Hàng nghìn sàn giao dịch bất động sản trên cả nước có nguy cơ phải đóng cửa nếu đề xuất của Bộ Xây dựng trong Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi được thông qua. Điểm mới của đề xuất này là các chủ đầu tư không bị bắt buộc giới thiệu và bán sản phẩm qua các sàn giao dịch bất động sản như hiện hành, mà bán hàng trực tiếp cho khách hàng.
Sàn giao dịch bất động sản: Nguy cơ xoá sổ Sàn lo lắng… Theo thống kê của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), tính đến tháng 3/2013, cả nước có 1.012 sàn giao dịch bất động sản được thành lập, trong đó Hà Nội có 469 sàn, TP. Hồ Chí Minh có 397 sàn với tổng số người được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới, định giá bất động sản lên tới hơn 35.000.
Luật Kinh doanh bất động sản năm 2006 quy định, tất cả các giao dịch bất động sản tại Việt Nam đều phải thực hiện qua sàn giao dịch bất động sản để đảm bảo tính công khai, minh bạch và quyền lợi giữa các bên. Tuy nhiên, sau 7 năm thi hành, quy định này vẫn chưa mang lại hiệu quả tốt nhất. Nhằm khắc phục những hạn chế trên thị trường hiện nay, Bộ Xây dựng đã đưa ra đề xuất trên tại Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi lần này…
Trước đề xuất này, giới kinh doanh bất động sản lo lắng, vì Dự thảo “đánh” trực diện vào hàng nghìn sàn giao dịch bất động sản trên cả nước khiến họ đứng trước nguy cơ thất nghiệp, thậm chí phải đóng cửa. Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng, đây không phải là phương án tối ưu, mà các cơ quan hữu quan cần siết chặt quản lý chính các sàn giao dịch bất động sản.
Nhiều ý kiến trái chiều cho rằng, nếu quy định trên được Chính phủ thông qua sẽ “báo tử” hàng nghìn sàn giao dịch bất động sản hiện nay. Đại diện một sàn giao dịch bất động sản trên đường Lê Văn Lương (Hà Nội) bức xúc, Bộ Xây dựng không thể “đánh đồng” các sàn giao dịch bất động sản và hủy bỏ việc giao dịch qua sàn, vì thực tế vẫn có các sàn hoạt động chuyên nghiệp, minh bạch và công khai các dự án của chủ đầu tư. Theo vị đại diện này, nên để khách hàng đăng ký mua sản phẩm tại các sàn đạt “chuẩn” và có uy tín trên thị trường.
Ông Nguyễn Thế Điệp - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Reenco Sông Hồng khẳng định, đề xuất này của Bộ Xây dựng là rất hợp lý trong bối cảnh thị trường bất động sản “đóng băng” như hiện nay. Theo đó, chủ đầu tư có thể lập ra một bộ phận bán hàng chuyên nghiệp phụ trách bán hàng trên chính trang mạng của công ty từ khâu tư vấn về giá cả, diện tích căn hộ… cho những khách hàng quan tâm, thay vì phải bán hàng qua sàn theo quy định hiện hành. “Việc hủy bỏ quy định giao dịch qua sàn giao dịch bất động sản sẽ làm giảm thủ tục, tiết kiệm thời gian đặc biệt tránh được những khoản tiền chênh không đáng có”, ông Điệp phân tích thêm.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam cho rằng, đề xuất này của Bộ Xây dựng không bắt buộc các chủ đầu tư phải chào bán sản phẩm qua sàn giao dịch là cần thiết, đảm bảo quyền lợi của cả hai bên mua và bán.
Không chỉ các sàn lo lắng bị đóng cửa mà một bộ phận không nhỏ những người môi giới bất động sản cũng “kêu trời” với dự thảo quy định này của Bộ Xây dựng. Nếu Dự thảo trên được thông qua sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới việc làm và đời sống của hàng nghìn người làm môi giới bất động sản. “Điều mà nhà đầu tư, giới kinh doanh bất động sản lo lắng nhất là tính ổn định lâu dài của chính sách ở Việt Nam, nên các cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ chính sách phù hợp với thực tiễn và có tính ổn định dài hạn từ 10 - 20 năm, hạn chế việc thay đổi chính sách trong ngắn hạn gây xáo trộn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Điệp kiến nghị.
“Thổi luồng gió” mới vào thị trường
Theo các chuyên gia, khách hàng không phải mua sản phẩm qua sàn là một phương thức giao dịch mới giữa chủ đầu tư với khách hàng mà không phải qua trung gian. Điều này đã “thổi luồng gió” mới vào thị trường bất động sản trong bối cảnh thị trường trầm lắng.
Ông Nguyễn Hoàng Nam, Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản Info - Ocean Group cho rằng, Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi được thông qua sẽ “nới lỏng” quản lý việc kinh doanh bất động sản và thay đổi phương thức giao dịch bất động sản giữa người bán và người mua. Ở khía cạnh khác, ông Trần Đức Diễn, Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản Maxland phân tích, việc bán hàng của chủ đầu tư sẽ không thể chuyên nghiệp bằng nhân viên tại các sàn giao dịch, vì việc tư vấn, chăm sóc khách hàng và dịch vụ hậu mãi của chủ đầu tư sẽ kém đa dạng hơn sàn giao dịch.
Trong khi đó, ông Ngô Hoàng Nguyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Coninco Đầu tư phát triển hạ tầng và Tư vấn xây dựng nhấn mạnh, nên để các thành phần trong thị trường bất động sản vận hành theo sự điều tiết của cung – cầu. Chủ đầu tư chỉ tập trung phát triển dự án còn sàn giao dịch bất động sản nâng cao chất lượng môi giới, chuyên nghiệp hóa trong khâu bán hàng. Cùng với đó, các cơ quan hữu quan cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các sàn giao dịch để tránh sàn môi giới làm “nhiễu loạn” thị trường.