Ngày 27/5, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) trực thuộc Bộ NN&PTNT Việt Nam có công văn 896/QLCL-CL2 gửi Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu trực thuộc Tổng cục Giám sát chất lượng, thanh tra và kiểm dịch Trung Quốc yêu cầu điều tra về 17 lô hàng rau, củ, quả xuất khẩu với số lượng gần 300 tấn có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá mức quy định của Việt Nam.
Trong đó có 8 loại gồm 6 loại trái cây và 2 loại củ từ Trung Quốc chứa chất độc hại bao gồm: Nho tươi, chanh tươi, hồng quả, cà rốt, táo, cam tươi, quýt tươi và củ cải trắng.
Các chất bảo vệ thực vật với dư lượng vượt mức cho phép có trong các loại rau, củ, quả trên bao gồm Carbendazim, Difenoconazol, Difenoconazol, Thiophanate Methyl, Dimethoate Methyl, Propargite, Carbendazim.
Nội dung công văn ghi rõ: Để tránh tái diễn tình trạng nêu trên, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, NAFIQAD đề nghị Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu thông báo cho các cơ quan chức năng phía Trung Quốc điều tra nguyên nhân, truy xuất nguồn gốc lô hàng bị cảnh báo và áp dụng biện pháp khắc phục phù hợp và sớm thông báo kết quả thực hiện tới NAFIQAD, Bộ NN&PTNT Việt Nam.
1 năm nhận báo cáo thực phẩm nhiễm độc 1 lần
Trao đổi với phóng viên, ông Phùng Hữu Hào, Cục phó Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết, hiện phía Trung Quốc chưa có phản hồi về vụ gần 300 tấn hoa quả nhiễm độc và ông cũng không hy vọng Trung Quốc sẽ phản hồi.
Theo ông Hào, thông thường với các vụ việc tương tự, Trung Quốc phản hồi rất chậm. Các văn bản của Cục chuyển qua trung gian là Đại sứ quán ở Bắc Kinh hay scan, gửi thư điện tử trực tiếp cho cán bộ đầu mối của phía Trung Quốc thì nước bạn cũng trả lời vẫn rất chậm, thường phải vài tháng sau, thậm chí có lần họ trả lời là không nhận được.
Khi được hỏi về vai trò của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Việt Nam khi rất nhiều lần Việt Nam phát hiện rau, củ, quả Trung Quốc có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, Cục phó Phùng Hữu Hào cho biết, điều này được quy định rõ trong Thông tư 13 của Bộ NN&PTNT.
Theo đó, khi xây dựng thông tư, kiểm tra hồ sơ của nước đăng ký xuất khẩu sang Việt Nam thì Cục này chủ trì và phối hợp với Cục BVTV để tiếp nhận hồ sơ đăng ký, kiểm tra, đưa vào danh sách các nước được xuất khẩu sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc thực vật vào Việt Nam. Nhưng đơn vị kiểm tra thực tế tại cửa khẩu là Cục BVTV.
Sau khi Cục BVTV tổng hợp tin cho Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thì Cục mới tổng hợp lại và có công thư gửi cơ quan thẩm quyền của nước xuất khẩu để phối hợp điều tra, chứ bản thân Cục không có thông tin.
Tuy nhiên, về mức độ cập nhật thông tin của Cục BVTV cho Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thì ông Hào lấy ví dụ ngay vụ gần 300 tấn hoa quả nhiễm độc. Đó đều là các sản phẩm thuộc các lô hàng phát hiện trong năm 2013, tức là 1 năm tổng hợp một lần.
"Thậm chí thông tin đầu tiên Cục BTVT gửi cho chúng tôi về vụ này rất sơ sài, chúng tôi đề nghị cung cấp thêm thông tin trước đấy khoảng 10 ngày hay nửa tháng. Chúng tôi cũng đề nghị Cục BTVT cố gắng có chậm thì cũng nên gửi hàng tháng, thấy vi phạm thì thông báo ngay".
Nhiễm độc vượt ngưỡng cho phép 8-9 lần vẫn an toàn?
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BTVT cho biết, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật được phát hiện trong 300 tấn hoa quả chỉ gấp 2-3 lần mức cho phép.
"Đây là mức cực kỳ an toàn và người tiêu dùng đã sử dụng số hoa quả mà chúng tôi phát hiện nhiễm độc vẫn đang còn rất an toàn", ông Hồng nói.
Tuy nhiên, theo văn bản đính kèm công thư của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản gửi cho Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu của Trung Quốc, nhiều sản phẩm có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép 8-9 lần.
Ví dụ, 25 tấn quýt tươi của công ty Guangxi Qiaosheng Import and Export (phát hiện ngày 22/11/2013) chứa dư lượng Propargite (dùng để diệt nhện) 24,4 mg/kg vượt mức giới hạn tối đa cho phép (MRL) quy định là 3 mg/kg.
5 tấn quýt tươi khác cũng của công ty trên (phát hiện ngày 2/12/2013) chứa dư lượng Propargite 27,73 mg/kg vượt mức MRL quy định là 3 mg/kg.
Theo ông Hồng, mức độ nhiễm độc này chỉ để công bố cho nước xuất khẩu biết rằng họ vi phạm và có nguy cơ dẫn đến mất an toàn. Để kiểm tra xem có an toàn cho người tiêu dùng hay không người ta sử dụng chỉ số Daily Intex, một ngày có thể ăn bao nhiêu.
Ông dẫn chứng, khi một quả táo có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, một người ngày nào cũng phải ăn 70 quả táo thì mới mất an toàn. Chúng ta không thể ăn mỗi ngày bằng ấy táo được nên không thể ảnh hưởng đến sức khỏe được.
"Nói thế để thấy mức người ta đưa ra để cảnh báo đang còn rất an toàn cho người sử dụng", ông Hồng trấn an.