Sau nhiều ngày điều tra, nhóm PV đã thâm nhập vào các điểm giết mổ để tận mắt chứng kiến những sự thật kinh hoàng này.
Vào lò mổ lợn ốm chết lớn nhất Hà Nội
Ngay từ sáng sớm, con đường dẫn vào thôn Đan Nhiễm (xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, Hà Nội) đã nhộn nhịp tiếng ôtô, xe máy chở lợn ốm chết về làng. Những kênh nước, ao hồ trong làng, hai bên đường màu đen nhẻm bốc mùi hôi.
Sáng 10/5, qua giới thiệu của Toàn - một “cò” lợn chết có “số má” ở thị trấn Thường Tín, tôi đến thôn Đan Nhiễm tìm gặp Căn. Căn được người dân địa phương gọi là “trùm” Căn hay Căn “sề, ốm, chết”.
“Chú ấy mua lợn ốm, chết, lợn sề lớn nhất ở cái làng này, từ lợn con 10 cân cho đến lợn bột, lợn sề vài tạ chú ấy mua tất, trong nhà ngày nào chả có cả tạ lợn chết”, bà Hường (50 tuổi) - một người dân thôn Đan Nhiễm hồ hởi khi tôi hỏi đường vào nhà “trùm Căn”.
“Trùm” Căn khoảng ngoài 40 tuổi, đầu hói cua, da ngăm đen. Phía trước toà nhà ba tầng to vật vã là khu vực mổ lợn chết rộng khoảng hơn 100 m2, trên nền gạch phân heo, ruồi nhặng bu kín bốc mùi thối. Tại đây, hai nhân viên đang hối hả giết mổ từng con lợn ốm chết. “Hôi chịu không nổi, nhiều hôm giết mổ xong về nhà không dám ăn cơm, lợn chết cứ chở về liên tục mổ không kịp”, một người làm tại lò mổ của “trùm” Căn cho biết.
Ngay bên khu giết mổ, khoảng chục con lợn ốm nằm la liệt bên những con lợn chết đã căng bụng, phân, nội tạng nằm lẫn lộn lên nhau. Theo “trùm” Căn, ngoài hệ thống “chim lợn” dày đặc tại các trang trại, Căn còn có 3 nhân viên chuyên đi tìm, gom lợn ốm chết. “Làm nghề này phải cẩn thận, bị phát hiện lo mà tiêu huỷ không là đi tù như chơi”, Căn cho biết.
Theo điều tra, Căn làm nghề thu gom, giết mổ lợn chết từ hơn chục năm nay, Căn chuyên cung cấp thịt lợn chết cho các lái buôn, quán ăn ở khu vực trung tâm TP.Hà Nội và vận chuyển vào miền Nam tiêu thụ. Việc giết mổ lợn chết tại nhà Căn diễn ra liên tục, có thời điểm trùm Căn phải thuê cả chục nhân viên đến làm việc. “Tính ra mỗi con lợn chết loại trên 70 kg mổ ra cũng lãi được hơn củ (1 triệu đồng). Nguy hiểm tí nhưng cũng kiếm ra tiền”, Căn tiết lộ.
Sáng 11/5, chúng tôi tiếp cận thêm một điểm giết mổ khác do ông Trường làm chủ. Khu giết mổ rộng khoảng 80m2 la liệt lợn chết đã mổ. Phía sau góc nhà là một dãy thùng xốp chồng lên nhau được che đậy bằng tấm bạt màu xanh đã cũ, bốc mùi hôi. “Mổ luôn cho khách người ta lấy”, khi một xe ba gác tự chế chở lợn chết vừa đổ uỵch trước cửa nhà, ông chủ Trường vội vã hối người làm.
Những con lợn chết nhanh chóng được giết mổ, đóng thùng. “Chú cần lấy hàng bất cứ giờ nào, bao nhiêu cũng có, vận chuyển từ đây ra đến cầu Văn Điển anh lo hết”, Trường khẳng định. Tại lò mổ của Trường, mỗi kilogram lợn chết được Trường bán ra với giá siêu rẻ chỉ từ 10 - 30 ngàn đồng/kg, toàn bộ lợn chết loại từ 10 - 20 kg Trường gom rồi cung cấp cho các lò lợn quay tại Hà Nội.
Sau nhiều ngày mật phục, điều tra, nhóm phóng viên ghi nhận tại thôn Đan Nhiễm có khoảng chục lò mổ lợn ốm chết tồn tại từ nhiều năm nay, việc thu gom, giết mổ diễn ra rầm rộ cả ngày, tiểu thương các nơi cũng tấp nập về các lò mổ lợn chết của Căn, Chanh “sề, ốm chết”, Cường “lợn con ốm chết”, Côn “lợn chết”, Trúc “lợn sề”… ở thôn Đan Nhiễm để lấy thịt mang đi tiêu thụ.
Len lỏi vào bàn ăn
16h30 chiều 12/5, chúng tôi bám theo một thương lái tên H. (khoảng 28 tuổi) vừa lấy 4 bao thịt lợn chết ở nhà Căn, chiếc xe Dream dẫn về một ngôi nhà ba tầng ngay đầu thôn Đan Nhiễm. “Việc gì phải về tận đây, sáng sớm anh đánh xe ra chợ đầu mối Đền Lừ tôi giao hàng cho. Làm ăn phải có đường dây chứ đơn thương độc mã sao sống được”, H. khuyên lái buôn mới.
Thịt này sao vào được chợ?, tôi hỏi. H. cười giòn tan rồi giải thích: “Có gì đâu mà không vào được. Cả trăm hàng thịt lợn vào cùng lúc lại ban đêm ai mà kiểm soát cho nổi. Thời điểm nào dịch tai xanh bùng phát chỉ cần nguỵ trang phía trên túi hàng vài miếng thịt có đóng dấu là được. Khách lấy hàng toàn quen biết hết, thịt càng rẻ họ càng thích vì có lãi. Anh cứ đến đấy mà lấy, vào chợ có bọn tôi lo”.
2h30 rạng sáng 13/5, như thường lệ, H. và mẹ chồng bắt đầu xuất phát rời khỏi thôn Đan Nhiễm tiến về chợ đầu mối Đền Lừ (Hoàng Mai, Hà Nội). 3h20, vừa vận chuyển hết số thịt vào bàn, khách của H. đã đến nhận hàng. “Thịt hôm nay nhợt nhạt thế này à? 23.000 đồng/kg thôi”, một khách hàng tên Thương, là khách quen của H ra giá.
Tôi rồ ga bám theo người phụ nữ tên Thương này, chiếc xe Wave BKS 30F6 tiến về hướng đường Tam Trinh rẽ lên đường Lĩnh Nam, rồi dừng lại trước một quán cơm bình dân. Cùng lúc, hai nhân viên nữ khác ra xách hai túi đựng thức ăn mang vào nhà, người nhặt rau, người cắt thịt, người quấn thịt xay với lá lốt...
Quay lại chợ đầu mối phía Nam, tôi tiếp tục bám theo chiếc xe Dream 29E1… của một người phụ nữ tên L. vừa mua khoảng 40kg thịt lợn chết từ H.. Theo điều tra, L. là một lái buôn chuyên gom thịt lợn chết ở chợ đầu mối để cung cấp cho các quán ăn, các cửa hàng làm nem chua, giò, chả…
Ra khỏi chợ đầu mối phía Nam, L. chạy ra hướng đường Trương Định tiến thẳng đến phố Lê Đại Hành (Hai Bà Trưng) giao một túi thịt khoảng 10kg cho một cửa hàng có ghi biển “Nem: Chua, rán - Giò: Lụa, tai, bò”. Giao xong hàng, L. tiếp tục vòng xe về đường Giải Phóng rẽ vào đường Phương Mai rồi giao hàng cho các quán cơm bình dân xung quanh Bệnh viện Da liễu, BV Bạch Mai, BV Việt Pháp…
Đúng 6h30, kết thúc hành trình bám theo xe L., tôi quay về chợ đầu mối phía Nam, toàn bộ số thịt lợn gần 200 kg của H. đã được bán hết. H. ngồi vắt chân lên bàn trò chuyện rôm rả với các tiểu thương khác.
Lúc này, mẹ chồng H. mới xách một túi vải màu đen đựng khoảng 30kg thịt lợn chết đã được xay nhỏ đi giao hàng cho các quán cơm, bún ở phố Minh Khai, Nguyễn Khoái… Đến 8h30, bà quay về chợ đón H.. “Loại nào chết lâu quá rồi phải xay ra để bán cho các quán làm bún nem, bún chả. Loại này tôi bán mỗi kg có 30.000 đồng”, mẹ chồng H. cho hay.
Theo ghi nhận của chúng tôi, chỉ tính riêng tại chợ đầu mối Đền Lừ có khoảng hơn 60 bàn bán thịt lợn, hơn một nửa trong số đó là các hộ dân ở thôn Đan Nhiễm (xã Khánh Hà), nhiều hàng thịt lợn không hề có dấu kiểm dịch.
Giá thịt lợn dao động từ 20.000 - 120.000 đồng/kg, khách đến chợ lấy thịt lợn với khối lượng lớn, hầu hết là chủ các quán cơm, bún và các lái buôn nhỏ lẻ, sau đó mang đi bán khắp các phố phường tập trung đông sinh viên, người nghèo ở trung tâm TP.Hà Nội.
Ớn lạnh cơm, bún… giá rẻ
12h trưa 13/5, chúng tôi tìm đến những quán ăn đã mua thịt lợn chết của H.. Tại đây, khách ra vào nườm nượp. Những miếng thịt ba chỉ nhợt nhạt bốc mùi được kho với trứng vịt thơm lừng, chân giò lợn chết trở thành món giả cầy nhìn rất bắt mắt. Toàn bộ số thịt xay được làm thành món chả quấn lá lốt…
“Cơm và thức ăn có ngon không bác?, tôi hỏi. “Đói quá nên cũng ăn được, ngày nào tôi cũng ăn ở đây mà”, ông Dũng (54 tuổi) quê Thái Bình đang ở trọ gần Bệnh viện Bạch Mai chăm con bị ốm nói.
“Có bao giờ ăn mà thấy thịt lợn, hay chả lá lốt có mùi hôi?”, ông Dũng trả lời: “Cũng có đôi lúc. Cháu xem, họ cho bao nhiêu là dầu mỡ, gia vị, hành tỏi thế này thì thịt thối cũng khó mà nhận ra được”.
Qua nhiều ngày theo dõi, chúng tôi ghi nhận nhiều cửa hàng bún, quán cơm bình dân tại các khu vực tập trung đông sinh viên, người lao động nghèo như khu chợ Long Biên, khu vực gần cầu Vĩnh Tuy, Lĩnh Nam… đều lấy thịt lợn ốm chết được bày bán tại chợ đầu mối Đền Lừ.
Khi về các quán cơm, quán bún, hầu hết thịt lợn ốm chết đều được tẩy rửa qua bằng hoá chất, chủ yếu là hàn the, nhiều phần thịt lợn, nội tạng như lòng bị nhợt nhạt, bốc mùi hôi còn được nhiều chủ quán cơm tẩy rửa bằng thuốc tẩy. “Làm cơm, bún bình dân ở Hà Nội mỗi suất có 15.000 - 20.000 đồng, không lấy loại thịt này về chế biến để bán thì lấy đâu mà trả tiền thuê mặt bằng”, một chủ quán cơm trên đường Lĩnh Nam (Hoàng Mai) nói.