Gần đây tại các huyện Ngọc Hồi, Đắk Glei (Kon Tum, người dân vượt hàng trăm cây số sang Lào để mua loại đá màu đỏ, mềm, khi viết ra như phấn, soi đèn vào trong ánh sáng có thể xuyên qua được để bán cho thương lái Trung Quốc. Rầm rộ nhất là tại huyện Ngọc Hồi, vì có cửa khẩu Bờ Y giáp với Lào, Campuchia.
Theo một thương lái tại thị trấn Pleikần, huyện Ngọc Hồi cho biết: Cách đây khoảng hơn 3 tháng, một thương lái Trung Quốc nhờ mua loại đá màu đỏ, mềm, khi viết ra như phấn, soi đèn vào trong ánh sáng có thể xuyên qua. Vì trong nước không có loại đá này, các thương lái người Việt qua Lào đặt mua, sau đó vận chuyển về bán lại cho người Trung Quốc.
Thương lái này còn cho biết: Giá thu mua tại Lào từ vài trăm ngàn đến vài triệu/kg, tùy thuộc vào màu sắc, độ trong. Những cục đá càng trong càng có giá trị. Nếu nứt nẻ thì giá cũng giảm. “Sau khi mua được đá, chúng tôi thuê xe chở qua cửa khẩu Bờ Y về Việt Nam rồi bán cho người Trung Quốc. Giá vận chuyển chung cho các loại đá là 150 ngàn/kg”.
Thương lái V (Ngọc Hồi, Kon Tum) cho biết, khoảng một tuần trở lại đây việc thu mua đá mềm của người Trung Quốc chững lại. Các loại đá mềm lớn người Trung Quốc ngừng hẳn, chỉ mua loại đá dạng sỏi. Giá bán loại đá dạng sỏi này cao hơn gấp nhiều lần. Có một số viên “chất lượng” giá có thể lên tới hàng chục triệu đồng. “Những viên sỏi phải là đá sống, tức là phải trong, khi soi pin vào ánh sáng xuyên qua rõ ràng, bên trong không có vết nứt, vẩn đục”, thương lái này cho biết.
“Trước đây chỉ cần mua xong thuê người Lào vận chuyển là không bị bắt. Bây giờ thuê người Lào vận chuyển cũng bị bắt, tịch thu đá. Riêng người Việt Nam vận chuyển mà bị phát hiện không những bị tịch thu mà còn bị tạm giữ người”, một thương lái cho biết.
Không những tại huyện biên giới Ngọc Hồi, tại xã biên giới Đắk Blô, huyện Đắk Glei thương lái Trung Quốc tìm đến tận nơi đặt hàng người Việt thu mua đá theo mẫu.
Chuốc nợ vào thân
Từ khi người Trung Quốc ngừng thu mua đá, nhiều thương lái người Việt như ngồi trên đống lửa vì đang tích trữ lượng lớn đá. Thương lái tên V. dẫn chúng tôi xem lô hàng đủ các kích cỡ đang được giấu kín trong góc nhà: “Các em xem ưng thì mua giúp cho anh với, rẻ chút cũng được để anh thu hồi vốn chuyển qua buôn mặt hàng khác”. Theo thương lái này, đã có người Trung Quốc đến hỏi mua với giá 700 ngàn đồng/kg nhưng anh chưa đồng ý, đến giờ thì chưa có thêm người nào hỏi mua. Bây giờ cả tạ đá này bỏ góc nhà không biết phải làm sao. “Tôi vay mượn cả mấy chục triệu đồng để mua đá, bây giờ không biết làm sao để bán đá trả nợ”.
Chúng tôi tìm đến nhà chị N.T.T (thị trấn Pkei Kần, Ngọc Hồi) thì người nhà tưởng đến để đòi nợ. Theo người nhà thì chị T. đã trốn vẫn đang phải đi trốn nợ vì không thể thanh toán số tiền vay mượn của nhiều người để sang Lào mua đá. “Chị T. sang Lào thu mua hơn 1 tỷ đồng tiền đá, khi đang trên đường vận chuyển về Việt Nam thì bị lực lượng chức năng Lào bắt giữ nên không thể thu hồi vốn trả nợ, quá lo sợ nên đã trốn mất tích rồi”.
Các lái buôn đều khẳng định họ không biết người Trung Quốc thu mua loại đá này để làm gì. “Có thể loại đá này được dùng làm đồ trang trí, phong thủy”, một thương lái phỏng đoán.
Ông Nguyễn Tài Thu, Phó chánh văn phòng UBND huyện Ngọc Hồi khẳng định chính quyền địa phương đã biết việc có chuyện người Trung Quốc thu mua đá trên địa bàn huyện. UBND huyện đã cho kiểm tra, đem mẫu đá đi xét nghiệm.
Ông Nguyễn Trọng Hảo, Trưởng Ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y cũng xác nhận có tình trạng thương lái người Việt vận chuyển đá qua khu địa bàn và cho biết đơn vị này là đầu mối phối hợp với cách ngành chức năng như Hải Quan, Biên Phòng…cùng kiểm tra những lô hàng có dấu hiệu bất thường. Lực lượng chính kiểm soát là lực lượng Hải Quan.
Một lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu Bờ Y xác nhận có tình trạng thương lái người Việt vận chuyển đá qua cửa khẩu Bờ Y về bán cho thương lái Trung Quốc là có. Tuy nhiên khoảng 20 ngày trở lại đây, chính quyền Lào quy bắt gắt gao nên việc thu mua đá tạm thời lắng xuống.