Chợ cóc ở gần cổng chợ Tân Xuân, gầm cầu đường sắt Thăng Long thường hoạt động từ 11h30 đến 2h chiều. Đây là bãi đất cát nguyên vật liệu, rộng khoảng 30m2 nhưng có đầy đủ các mặt hàng, từ các loại thịt, cá đến rau, củ, quả. Tất cả hàng hóa đều ngả màu và có mùi lạ, được bày bán trên bao tải dứa hoặc vải nhựa.
Giá thực phẩm tại đây có giá “siêu rẻ”. Thịt lợn, sườn giá 50.000 - 70.000 đồng/kg, thịt bò giá 75.000 đồng/kg, trong khi các chợ buổi sáng bán với giá từ 120.000 đồng đến 200.000 đồng mỗi kg. Rẻ nhất tại chợ là thịt chó với giá 45.000 – 60.000 đồng/kg, rẻ chỉ bằng một nửa so với những nơi khác. Các loại cá, tôm, trứng và hoa quả cũng có giá khá thấp. Cá trê giá 30.000 – 40.000 đồng/kg, cá chép to 45.000 đồng/kg, rẻ hơn mức bình thường khoảng 30.000 đồng. Hoa quả như táo giá 10.000 đồng/kg, cam giá 5.000 đồng/kg, chỉ bằng 1/3 so với giá bán tại các chợ đầu mối vào buổi sáng.
Theo các chủ kinh doanh tại chợ, hàng bán tại đây là hàng buổi sáng còn thừa. “Nhà chưa có tủ lạnh, không bảo quản thì hỏng nên về đây bán nốt với giá rẻ, thậm chí còn phải chịu lỗ”, một người bán thịt bò tại đây nói.
Không riêng gầm cầu Long Biên, thịt chuyển màu, có mùi lạ, giá bèo còn được bày bán tràn lan tại nhiều khu chợ khác. Khảo sát ở chợ Vồ, Quang Trung, một bộ nội tạng lợn có giá chỉ ngang với mớ rau, 15.000 đồng/kg lòng lợn, 4.000 đồng/bộ lòng gà, 45.000 đồng/kg thịt lợn.
Một chủ hàng cho biết: “Với những người mua số lượng lớn, giá sẽ còn rẻ hơn”. Ngoài thịt lợn, mặt hàng tại đây còn có những bộ lòng được gói sẵn trong những túi ni lon sũng nước và ruồi nhặng bâu quanh. Thịt cũng như nội tạng lợn tại chợ Vồ được sơ chế ngay dưới mặt đất ẩm thấp và rất nhiều côn trùng bâu quanh. Không chỉ lợn mà những bộ nội tạng gà cũng được rải tràn lan khắp các nền xi măng.
Cùng nằm trong quận Hà Đông còn có chợ Ba La nổi tiếng về thịt lợn giá rẻ. Đây là đầu mối kinh doanh thịt có mùi lạ và chỉ hoạt động trong khoảng thời gian từ 12h trưa đến 3h chiều hằng ngày. Cũng như chợ Vồ, nhiều quầy thịt ở chợ Ba La nhìn bằng mắt thường cũng biết là không đảm bảo chất lượng với những thớ thịt trắng phớ, ruồi, nhặng bâu khắp nơi. Giá thịt ở đây cũng rẻ chỉ bằng một nửa so với thịt tươi, thậm chí vào lúc ế hàng còn có thể rẻ hơn.
Theo người kinh doanh, khách mua hàng chủ yếu với số lượng lớn để đem đi nơi khác tiêu thụ. Anh Vương, người bán thịt gà ở chợ gầm cầu Long Biên chia sẻ: “Ngay đầu giờ đã có khách đến mua liền một lúc 5kg gà, 10kg thịt lợn với 2 túi đủ các loại cá”.
Chợ họp lúc giữa trưa nhưng có khá đông người đến mua, từ sinh viên, người đi đường đến cả người dân sống quanh đó đi xe máy đắt tiền vào mua. Anh Phạm Văn Hiếu, chủ một quán Internet gần chợ Vổ phải trông coi quán nên thường đi chợ muộn, thịt ở đây lại rẻ nên anh hay qua mua.
Còn với chị Hương ở Quang Trung, Hà Đông, “vì thịt có chút mùi ôi nên mới có giá rẻ, người công nhân như tôi với tháng lương bọt bèo, hằng tháng phải chi ra bao nhiêu thứ tiền, vì vậy tiết kiệm được đồng nào thì hay đồng ấy”, chị nói. Tuy nhiên, theo một số người kinh doanh, muốn chen chân vào chợ cóc bán hàng giá siêu rẻ cũng phải bỏ ra một khoản tiền “làm luật” là 5.000 đồng mỗi ngày. Quan sát tại gầm cầu Long Biên, vào đầu giờ trưa có 2 người trung tuổi đến thu lệ phí “chỗ ngồi”. Mỗi chỗ là 5.000 – 10.000 đồng.
Anh H, sống gần khu vực gầm cẩu Long Biên cho biết, ban đầu có một vài hàng thịt ế ngồi bán ở ven đường Tân Xuân, nhưng sau bị công an đuổi nhiều lần nên họ dạt vào gầm cầu đường sắt dưới sự quản lý và bao quát của một số người tự nhận là bảo vệ.