Tin tức trên báo Chất Lượng Việt Nam, ngày 24 tháng 10 vừa qua, sau vài cuộc kiểm tra bất thường, Sở Cảnh Sát Chiết Giang, Trung Quốc và Phòng Quản Lý Thị Trường thành phố đã điều tra, phá vỡ một đường dây làm giả “ thịt thăn” bằng thịt gà và hóa chất tạo màu. Số thịt có vấn đề được phát hiện tại hiện trường lên tới hơn 20.000.000 xâu thịt, trong đó thành phẩm đã sản xuất là 120kg, thêm vào đó cơ sở còn có một loạt chất phụ gia cùng các trang thiết bị sản xuất, giá trị lên tới hơn 2 triệu nhân dân tệ.
Phía cảnh sát cho biết, hai vợ chồng chủ xưởng kể trên thái lát ức gà, thêm chất phụ gia gồm bột halogen đỏ và bột nở, khi thịt gà lên men, ức gà sẽ hóa màu đỏ, nhìn giống như thăn.
Phần thịt thăn là phần cắt từ bắp thịt, nằm phía trước, chạy dọc cột xương sống của con heo gần phía dưới chân sau. Phần thăn heo chế biến nhiều món ngon và được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên vì lợi nhuận, nhiều người đã dùng thực phẩm thứ cấp pha thêm chất độc hại để tạo ra thịt thăn, và bán ra thị trường với giá chỉ bằng 1/3 giá chuẩn. Số thịt gà đem ra sử dụng có nguồn gốc không rõ ràng, không rõ gà thải, gà bệnh dịch, thêm vào đó các xưởng sản xuất thường sử dụng quá đà chất phụ gia để tạo màu và giữ cho thịt luôn tươi mới. Để loại thịt này trà trộn trên thị trường sẽ đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.
Những chiêu “hô biến” thịt gà thành thịt lợn, thịt lợn thành thịt bò để bán với giá cao hơn ở các nước trên thế giới hiện nay đang diễn ra rất nhiều, Việt Nam cũng không ngoại lệ.
1-2 năm trở lại đây, các phương tiện truyền thông nhiều lần đăng tải thông tin về việc biến thịt lợn ôi thiu, thối thành thịt bò. Công nghệ hô biến thịt lợn thành thịt bò rất đơn giản, chỉ cần dùng phẩm mầu “hoa hiên” là có thể không phân biệt được về mầu sắc đâu là thịt lợn, đâu là thịt trâu, bò.
Phẩm mầu hoa hiên còn được người bán thịt bò gọi là “bảo bối” khi thích là có thể dùng và rất dễ mua. Nếu dùng bột hoa hiên có nguồn gốc tự nhiên, có thể sẽ rất an toàn, tuy nhiên, dùng bột dạng công nghiệp, chắc chắn hậu quả không thể lường trước được.
Chỉ cần pha một thìa cà phê bột hoa hiên hòa vào nước, quét lên bề mặt thịt lợn, hoặc nhúng thịt lợn vào dung dịch như vậy trong vòng 1 phút, chắc chắn thịt lợn sẽ có màu sắc giống như thịt bò tươi và không thể phân biệt được đâu là thịt bò, đâu là thịt lợn.
Cách đây không lâu, trạm thú y huyện Bình Chánh, TP.HCM đã phối hợp với UBND xã Vĩnh Lộc B kiểm tra tại địa chỉ C5/11B5, ấp 3 (xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM), phát hiện chủ cơ sở dùng thịt lợn không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch để làm giả thịt đà điểu.
Tại thời điểm kiểm tra, các lực lượng phát hiện thịt lợn đựng trong bao xốp để trực tiếp trên nền nhà dơ bẩn, thịt lợn ngâm trong thau nước màu đỏ để làm sậm màu rồi đóng gói thành thịt đà điểu. Thịt lợn để trong tủ cấp đông chuyển sang màu đỏ, một số bao bì ghi thịt đà điểu, thịt nai, thịt lạc đà, thịt nhím, thịt cá sấu... Tổ kiểm tra đã thu giữ 370kg thịt lợn giả thịt đà điểu và 20kg bao bì và tem nhãn thịt đà điểu. Trong đó có 68kg thịt lợn đã đóng vỉ với nhãn hiệu thịt đà điểu.
Trước đó, trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức- TP.HCM cũng từng phát hiện một lượng lớn thịt lợn nhà được các cơ sở biến thành thịt rừng. Đáng sợ là toàn bộ số thịt này thực chất là thịt lợn nái, được dùng đèn khò đốt lông, cạo sạch lớp cháy bên ngoài, sau đó dùng thêm chất sunfua dioxit (SO2) để thịt sậm màu, dai, giòn hơn. Công đoạn cuối cùng là bắn lông ba chấu y như lông heo rừng để đánh lừa người tiêu dùng, bán với giá cao gấp nhiều lần thịt thường.