Đồng loạt tăng giá vì khan hàng
Khảo sát các chợ đầu mối, chợ dân sinh như: Phùng Khoang, Đại Từ, Ngã Tư Sở... trên địa bàn Hà Nội cho thấy, giá hầu hết mặt hàng thực phẩm tại đều tăng từ 5.000-30.000 đồng/kg tùy loại so với thời điểm cuối tháng 11.
Thực tế, tại chợ Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội), theo ghi nhận của PV, thực phẩm đã rục rịch tăng giá từ cách đây nửa tháng. Hiện thịt nạc thăn đang được bán với giá 110.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg, sườn lợn loại 1 giá 120.000 đồng/kg tăng 15.000 đồng/kg, sườn loại 2 giá 105.000 đồng/kg tăng 5.000 đồng/kg. Các loại thịt khác cũng tăng thêm 10.000 đồng/kg, đẩy giá thịt mông, thịt vai lên 90.000 đồng/kg, thịt ba chỉ, chân giò lên 100.000 đồng/kg.
Theo đà, các loại thịt gia cầm cũng tăng giá khá mạnh. Hiện thịt gà công nghiệp nguyên con có giá từ 70.000-80.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; thịt gà ta thả vườn 120.000-150.000 đồng/kg tùy loại, tăng khoảng 20.000-30.000 đồng... Các loại thịt bò giá cũng được đẩy tăng thêm 20.000 đồng/kg, lên 280.000-330.000 đồng/kg tùy loại.
Đợt này, một số mặt hàng hoa quả giá cũng tăng khá mạnh. Điển hình như mặt hàng chuối giá đã tăng đến 50% so với cuối tháng 11; giá bưởi tăng thêm thêm 10-20%. Ngoài ra, các mặt hàng hoa quả khác cũng đang rục rịch tăng giá theo Tết.
Lý giải về vấn đề thực phẩm tăng giá đồng loạt dịp này, chị Nguyễn Thị Thảo, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Phùng Khoang, nói rằng giá thịt lợn đợt này tăng là do khan hàng, lượng thịt đổ về chợ ít đi.
“Đi lấy hàng các lò mổ kêu người chăn nuôi đang găm hàng đợi Tết để bán được với giá cao nên nguồn cung không dồi dào như trước. Trong khi dó nhu cầu của thị trường lại tăng mạnh đã đẩy giá thịt lợn tăng mặc dù còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết”, chị Thảo nói.
Anh Tùng, một đầu mối chuyên xuất buôn thịt gia cầm tại các chợ ở Hà Nội cũng cho biết giá tăng cao chủ yếu do nguồn cung khan hiếm.
Anh Tùng chia sẻ: “Nhiều khi lái buôn chấp nhận trả giá cao mà còn không có gà bắt bởi một số hộ chăn nuôi có gà đến kỳ xuất chuồng nhưng chịu không bán, quyết giữ gà đến cận Tết bán với giá cao hơn. Số còn lại đồng ý bán với giá cao cho lái buôn, tuy nhiên số lượng bán ra cũng rất hạn chế”.
Ngoài lý do khan hàng dẫn đến giá tăng, tiểu thương tại các chợ còn dự đoán, từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ giá sẽ tiếp tục tăng mạnh do nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao. Đặc biệt, một số mặt hàng hoa quả như: bưởi, chuối, cam, quýt... giá có thể tăng gấp cả đôi, gấp ba, thậm chí còn gấp 6-7 lần so với ngày thường.
Đua nhau găm hàng để Tết hét giá
Thực tế, vào thời điểm hiện tại rất nhiều người chăn nuôi muốn bán được giá cao, thu lợi lớn đã “găm” hàng đợi Tết mặc dù lợn, gà đã đến kỳ xuất chuồng.
Anh Nguyễn Văn Công, chủ một trại lợn ở Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) cho biết, đến Tết, các mặt hàng thực phẩm tuy không tăng giá gấp đôi, gấp ba lần như một số mặt hàng khác nhưng giá bán cũng được đẩy lên rất cao, thậm chí, tăng cả chục giá nên người chăn nuôi đa phần có tâm lý giữ hàng lại đến cận Tết mới bán.
Anh Công tiết lộ, thời điểm này năm ngoái, anh có 20 con lợn có thể xuất chuồng được nhưng cố giữ lại. Đến tầm giữa tháng 12, khi giá lợn tăng lên thêm 5.000 đồng/kg, anh xuất chuồng hết một loạt và thu lời thêm gần chục triệu đồng từ việc chênh lệch giá bán.
Theo anh Công tính toán, giá lợn xuất buôn tại chuồng hiện là 47.000 đồng/kg loại ngon, loại lợn mỡ giá 43.000 đồng/kg. Và đến cận Tết giá chỉ cần tăng thêm khoảng 5.000 đồng/kg nữa là mỗi con lợn anh được lãi thêm gần nửa triệu đồng nữa.
“Thế nên, đàn lợn 35 con mặc dù đến kỳ xuất chuồng rồi nhưng tôi quyết tâm dữ lại để đợi giá cao hơn”, anh Công chia sẻ.
Tương tự, chị Tạ Thị Loan ở Tan Dương (Vĩnh Phúc) cho hay, đàn gà ta thả vườn gần 500 con của chị còn một tuần nữa đến kỳ xuất chuồng, rất nhiều lái buôn đến đặt và hỏi mua nhưng chị không bán và quyết tâm giữ lại chờ đến gần Tết bán cho được giá.
Chị Loan kể, giữa tháng 11 âm lịch năm trước, đàn gà ta thả vườn hơn 300 con đến kỳ xuất chuồng chị bán luôn khi có thương lái hỏi mua. Đầu tháng 12 âm lịch, giá gà ta tăng thêm gần 20.000 đồng/kg mà chị không còn con gà nào bán nữa. “Những người “găm” gà lại đến gần Tết bán, nguyên tiền chênh lệch giá thu được họ có thể sắm sửa đủ cho một cái Tết”, chị Loan cho hay.
Không chỉ có người chăn nuôi, dịp này dân buôn cũng tranh thủ găm hàng đợi Tết.
Anh Nguyễn Trung Kiên (Tân Lập, Đan Phượng, Hà Nội) cho biết đã thu mua được gần 600 con gà ta về thả ở vườn nhà nhờ bố mẹ chăm sóc hộ. Số gà này sẽ được bung ra bán vào những ngày cận Tết khi giá cả và nhu cầu của thị trường tăng cao.