Tại buổi tọa đàm trực tuyến, bên cạnh việc điểm lại một số các "nút thắt" của nền kinh tế năm 2013 thì những yếu tố mang tính dự báo cho năm 2014 rất được quan tâm.
Chuyên gia nhận định tín dụng 2014 tăng khoảng 12-15% 2014: Có tiền nên “đổ” vào đâu? BizTALK: “Làm ăn gì năm 2014?” 8 dự báo kinh tế Việt Nam 2014 Trong buổi tọa đàm trực tuyến do BizLIVE tổ chức, rất nhiều các vấn đề "nóng" năm 2013 và băn khoăn dự báo kinh tế 2014 được các độc giả quan tâm gửi đến và được giải đáp dưới góc nhìn đa chiều của các chuyên gia. Năm 2013, khu vực FDI "lấn át" doanh nghiệp nội Trong buổi giao lưu trực tuyến, rất nhiều độc giả gửi các câu hỏi xung quanh sự tăng trưởng của khu vực FDI. Một độc giả gửi ý kiến: "Các chuyên gia đánh giá như thế nào về thực trạng Doanh nghiệp FDI đang là "trụ cột" của nền kinh tế Việt Nam hiện nay?". Một độc giả khác cũng lo ngại trong khi khu vực doanh nghiệp FDI xuất siêu 12,1 tỷ USD, thì doanh nghiệp nội địa nhập siêu khoảng 12,2 tỷ USD. Đa số các chuyên gia khi bày tỏ về vấn đề này, đều chỉ ra rất nhiều băn khoăn trước con số tăng trưởng của khu vực FDI và đóng góp thực sự của khu vực này cho nền kinh tế nước ta. TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nhìn nhận khối doanh nghiệp FDI đã đạt được nhiều thành quả. Song ông Thành cũng tỏ ra lo ngại trước rất nhiều tiềm ẩn xung quanh như sức lan tỏa về công nghệ; sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam rất yếu ớt đã tạo giá trị gia tăng thấp. Hơn nữa, ông cho rằng việc phân phối giá trị gia tăng tạo ra giữa nhà đầu tư nước ngoài và trong nước ở một số lĩnh vực cũng làm cho lợi ích của Việt Nam thu được có thể chưa thỏa đáng. Còn ThS. Đậu Anh Tuấn, quyền Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), lại tỏ ra lo ngại cho "sức khỏe" của các doanh nghiệp nhà nước. Ông nói, trong khi hàng loạt doanh nghiệp nhà nước điêu đứng thì đó hầu hết doanh nghiệp FDI vẫn trụ vững những năm vừa qua. “Liệu có phải nhiều doanh nghiệp trong nước mải đuổi theo các lĩnh vực như bất động sản, tài chính? Nhiều doanh nghiệp tư nhân đang mải đầu tư vào "quan hệ" mà không đầu tư vào ngành nghề cốt lõi, ngành nghề có sức nặng cạnh tranh của Việt Nam? Hay là thể chế của Việt Nam chưa thực sự hỗ trợ khu vực này phát triển? Mọi nỗ lực của Nhà nước đang tập trung vào thu hút FDI chứ không phải là thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân trong nước?...”, ông Tuấn nói. Ông Tuấn nhận xét, hiện nay các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang chọn Việt Nam vì chi phí lao động rẻ, các ưu đãi về thuế và đất đai và vấn đề môi trường chưa nghiêm khắc... 2014: Vướng mắc của nền kinh tế nằm ở đâu? Tại buổi tọa đàm này, bên cạnh việc điểm lại một số các "nút thắt" của nền kinh tế năm 2013 thì những yếu tố mang tính dự báo cho năm 2014 rất được quan tâm. Một số độc giả có gửi câu hỏi xung quanh những vướng mắc lớn nhất của kinh tế Việt Nam trong năm 2014. Trả lời về vấn đề này, TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), thuộc Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, thâm hụt ngân sách, tỷ giá, nợ xấu và lãi suất là 3 vướng mắc lớn của nền kinh tế cần được quan tâm khi Việt Nam bước sang năm 2014. Còn lại các vấn đề lớn như tăng trưởng kinh tế, lạm phát và cán cân thanh toán, ông khẳng định sẽ không quá đáng lo ngại trong năm tới vì sẽ chúng sẽ không khác nhiều so với năm 2013. Cùng quan điểm với TS. Thành, GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng nợ xấu chính là "nút thắt" của nền kinh tế khi bước sang năm 2014. Thêm vào đó, ông cũng băn khoăn trước vấn đề tái cấu trúc toàn bộ nền kinh tế. Trong đó có giải quyết nợ xấu của các ngân hàng thương mại, giải quyết nợ lên đến mức hơn 1 triệu tỷ đồng của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước... chỉ là một trong những yếu tố. Ông Võ cho rằng, việc phục hồi nền kinh tế trong năm 2014 phụ thuộc rất nhiều vào tái cấu trúc nền kinh tế. Kinh tế Việt Nam 2014 liệu sẽ thoát đáy? Đây có lẽ là quan tâm của rất nhiều người trong bối cảnh kinh tế nước ta hiện nay. Việc cải thiện nền kinh tế có tác động rất lớn đến đời sống của mỗi người dân. Trà lời câu hỏi này, TS. Lê Xuân Nghĩa khẳng định, kinh tế Việt Nam đã thoát đáy từ cuối quý 3/2013. Ông dự báo khả năng phục hồi sẽ rõ ràng hơn trong 2014. TS. Nghĩa đưa ra dẫn chứng, chỉ số phát triển công nghiệp, xuất khẩu của doanh nghiệp nội địa, chỉ số quản lý mua hàng PMI và đầu tư trực tiếp nước ngoài bắt đầu tăng mạnh từ đó cho đến nay. Không cùng quan điểm với TS. Lê Xuân Nghĩa, TS. Võ Trí Thành cho rằng, nếu nhìn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện nay so với giai đoạn khi vừa gia nhập WTO hoặc trước khủng hoảng, thì vẫn còn thấp hơn khá nhiều. Theo nghĩa đó, kinh tế Việt Nam có thể quay trở lại mức tăng trưởng tiềm năng, đòi hỏi phải vài năm nữa, khoảng 3-4 năm. Ông Thành nhận xét, nếu nhìn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2013 (5,3-5,4%) và dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2 năm tới (khoảng 5,5% năm 2013 và 5,7-5,8% năm 2014, thấp hơn đôi chút mức tăng trưởng mục tiêu Quốc hội đề ra), thì thời điểm năm nay có thể coi là "đáy", tuy nhiên, ngay trong trường hợp này, sự phục hồi ở các lĩnh vực khác nhau cũng khác nhau. Cùng ý kiến trên, TS. Quách Mạnh Hào, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội; Thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS) nói: "Trong điều kiện hiện nay, tôi cho rằng chúng ta đang trải qua giai đoạn tạm gọi là "vùng đáy" sau khi đã "đổ đèo" trong 3 năm qua. Để "leo dốc" trở lại tức là tăng trưởng tôi nghĩ giai đoạn vùng đáy này kéo dài 2 đến 3 năm." Ông Hào tin rằng nền kinh tế chỉ có thể tốt lên thực sự vào năm 2015- 2016. Và để đạt được như vậy, điều kiện tiên quyết là cần giải quyết được các vấn đề liên quan đến nợ xấu và hệ thống ngân hàng.