Sởn da gà lòng thối, bã phân biến thành... thuốc chữa bệnh
Những ngày vừa qua, dư luận hết sức bất bình trước thông tin một "lò" chế biến phế phẩm lòng thối, thậm chí cả bã phân heo đều được phù phép thành một loại cao để... chữa bệnh tại TP.HCM bị phanh phui.
Nơi sản xuất loại cao chữa bệnh từ bã phân heo, lòng heo thối thuộc công ty TNHH Minh Oanh và chi nhánh doanh nghiệp tư nhân Sản xuất -Thương mại Hà Tiết. Hai cơ sở này nằm biệt lập giữa khu rừng tràm tại ấp 7, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM, cách tỉnh lộ 10 khoảng 2km. Được biết, hai cơ sở này đều sử dụng công nghệ sản xuất gồm một hệ thống nồi inox đặt cố định, giữa nồi là một trục quay gắn lưỡi dao có chức năng đánh tơi, làm nhuyễn lòng thối. Bộ phận tiếp nước là các ống dẫn bằng nhựa nối trực tiếp từ bể xuống nồi inox. Lòng heo thối, phế phẩm ruột heo (bã phân)... sau khi thu gom về đều được đổ thẳng vào các nồi inox trộn đều với các loại hóa chất (xút- NaOH, bột đinh hương), phẩm màu... nấu nhiều giờ bằng lò than, qua quá trình ngâm ủ để cho ra một sản phẩm cao hoàn chỉnh.
Liên quan đến sự việc hai công ty sử dụng hoá chất "hô biến" lòng thối thành thuốc chữa bệnh, TS. Hoàng Thị Diễm Tuyết - Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) cho biết, bà chưa nghe và cũng không thể tưởng tượng được những loại thuốc chữa vô sinh, hiếm muộn chế biến từ lòng heo chứa cả phân, trộn hóa chất. Lòng heo chứa phân mà dùng để chế biến thuốc có thể gây nhiễm trùng, nhiễm độc. Hơn nữa, các loại hóa chất chưa được kiểm chứng về thành phần, có độc hại hay không được pha chế trong thuốc cũng chứa nhiều nguy cơ gây hại cho cơ thể. Nhiều ý kiến cho rằng, sử dụng hoá chất trong quá trình chế biến lòng thối thành thuốc chữa bệnh là sự bỉ ổi cuối cùng mà những người "kinh doanh tội ác" gieo rắc cho người dân!
Chỉ cần 8.000 đồng hóa chất đủ để biến 10kg gạo thường thành "đặc sản"
Theo tìm hiểu của PV, chỉ cần một gói bột hóa chất 8.000 đồng, các quán cơm bình dân có thể biến 10kg gạo thường thành cơm nở bung, hạt to, dẻo thơm tương đương với nấu 20kg. Điều thần kì này đang được nhiều nhà hàng, nhiều quán cơm coi là độc chiêu kinh doanh. Vụ bê bối liên quan đến "ngọc thực" đã gây chấn động dư luận, nhiều người dân lo lắng khi phải thường xuyên ăn ở ngoài quán, nhà hàng.
Không dừng lại ở đó, người tiêu dùng dường như phải "ngậm bồ hòn" khi hàng loạt vụ việc dùng chất kích thích giúp đặc sản rau su su, rau muống có thể dài cả gang tay mỗi đêm, rau ngót "tắm" thuốc trừ sâu, sầu riêng, đu đủ, chuối, mít non... "tắm" hóa chất chỉ sau một đêm có thể chín vàng hay nước phở pha bằng hóa chất ngọt thơm, chân giò nhừ từ bột làm sạch bồn cầu, thịt bò làm giả từ thịt lợn sề, dừa tươi tẩy trắng... Điển hình, cách đây không lâu, lực lượng chức năng TP.Hà Nội phát hiện hai xe ô tô tải, trọng tải 15 tấn chở đầy hạt đỗ xanh chứa một lượng lớn hóa chất kích thích tăng trưởng và 20 thùng hoá chất nhãn hiệu được in bằng chữ Trung Quốc. Đáng chú ý, hướng dẫn sử dụng trên bao bì, loại thuốc này có thể giúp một cây rau mầm lớn thêm 1- 2cm chỉ trong vòng 4 - 5 tiếng đồng hồ.
Thực tế trên cho thấy, những người kinh doanh, chế biến thực phẩm vì lợi nhuận bất chấp thủ đoạn "đầu độc" người dân, TS. Nguyễn Thị Nhung, Viện Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT cho biết, hiện nay để kích thích sinh trưởng vươn ngọn, bật chồi nhanh giúp cho rau tăng năng suất, nhiều hộ dân thường mua các loại thuốc kích thích. Tuy nhiên, nếu người trồng rau sử dụng thuốc kích thích quá độc, liều lượng cao, gần ngày thu hoạch, không đảm bảo thời gian cách ly thì dư lượng thuốc còn lại trong rau sẽ vượt quá mức cho phép, gây ngộ độc cho người tiêu dùng, kể cả với các loại thuốc kích thích sinh học. Dường như, niềm tin của người Việt đã sụp đổ khi bi kịch người Việt tự hại nhau gay gắt tới mức hoá chất độc hại được bán công khai, mua bao nhiêu cũng có. Thậm chí, hoá chất độc hại sử dụng trong các ngành công nghiệp cũng được vô tư sử dụng vào chế biến thực phẩm.
Trước đó, tại hội nghị trực tuyến với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và UBND các tỉnh, thành cả nước về các vấn đề phòng chống dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã kiến nghị: "Việc đưa hoá chất độc hại, không được phép, vượt quá quy định vào thực phẩm là tội ác. Chúng ta phải xử lý như xử lý tội ác chứ không thể xử lý như vi phạm thông thường".
Vô tư kinh doanh chất độc để... hại đồng loại!?
Theo tìm hiểu của PV, chợ Đồng Xuân, phố Hàng Buồm (Hà Nội) hay chợ Kim Biên (TP.HCM) từ lâu đã được mệnh danh là "thủ phủ hoá chất". Tại đây, chỉ cần có nhu cầu, khách hàng có thể mua được bấtt kỳ loại hoá chất nào. Từ các loại hóa chất dùng trong công nghiệp, hóa chất dùng trong thực phẩm, đến hóa chất độc hại bị cấm... Rất nhiều loại hoá chất, phụ gia thực phẩm được bày bán không nhãn mác, không phụ đề tiếng Việt, không hạn sử dụng. Những loại hóa chất bảo quản thực phẩm như "bột săm - pết", chất "tẩy đường", bột soda... có thể gây bệnh cho con người nhưng vẫn được bày bán nhằm mục đích bảo quản rau quả, thịt khỏi thối hay ôi thiu với chỉ 30.000 đồng/kg.
Theo báo cáo của Sở Công Thương TP.HCM, riêng tại địa bàn quận 5, hiện có 109 cơ sở kinh doanh mặt hàng hóa chất, tập trung chủ yếu tại các tuyến đường xung quanh chợ Kim Biên. Trong đó có cả hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp được Sở Kế hoạch & Đầu tư cấp giấp phép hoạt động. Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở này hiện kinh doanh đồng thời "2 trong 1", cả hóa chất công nghiệp và phụ gia thực phẩm. Các cơ sở cũng thực hiện sang chiết, đóng gói hóa chất tại chỗ để kinh doanh nhỏ lẻ nhưng lại không đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, con người cũng như các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy, ghi nhãn hóa chất và công bố chất lượng sản phẩm. Không ít cơ sở kinh doanh có kho chứa nằm xen lẫn trong khu dân cư. Người dân đã nhiều lần phản ánh về ô nhiễm mùi hôi tại khu vực các gia đình có kinh doanh hóa chất.
Cũng theo tìm hiểu của PV, quy định tại Luật Hóa chất cho thấy, nhiều bộ, ngành được phân công quản lý hoạt động hóa chất như: Ngành Y tế, Công Thương, Nông nghiệp. Từ việc có nhiều ngành cùng quản lý đã dẫn đến việc thực hiện chưa nghiêm các sai phạm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh hóa chất.
Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi Cục An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết: "Để kiểm soát việc buôn bán, sử dụng hóa chất độc hại trong thực phẩm hiệu quả, cần tách bạch nơi bán hóa chất công nghiệp và hóa chất thực phẩm. Mặt khác, người bán hàng phải có trình độ chuyên môn nhất định để có thể tư vấn, cung cấp thông tin cho người mua như quy định kinh doanh thuốc chữa bệnh để hạn chế mức độ thiệt hại mà hóa chất có thể gây ra cho người sử dụng".
Trước vấn nạn này, bản thân người tiêu dùng khó mà phân biệt được đâu là hàng tốt, hàng chất lượng để rồi cuối cùng thiệt thòi nhất vẫn là những người dân vô tội. Chính vì vậy cần lắm sự can thiệp chặt chẽ hơn, những chế tài mạnh hơn từ cơ quan chức năng.
"Quan" thanh tra Bộ Y tế ngồi chờ "báo cáo đầy đủ"!?
Trao đổi với PV, TS. Đặng Văn Chính, Chánh Thanh tra Bộ Y tế cho hay: "Liên quan đến vấn đề kinh doanh hoá chất và kinh doanh phụ gia thực phẩm, chúng tôi rất quan tâm. Đợt Tết vừa rồi, chúng tôi cũng có thành lập các đoàn kiểm tra và đi kiểm tra các tỉnh, thành. Chúng tôi cũng đã có ý kiến với cục ATTP để anh em làm sâu về vấn đề này và có những giải pháp trong thời gian tới. Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi chưa có báo cáo đầy đủ!