Hiện là thời điểm trái hồng Đà Lạt bước vào chính vụ. Ngoài thị trường, loại trái cây này được bán rất nhiều tại các con đường và các chợ lớn, nhỏ trên địa bàn TP.HCM. Theo một số tiểu thương, năm nay sản lượng hồng giảm nhiều nhưng giá lại thấp hơn so với các năm trước.
Đã nghèo còn mắc cái eo
Cụ thể, giá hồng trứng, hồng trái vuông Đà Lạt chỉ ở mức 10.000-15.000 đồng/ kg. Tại một số chợ lớn, giá cao nhất cũng chỉ có 20.000 đồng/kg. Hồng giòn và hồng ngâm có giá cao hơn các loại khác từ 3.000-5.000 đồng/kg.
Tại chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức, Hóc Môn, những ngày gần đây, giá bán sỉ các loại hồng cũng chỉ còn 5.000 đồng/kg. Tại Đà Lạt, giá thu mua tại vườn là 3.000-4.000 đồng/ kg.
Theo Chi cục Thống kê TP Đà Lạt, toàn thành phố chỉ còn khoảng 300 ha hồng ăn trái, sản lượng ước trên 4.000 tấn. Năm 2010, thành phố có 524 ha hồng, sản lượng lúc đó là 6.700 tấn.
Theo chị Nga, tiểu thương tại chợ Gò Vấp, dù giá rất thấp nhưng loại trái này lại có sức tiêu thụ vô cùng chậm.
“Năm nay người ta không còn ưa chuộng hồng như mọi năm nữa. Chưa có năm nào mà hồng lại bán rẻ như vậy, ế ẩm lắm. Mấy người bán ở chợ họ cũng không dám nhập về nhiều, sợ bán không được. Mới đầu tháng tôi còn bán được cả trăm ký một ngày thì nay bán mấy chục ký đã thấy khó rồi”, chị nói.
Một tiểu thương khác lý giải: “Trái hồng nhanh chín lắm, khi chín lại mau hư hỏng, thối rữa nên tụi tui không dám để lâu. Mà trái này lại chưa chế biến thành đồ khô, đồ hộp được nên chỉ có cách ăn vậy thôi. Khách đa số họ chỉ chuộng mỗi hồng giòn với hồng ngâm.
Mà ác nỗi thấy giá rẻ nên nhiều người cho đó là hồng Trung Quốc chứ không tin đó là đặc sản Đà Lạt, đem truyền tai nhau rồi thành ra chẳng ai dám mua. Đã nghèo lại còn mắc cái eo mới khổ chứ!".
Cách phân biệt hồng Trung Quốc với hồng Đà Lạt
Để phân biệt hồng của Trung Quốc với hồng đặc sản Đà Lạt không hề khó. Hồng Đà Lạt chỉ cần 1-2 ngày là bắt đầu chín mềm, nếu ăn không kịp sẽ bị hư rất nhanh. Còn hồng Trung Quốc thì mua về cả tuần vẫn không bị hư, thậm chí để rất lâu vẫn không chín.
“Hồng Trung Quốc có màu đỏ sẫm, trái dài giống hồng trứng của Đà Lạt. Loại hồng này ngọt nhưng không thơm, hơi khô và không bọng nước. Còn hồng trứng Đà Lạt chính gốc phải có màu vàng cam, ăn vào có vị ngọt béo, ăn rất dẻo và thơm.
Hồng Đà Lạt có 4 loại: hồng giòn, hồng trứng, hồng xanh với hồng chín mềm. Thông thường, các loại hồng xanh đều được ngâm qua nước sạch hay nước vôi để bớt chát và nhanh chín hơn. Hồng chín sẽ được ủ khí nên dù quả chín đều, màu đẹp nhưng vị sẽ không thơm, nhạt và chát hơn những trái chín cây.
Loại hồng trứng Đà Lạt thì ngược lại. Qua ủ, hồng sẽ chín ngọt, dẻo, thơm. Qua ngâm nước hoặc nước vôi, hồng sẽ giòn, ngọt, không bị chát. Hồng này mua về nên ăn ngay. Nếu muốn để qua ngày thì nên cất vào tủ lạnh để hồng không bị nhũn. Còn hồng xanh để lâu sẽ bị mềm, mất độ giòn, ăn không ngon.
Còn hồng Trung Quốc bị tiêm hóa chất vào thẳng cuống nên trái hồng sẽ bị thối từ cuống tới trái, cuống lúc nào cũng có màu thâm đen.