ cho ra khoảng 125.000 tấn mủ cao su/năm và giá cao su khoảng 60 triệu đồng/tấn như hiện nay, thì chỉ riêng doanh thu từ cao su mỗi năm HAGL cũng gần 8.000 tỉ đồng. Trong khi đó, giá thành lại chưa đến 20 triệu đồng/tấn.
Khi hoàn thành chương trình trồng 51.000 ha cao su theo dự kiến là năm 2012, hàng năm Hoàng Anh Gia Lai có thể thu hoạch được khoảng 127.500 tấn mủ cao su quy khô để xuất khẩu. Theo con số mới được đưa ra trên Nhịp cầu đầu tư đầu năm 2012, Hiện với lượng cao su của mình, Bầu Đức ước tính đạt lợi nhuận 653 triệu USD mỗi năm
Ngoài ra, cuối kỳ khai thác mủ cao su (sau 20 năm khai thác) 51.000 ha cao su sẽ cho ra khoảng 3 triệu m3 gỗ phục vụ cho ngành chế biến gỗ với giá trị khoảng 750 triệu USD. Sau khi trừ đi chi phí khai thác, vận chuyển và chế biến khoảng 320 triệu USD, còn thu về khoảng 430 triệu USD (cho sản phẩm gỗ cao su) (Theo chiến lược đầu tư được đăng tải trên website công ty).
Ngoài cao su, quĩ đất của Hoàng Anh Gia Lai còn trồng thêm cọ dầu, mía đường... Ở lĩnh vực mía đường, Hoàng Anh Gia Lai đầu tư nhà máy sản xuất phân vi sinh và trồng thêm 4.500ha mía. Theo tính toán, mía đường sẽ mang lại 638 tỷ đồng doanh thu năm 2013. Năm 2012, doanh thu từ mía đường rất thấp, do công ty chưa khai thác.
Khai thác, chế biến khoáng sản
Ở lĩnh vực chế biến quặng sắt, Hoàng Anh Gia Lai dự kiến trong 2013 sẽ sản xuất và tiêu thụ khoảng 260.000 tấn. Công ty của bầu Đức đặt mục tiêu sản xuất và tiêu thụ 500.000 tấn quạng tinh tại các mỏ ở Gia Lai, Kontum, Thanh Hóa và Lào.
Theo thông tin trên website công ty: Doanh thu ước tính thu được từ 60 triệu tấn quặng sắt khoảng 7,2 tỷ USD ( dựa trên giá bán bình quân ước tính là 120 USD/tấn quặng tinh).
Với khoáng sản, trước đây, khi cơ chế “xin - cho” trong khai thác còn nặng nề tại Việt Nam, bầu Đức đã sang Lào để nắm bắt cơ hội từ thị trường này (và cả Campuchia). Mỏ tại Lào đưa vào khai thác và chế biến trong quý 4/2012.
Địa ốc, bất động sản
Hiện nay HAGL là một trong những công ty bất động sản lớn nhất nước với hàng chục dự án ở khắp các tỉnh, thành như: TP.HCM. Đà Nẵng, Gia Lai... Theo thông tin được cập nhật trên website đến thời điểm này tổng diện tích đất của Hoàng Anh Gia Lai là 430.000 m2 gồm 26 dự án. Quỹ đất này đã hoàn tất thủ tục pháp lý và sẵn sàng cho việc thi công. Giả định trong tình huống thị trường bất động sản diễn ra xấu nhất và giá bán chỉ ở mức 1.000USD/m2, thì tổng doanh thu từ các dự án bất động sản sẽ là 2,5 tỷ USD.
Theo ước tính được công bố trên Website công ty, lợi nhuận của ngành bất động sản từ năm 2010 đến năm 2016 sẽ ổn định trong khoảng 1.500 đến 1.700 tỷ đồng/năm vì mỗi năm Hoàng Anh Gia Lai sẽ đưa ra thị trường khoảng 2.000 căn hộ.
Ngoài dự án trên, Hoàng Anh Gia Lai đã và đang triển khai nhiều dự án trung tâm thương mại, căn hộ, văn phòng cho thuê ở thủ đô Viêng Chăn (Lào). Trong ảnh toàn cảnh khách sạn 4 sao Hoàng Anh Attapeu tại Lào.
Sáng ngày 11-2-2012, tại bản Hạt Xan, huyện Xay Xệt Thả, tỉnh Attapeu nước Cộng Hòa Dân Chủ Nhân dân Lào, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã tổ chức lễ động thổ xây dựng sân bay quốc tế Attapeu với tổng mức đầu tư của dự án khoảng 40 triệu USD...
Thủy điện
Nằm trong kế hoạch của phát triển năng lượng của HAGL, các dự án Bá Thước 2 (80MW) và Đắk Srông 3B (19,5MW) đi vào hoạt động trong quý 1/2012. Hai dự án khác là Bá Thước 1 (60MW) và Nậm Kông 2 (66MW) sẽ được xây dựng với tiến độ linh hoạt để phù hợp với diễn biến thị trường và điều kiện kinh tế vĩ mô.
Hai tổ máy còn lại tại Nhà máy điện Bá Thước đi vào hoạt động trong tháng 3 và 4 năm 2013, như vậy sẽ có 4 tổ máy hoạt động cùng lúc. Với thủy điện thì Hoàng Anh Gia Lai vẫn trong giai đoạn đầu tư tại Lào, Tây Nguyên, Thanh Hóa với 17 dự án.
Khi Hoàng Anh Gia Lai hoàn thành 17 dự án thuỷ điện nêu trên, tổng sản lượng điện sẽ đạt khoảng 1,92 tỷ Kwh và cho doanh thu 1.344 tỷ đồng/năm (Dựa trên mức giá điện hiện nay là 700đồng/Kwh). Trong tương lai nếu Nhà nước tăng giá điện mua lên 800-900đồng/Kwh thì doanh thu có thể đạt được cao hơn.
Bóng đá
Cùng với các lĩnh trên, bầu Đức cũng dành rất nhiều tiền để đầu tư vào bóng đá. bầu Đức đã bỏ nhiều tiền mua cầu thủ Kiatisuk (Thái Lan), quảng bá thương hiệu trên sân của Câu lạc bộ Bóng đá Arsenal (Anh)...
Nhờ đó đội bóng câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai từ chỗ hạng nhất trở thành đội bóng đá 2 lần vô địch V-League và là một trong những đội dẫn đầu bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Chỉ vài ba năm sau, thương hiệu Hoàng Anh Gia Lai trở nên nổi tiếng trong và ngoài nước.
Bóng đá được coi là một phần không thể thiếu của bầu Đức. ông đã cùng với các ông bầu Võ Quốc Thắng, Nguyễn Đức Kiên đã vạch ý tưởng và thành lập Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF).
Ngoài việc đầu tư cho đội bóng trong nước, bầu Đức còn không ngại ngần lấn sân sang thể thao tại Lào. Bước đi đầu tiên của ông là giúp đỡ nước này trong việc xây dựng Làng vận động viên chuẩn bị cho việc đăng cai SEA Games 2009 tại Vientiane với số tiền 19.000 USD. Sau đó, Bầu Đức tài trợ cho hai đội bóng đá nam, nữ của Lào tập huấn tại Gia Lai, trả lương cho huấn luyện viên Riedl dẫn dắt U23 Lào thi đấu tại SEA Game 25.
Mô hình Hoàng Anh Gia Lai thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn bởi bầu Đức luôn bày tỏ quan điểm kinh doanh dài hạn trong phần lớn các dự án của ông và chứng minh là người biết dự đoán đúng thời khắc đầu tư.