Khuẩn Ecoli tấn công thực phẩm
Theo báo cáo mới nhất của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2014 có đến 7/12 mẫu thịt gia súc, gia cầm (sản xuất tại Hà Nội) vượt mức giới hạn tối đa cho phép về vi sinh vật.
Trong số này có 2 mẫu thịt lợn nhiễm vi sinh và E.coli; 3 mẫu thịt lợn nhiễm vi sinh, 1 mẫu thịt lợn nhiễm Salmonella và 1 mẫu thịt gà nhiễm E.coli.
Ngoài ra, còn có 3/9 mẫu thịt gia súc, gia cầm (sản phẩm được chuyển từ các tỉnh được tiêu thụ tại Hà Nội) có kết quả vượt giới hạn tối đa cho phép về E.coli và 1/7 mẫu sản phẩm thủy sản (chuyển về tiêu thụ ở Hà Nội) có kết quả vượt giới hạn tối đa cho phép về E.coli.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội cho rằng, tỷ lệ cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn hiện vẫn cao với 345/2.940 cơ sở vi phạm, chiếm 11,73%. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng như các điểm giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư, chưa được kiểm soát hàng ngày.
Đoàn kiểm tra cũng đã tiến hành kiểm tra 123 tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp. 46 tổ chức, cá nhân bị xử phạt với số tiền gần 280 triệu đồng.
Các vi phạm về sản xuất kinh doanh thực phẩm không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, vi phạm nhãn hàng hàng hóa, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình sơ chế, kinh doanh, bảo quản...
Ngoài ra còn tiêu hủy hàng trăm kg thịt lợn, thịt gà, sản phẩm thủy sản, chả cá,… và hơn 200kg cà chua, bí ngô, khoai tây hết hạn sử dụng, không đảm bảo VSATTP, không rõ nguồn gốc xuất xứ; thu hồi và khắc phục về nhãn mác hàng trăm chai nước nắm các loại.
Người dân lo lắng cho bữa cơm gia đình
Khuẩn E.Coli, Salmonella thường sống nội sinh trong niêm bao ruột của người, động vật hoặc trong môi trường. Ngoài những chủng có lợi, thì đa phần là những chủng có hại.
"Theo kết quả kiểm tra này thì E.coli, Salmonella... đều là những chủng bất lợi. Ăn những loại thực phẩm nhiễm những khuẩn này sẽ bị đi ngoài, gây bệnh tả hay các bệnh đường ruột rất nặng”, TS Phạm Thị Khoa, trưởng khoa Hóa thực nghiệm, viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương nói.
Rất nhiều người tiêu dùng tỏ ra e ngại, lo lắng về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và tìm lời giải cho bài toán ăn gì tốt cho sức khỏe?
Chị Trần Cửu (Cầu Giấy) cho biết: "Thực tế, ngoài thịt gà, thịt lợn,... là những món chính cung cấp đạm trong bữa cơm hằng ngày của gia đình tôi, giờ có đến 60% số mẫu thịt bị nhiễm vi sinh độc hại. Chắc có lẽ, từ giờ chỉ dám ăn hải sản"
Đồng quan điểm trên, chị Hiền Anh (Từ Liêm, Hà Nội) bức xúc cho hay: "Giờ ăn gì cũng không tốt, thịt gà thịt lợn toàn nuôi bằng cám tăng trọng, giết mổ thì không đảm bảo vệ sinh. Có kiểm tra mới biết mất an toàn thực phẩm, không biết trước đó gia đình tôi đã ăn bao nhiêu vi sinh vật độc hại vào cơ thể rồi".
Theo quan sát của PV tại một số chợ cóc ở Hà Nội như Dịch Vọng, Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Ngã Tư Sở... hầu hết mặt hàng thịt gà, thịt lợn, ngan vịt được giết mổ, bày bán tràn lan. Có nơi được đóng dấu kiểm dịch, có nơi gà, vịt, thịt lợn được bày bán trên các mẹt, bàn ngay vỉa hè và không hề có dấu kiểm dịch. Thậm chí, những con gà, vịt, ngan được giết mổ ngay tại chợ, xung quanh là nước đọng bẩn thỉu, rác rưởi bốc mùi hôi thối và được bày bán ngoài đường để "hứng bụi".
Thông tin gà, thịt bị nhiễm khuẩn đã khiến cho nhiều người tiêu dùng dè dặt khi lựa chọn thực phẩm cho bữa cơm gia đình. Nhiều người đã lựa chọn biện pháp mua thực phẩm trong siêu thị, tuy nhiên số đông vẫn chọn chợ là nơi mua sắm đồ ăn.
“Biết là có nguy cơ nhưng thật khó để có lựa chọn khác khi không phải ai và lúc nào cũng vào được siêu thị. Lo thì lo nhưng chắc phải thận trọng hơn thôi…”, chị Hiền Anh cho biết.
Đề cập về nguyên nhân cơ bản dẫn tới thịt gia súc, gia cầm nhiễm khuẩn, theo các chuyên gia đó là do khâu giết mổ bẩn, không tập trung hiện nay. Người giết mổ dùng nước cống rãnh, nước có phân thải động vật, nước bị ô nhiễm ao hồ rửa thịt trước khi đem bán.
Trước tình trạng có đến 60% thịt gia súc, gia cầm nhiễm vi sinh, vấn đề đặt ra đối với ngành nông nghiệp là phải kiểm soát chặt chẽ hơn nữa các khu giết mổ tập trung bảo đảm thực phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh. Đồng thời, thịt gia súc, gia cầm trước khi đến tay người tiêu dùng phải được kiểm định chất lượng, không bệnh tật....