Tuy nhiên, điều đặc biệt, tất cả những người đi lấy trái mây và thương lái đều không rõ tác dụng của trái mây rừng này dùng để làm gì? PV đã có cuộc thâm nhập thực tế để tìm hiểu thực hư thông tin dư luận đồn thổi về loại quả này.
Bỏ việc nhà để tìm mây rừng
Những ngày qua, người dân trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đổ xô nhau vào rừng tìm kiếm trái mây về bán cho cái lái buôn, xuất sang Trung Quốcvới giá cao ngất ngưởng (100 - 170 ngàn đồng/kg). Điều đáng nói, tất cả mọi người, từ dân đi săn mây cho đến những thương lái buôn, đều “mù mờ” trước những thông tin về tác dụng và chức năng của loại trái này.
Theo thông tin từ người dân và một số thương lái buôn, trái mây được xuất khẩu sang Trung Quốc để làm dược liệu, chữa bệnh và làm đồ trang sức, đồ mỹ nghệ, để trừ tà ma trong gia đình. Người đeo những trang sức có đính kèm những hạt mây sẽ đem lại may mắn và có sức khỏe tốt. Một số thông tin khác lại cho rằng, trái mây được các thương lái Trung Quốc mua về để điều chế dược liệu chữa bệnh, vì thế nên nó có giá cao ngất ngưởng. Được biết, mây là một loại thân dây, thường mọc ở những khu rừng nhiệt đới, những đồi núi đá hay dọc hai bên bờ suối. Thân mây dẻo, đặc ruột, rất thích hợp để làm đồ mỹ nghệ, bàn, ghế...
Qua ghi nhận, ở huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng), người dân ồ ạt vào rừng tìm kiếm mây. Dọc theo quốc lộ 20 ở các đoạn giao nhau với bìa rừng có thể thấy nhiều thương lái luôn chầu chực để đón lõng người dân đi săn mây rừng về bán.
Ở tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông đã xuất hiện nhiều thương lái tại địa phương bắt đầu thu mua nông sản thành thu mua các loại mây rừng, người dân cũng xì xào thông tin về loại trái này. Ngày 21/3, PV đã tiếp cận một số địa bàn các tỉnh Tây Nguyên để ghi nhận thông tin. Mặc dù, cơn sốt trái mây rừng mới rộ lên trong thời gian chưa đầy nửa tháng, thế nhưng khi đến địa bàn huyện Đắk Song, Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) hỏi về loại trái này, người dân ai cũng biết.
Tuy nhiên, thông tin về công dụng, xuất khẩu trái mây rừng đi đâu và để làm gì thì hầu hết mọi người đều mù tịt. “Thương lái tới đặt mua mây rừng, thấy có thu nhập cao hơn ngày công bình thường nên chúng tôi rủ nhau vào rừng săn mây. Còn những lái buôn mua trái mây về xuất khẩu đi đâu hay làm gì chúng tôi cũng không biết”, một người dân tham gia đi hái trái mây rừng cho biết. Qua thông tin từ một số người dân, được biết hiện nay tại xã Quảng Trực (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) do địa bàn này giáp với rừng nguyên sinh nên người dân tập trung đổ xô về đây săn mây rừng và thu mua rất lớn.
Theo quan sát của PV, dọc theo quốc lộ 14C từ huyện Đắk Song vào huyện Tuy Đức, có khá nhiều các thương lái vẫn tụ tập ở các ngã ba, ngã tư, chốt đón người dân đi săn mây rừng để thu mua.
Mây rừng xuất khẩu sang Trung Quốc làm đồ trang sức, trừ tà ma?
Sau một hồi lân la trò chuyện, PV cũng tiếp xúc được với một số thương lái. Trao đổi với PV, một thương lái tên Hạnh (34 tuổi, ngụ huyện Đắk Song) cho biết: “Cách đây hơn một tuần, người dân các huyện khác đổ xô về rừng ở đây để săn tìm mây rừng, vì giá trị lợi nhuận của nó khá cao. Có cầu ắt phải có cung, vì thế chúng tôi cũng chỉ thu mua lại, rồi cung cấp cho các thương lái lớn để kiếm thêm đồng lời thôi. Riêng về việc xuất khẩu đi đâu hay làm gì thì chúng tôi chỉ nghe thông tin là xuất qua Trung Quốc để làm đồ mỹ nghệ trừ tà ma, chứ không biết thực hư thế nào”.
Tại xã Quảng Trực, PV tìm đến đại lý thu mua mây rừng trên địa bàn Bon Bu Dăr để ghi nhận thông tin. Tại đại lý thu mua nông sản V.H, một trong những điểm tập kết khá lớn trái mây rừng, trao đổi với PV, anh H., chủ đại lý cho biết, trong thời gian 10 ngày trở lại đây, một số thương lái lạ từ tỉnh khác đến địa bàn xã để thu mua mây rừng. Những người này đi ô tô và thu mua với giá cao, cứ hai đến ba ngày họ quay lại thu mua hàng một lần. Vì thuận lợi là điểm thu mua nông sản, nên tôi cũng nhập mây của người dân địa phương đi rừng về, sau đó cung cấp lại cho họ để kiếm lời”.
Trong khi đang trò chuyện, một người đàn ông cũng mang bao tải mây rừng đến đại lý của anh H. bán. Tiếp xúc với PV, anh giới thiệu tên Nguyễn Hữu Thao (31 tuổi, trú Bon Bu Dăr, xã Quảng Trực). Anh cho biết: “Cách đây vài tháng có một số thương lái đã vào đây hỏi thu mua trái mây rừng. Thời điểm đó, họ chỉ mua mây với giá 30 ngàn đồng/kg. Một số hộ dân làm nghề rừng trên đường đi bắt gặp những bãi mây. Tiện đường, họ hái mang về bán chứ chưa ai bỏ công việc đi làm cái nghề này. Thế nhưng, vào thời điểm này, nhóm thương lái vào lại hét lên cái giá cao từ 100 ngàn cho đến 200 ngàn đồng/kg. Người dân mới bắt đầu đổ xô nhau đi tìm loại trái này. Những ngày trúng mánh, mỗi người đi săn mây bán được vài triệu đồng.
Cũng theo anh Thao, bên cạnh sự cạnh tranh về những món hời từ rừng xanh, thì cũng có một số người cũng tỏ ra nghi vấn về hình thức thu mua này. Anh Minh (37 tuổi, một người dân xã Quảng Trực) tỏ ra e ngại: “Tôi có một người bạn làm ở Trung Quốc. Sau những thông tin cho rằng trái mây rừng xuất sang Trung Quốc để làm đồ mỹ nghệ, trừ tà ma, tôi có điện sang hỏi. Tuy nhiên, anh này cũng không biết gì về việc dùng trái mây rừng để làm đồ mỹ nghệ hay trừ tà ma gì. Tôi vẫn nghi ngờ đây có phải là những chiêu trò của các thương lái Trung Quốc, giống như những vụ thu mua lá điều khô, rễ tiêu... như trước đây không”.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hồng Quân, Chủ tịch xã Quảng Trực cũng xác nhận: “Hiện trên địa bàn xã có nhiều hộ dân đã bỏ việc nhà đổ xô đi tìm trái mây rừng, đa số là đồng bào dân tộc. Bên cạnh đó, cũng có khá nhiều hộ dân chuyển sang nghề mối lái cho các thương lái lạ ở địa phương khác đến thu mua trái mây. Hiện, chúng tôi đã cử một số cán bộ xuống địa bàn để xác minh và điều tra nguồn tin, nhưng vẫn chưa có kết quả”.
Đang tìm hiểu mục đích của thương lái Thông tin với PV về việc này, ông Nguyễn Ngọc Tài, Chi cục trưởng chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông cho biết: “Cơ quan sẽ phối hợp với một số ban liên ngành, tìm hiểu và điều tra về việc thu mua loại trái này của các thương lái với mục đích để làm gì, xuất đi đâu và thị trường tiêu thụ các loại trái này, tại sao lại biến động đến như vậy. Nếu phát hiện có sai phạm, cơ quan sẽ xử lý và thông tin đến người dân để đề phòng”. |