Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, ước tính nhu cầu sử dụng thịt gia súc, gia cầm của Hà Nội năm 2013 là 272.000 tấn (745,2 tấn/ngày), trong đó, thịt trâu bò là 30.783 tấn (4,3 tấn/ngày), thịt lợn là 179.652 tấn (492,2 tấn/ngày), thịt gia cầm là 61.565 tấn (168,7 tấn/ngày). Nhìn từ thực tế này, có thể thấy sản phẩm chăn nuôi sản xuất đáp ứng phần lớn cho tiêu dùng của Hà Nội, trong khi việc xây dựng cơ sở giết mổ đảm bảo yêu cầu về vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường còn nhiều hạn chế. Và có đến 70% trong số thực phẩm trên được giết mổ tại các hộ gia đình, điểm giết mổ thủ công không đảm bảo vệ sinh ATTP, không được kiểm soát về thú y, dịch bệnh.
Những năm qua, Hà Nội đã xây dựng được 17 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp và bán công nghiệp, giết mổ thủ công tập trung. Theo tính toán của các ngành chức năng, số cơ sở này có thể giết mổ, cung ứng khoảng 290 tấn thịt lợn và 180 tấn thịt gia cầm/ngày cho thị trường thành phố. Song, đến nay, 17 cơ sở này thực chất mới chỉ cung ứng được 140 tấn thịt lợn và 57 tấn thịt gia cầm mỗi ngày (chiếm khoảng 30%).
Hà Nội từ lâu đã quan tâm tới việc xây dựng những cơ sở giết mổ công nghiệp, đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), đã phê duyệt quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm. Đặc biệt, trải qua các giai đoạn, Hà Nội có nhiều cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực. Nhưng, đến nay, bức tranh giết mổ lợn, gà trên địa bàn thành phố chỉ có sự thay đổi gần như không đáng kể.
Dây chuyền giết mổ công nghệ cao “đắp chiếu”
Số liệu từ Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, đến thời điểm hiện tại, Hà Nội vẫn còn khoảng 2.500 điểm, hộ giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ. Dù đã nỗ lực đầu tư cho những dây chuyền giết mổ hiện đại, Hà Nội cũng mới chỉ có 17 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp, bán công nghiệp, giết mổ thủ công tập trung, cung ứng được 140 tấn thịt lợn và 57 tấn thịt gia cầm mỗi ngày (chiếm khoảng 30%).
Hà Nội từ lâu đã quan tâm tới việc xây dựng những cơ sở giết mổ công nghiệp, đảm bảo ATTP, đã phê duyệt quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm. Đặc biệt, trải qua các giai đoạn, Hà Nội có nhiều cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực.
Nhưng, đến nay, bức tranh giết mổ lợn, gà trên địa bàn TP chỉ có sự thay đổi gần như không đáng kể. Và một thực tế đáng buồn là nhiều dây chuyền giết mổ hiện đại công nghệ cao chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí “đắp chiếu”, trong khi nhu cầu của người dân về thịt sạch vẫn thiếu.
Các doanh nghiệp khi được mở “cơ chế” ưu đãi cũng không thực sự mặn mà với việc đầu tư xây dựng dây chuyền giết mổ công nghiệp vì lo ngại giết mổ công nghiệp sẽ bị giết mổ nhỏ lẻ, thủ công đánh bại.
Một dẫn chứng điển hình là theo đại diện của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), khu giết mổ công nghiệp của đơn vị này ở Gia Lâm đã hoàn thiện với công suất giết mổ 2.200 con lợn/ ngày nhưng vẫn chưa hoạt động chính thức.
TP đang có 5 cơ sở giết mổ công nghiệp thì có đến 3 cơ sở tạm ngừng hoạt động, 1 cơ sở hoạt động cầm chừng và 1 cơ sở hoạt động được 23% công suất. Tại cuộc họp về quy hoạch giết mổ trên địa bàn TP Hà Nội vừa qua, bà Nguyễn Minh Hiền, Phó Giám đốc Công ty TNHH Minh Hiền (Thanh Oai) cho biết, cách đây 4 năm, doanh nghiệp đã bỏ ra 10 tỷ đồng để đầu tư khu giết mổ tập trung, đón 27 hộ giết mổ sau khi đóng cửa lò mổ Thịnh Liệt. Song, sau 4 năm hoạt động, cơ sở này vẫn còn trống đến 20 ô chưa có người vào.
Ngay tại quận Hà Đông, mặc dù bị cấm nhưng quanh khu vực cầu Mai Lĩnh vẫn đang tồn tại 6 hộ giết mổ thủ công gây ô nhiễm môi trường, bức xúc cho người dân đang sống xung quanh. Ngay cạnh khu đô thị Văn Quán, sát hồ Văn Quán cũng đang tồn tại một hộ giết mổ nhỏ lẻ, công suất khoảng 100 con/ngày, rất mất vệ sinh…
Theo ông Nguyễn Hữu Tùy (Ứng Hòa), Giám đốc doanh nghiệp CKNN cho biết, năm 2012 đơn vị đã được phê duyệt dự án giết mổ vịt với công suất 2.000 con/ngày, kinh phí 2 tỷ đồng. Nhưng đến nay vẫn còn vướng mắc về hồ sơ, thủ tục. Dự kiến, kinh phí đầu tư vào thời điểm này đã lên tới khoảng 4 tỷ đồng nhưng cũng chưa thể xuôi vì còn vướng ở Sở TN-MT, Sở KH-ĐT. “Trong khi thị trường Thủ đô đang bức thiết nhu cầu sản phẩm gia cầm sạch, TP đã có chủ trương, chúng tôi xây dựng kế hoạch đầu tư mà thủ tục quá rườm rà”. Ngoài ra, các cơ sở giết mổ tập trung đã được phê duyệt còn thiếu kinh phí cho GPMB, doanh nghiệp thực hiện nguồn vốn còn hạn chế cũng dẫn đến việc các cơ sở giết mổ công nghiệp bị giết mổ thủ công “đẩy lùi”.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Xuân Việt cũng thừa nhận, công tác giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển chăn nuôi cũng như nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Nguyên nhân chính là do quản lý lỏng lẻo. Nếu không tăng cường quản lý, người dân Thủ đô sẽ còn tiếp tục chịu cảnh ăn thịt không an toàn