Giảm giá mạnh
Tại Bến Tre, giá chanh hiện ở mức 17.000 đồng/kg, giảm hơn 10.000 đồng/kg so với tuần trước, trong khi mức giá chanh tại huyện Đức Huệ, Bến Lức (Long An) chỉ còn 10.000 đồng/kg và chanh không hạt còn 23.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Minh Tuấn - phó Phòng NN&PTNT huyện Giồng Trôm, Bến Tre - cho biết thị trường tiêu thụ chanh từ trước đến nay đều phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, nhưng gần đây Trung Quốc ngưng tiêu thụ chanh nên giá giảm.
Cùng lúc, giá xoài cũng đang giảm giá mạnh, thậm chí giảm xuống chỉ còn 500-600 đồng/kg tại một số tỉnh DDBSCL nhưng cũng không ai mua. Trước đó một tháng giá đã giảm nhưng vẫn ở mức 4.000-8.000 đồng/kg trong khi giá đã từng ở mức 22.000-25.000 đồng/kg.
Ông Phan Hữu Đức (thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) cho biết, khi phía Trung Quốc ngừng mua thì giá xoài rơi tự do.
PGS-TS Võ Thị Thanh Lộc, Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL, cho biết việc sản xuất và tiêu thụ xoài hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Mục tiêu đặt ra là giảm lệ thuộc vào Trung Quốc vì thị trường này hiện chiếm hơn 34% sản lượng xoài xuất khẩu. Do đó, cần khai thác tối đa thị trường nội địa, nhất là tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng như xoài sấy dẻo và nước ép xoài.
Ớt cũng rơi vào tình trạng tương tự, khi phía Trung Quốc đột ngột ngừng thu mua khiến giá ớt giảm đến 20 lần cũng đang diễn ra tại Bình Định, ớt đã chín đỏ nhưng nông dân cũng không thèm thu hoạch.
Nguyên nhân là do thương lái Trung Quốc ngừng thu mua khiến giá ớt rớt thể thảm chưa từng thấy khiến nhiều hộ dân chán nản không buồn thu hoạch ớt về nhà.
Xuất khẩu sang Trung Quốc có thể giảm sút
Tại cuộc họp với một số bộ ngành, doanh nghiệp để tháo gỡ xuất khẩu rau quả của Việt Nam chiều qua (29/5), Cục Chế biến Nông Lâm Thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho biết, do ảnh hưởng tình hình biển Đông, xuất khẩu nông sản nói chung và rau quả nói riêng của nước ta sang Trung Quốc dự báo sẽ giảm sút trong thời gian tới.
Cũng tại cuộc họp, đại diện Cục Chế biến Nông Lâm Thủy sản và Nghề muối cho biết, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc chủ yếu qua đường tiểu ngạch. Các đối tác phía Trung Quốc thường xuyên áp dụng chính sách thương mại biên giới của địa phương, hình thức buôn bán không ổn định, nên việc xuất khẩu gặp nhiều khó khăn và rủi ro bất thường.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục Chế biến Nông Lâm Thủy sản và Nghề muối, Trung Quốc là thị trường dễ tính, nhất là về kiểm dịch và ATTP. Chưa kể, đây là thị trường “sát nách”, hàng hóa có thể vận chuyển thuận lợi cả đường bộ lẫn đường biển.
Trước đó, bên lề Diễn đàn Xúc tiến thương mại 2014 diễn ra vào ngày 17/4, bà Phạm Thị Hồng Thanh, - Hàm Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng Vụ Châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công thương) cho biết, Việt Nam đã ký với Trung Quốc một bản ghi nhớ vào cuối năm 2013 về xuất khẩu nông sản, việc bán nông sản sang Trung Quốc sau đó đã ổn định và phát triển hơn.
Theo bà Thanh, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với các Vụ để tìm đầu ra cho các thị trường nông sản. Vừa qua có một số mặt hàng nông sản đưa lên Trung Quốc có thể có nhận định hàng Việt Nam sang Trung Quốc có khó khăn nhưng thực tế hàng nông sản Việt Nam sang Trung Quốc vẫn rất tốt.