Mặc dù theo quy định, các quán ăn chỉ được mở cửa phục vụ khách khi đủ yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng các quán ăn chế biến thực phẩm “siêu bẩn” vẫn xuất hiện tràn lan ở khắp nơi. Phóng viên đã có cuộc thâm nhập vào những tụ điểm ăn uống rất đông khách ở Hà Nội và phát hiện sự thực kinh hoàng...
Không chỉ dùng tay trần bốc thực phẩm và bày thức ăn dưới đất nền nhà cạnh khu vệ sinh, nhân viên các quán ăn còn “hô biến” nội tạng thối thành món đặc sản thơm giòn... là những hình ảnh kinh hoàng mà PV ghi nhận tại nhiều quán nhậu, quán cơm bình dân ở Hà Nội.
Vịt không nguồn gốc, bia không nhãn mác
Quán vịt nổi tiếng đông khách ở đường Tân Mỹ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) được coi là “kinh đô” ăn uống của người lao động, sinh viên khu vực gần sân vận động Mỹ Đình. Từ 18h tối, quán ăn đã đông khách và kéo dài đến nửa đêm. Tuy nhiên, khi PV mục sở thị khu vực chế biến thức ăn thì bắt gặp cảnh tượng kinh hoàng.
Mỗi ngày, hàng chục con vịt không rõ nguồn gốc được tập trung về đây. Nơi chặt thịt và tẩm ướp món ăn được đặt ngay dưới nền nhà ẩm ướt, không đồ che đậy. Phía kế bên là nhà tắm và nhà vệ sinh. Cạnh đó, những thùng nước đầy váng mỡ được nhân viên quán dùng để rửa bát đũa theo kiểu “ngã qua hàng nước” rồi lau khô để tiếp tục phục vụ người ăn sau.
Nồi niêu xoong chảo cáu bẩn, thức ăn được bày biện la liệt dưới đất, nhân viên quán thậm chí còn dùng tay không bốc thực phẩm để chế biến. Qua quan sát, chúng tôi còn thấy cảnh chế biến thức ăn ngay cạnh những túi đựng rác. Hãi hùng hơn, toàn bộ những thực phẩm sau khi đã sơ chế đều được nhân viên của quán đựng vào những chiếc xô cáu bẩn đặt ngay dưới gầm bàn đã cũ nát, đầy ẩm mốc; ruồi muỗi bu đậu khắp nơi. Tất cả những dụng cụ tham gia vào công việc giết mổ như dao, chậu, khăn… vứt bừa bãi dưới nền đất bẩn thỉu.
Khi chúng tôi hỏi về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm thì H., chủ quán nói trên chỉ cười trừ: “Quán em ít nhân viên mà khách đông nên cũng không chu đáo hết được. Miễn sao khách ăn thấy ngon và tìm đến quán là được mà(?)”.
Có mặt tại các quán bia vỉa hè cạnh vườn hoa Hà Đông (quận Hà Đông – Hà Nội), chúng tôi phát hiện loại bia mà các chủ quán ở đây bán cho khách không hề có nhãn mác. Loại bia này được các chủ quán gọi là bia hơi nhưng chúng lại được đựng vào trong can hai lít màu trắng và không hề có nhãn mác hay hạn sử dụng. Nhiều can đựng bia ở đây cũ kỹ và đã ngả sang màu nâu.
Hàng ngày, cứ vào buổi trưa và chiều tối tại khu vực này có một đội ngũ chở bia bằng xe máy liên tục mang bia tới cung ứng cho các quán bia ven đường. Sau khi nhận bia, các chủ cửa hàng cho vào tủ lạnh để làm mát sẵn sàng phục vụ khách. Theo quan sát, khi khách hàng rót bia ra cốc thì thấy rất ít bọt và bọt tan đi một cách nhanh chóng giống như bia đã mở ra trong thời gian dài mà không uống. Còn nguyên liệu của các món nhậu ở đây đều được nhân viên của quán mang từ nơi khác đến trong những túi nilon và sau đó được chế biến ngay tại vỉa hè. Dù vậy cho đến nay, các quán bia này vẫn thu hút rất đông khách đến vì ngon, rẻ và không gian thoáng đãng.
Theo tìm hiểu chúng tôi được biết, cuối mỗi ngày, một số cơ sở chế biến thực phẩm nhập các loại thịt ế, ôi thiu từ các chợ đầu mối tại Hà Nội. Các loại thịt lợn xề, lợn ốm hay lợn chết này được nhân viên các cơ sở luộc lên. Sau đó, họ tẩm thêm gia vị để tạo mùi rồi cung ứng cho các quán nhậu vỉa hè và trở thành món nhậu ưa thích của nhiều người.
Nội tạng thối thành món đặc sản
Đi thực tế tại quán nướng ở khu vực đường Lê Đức Thọ (quận Cầu Giấy, Hà Nội), chúng tôi có dịp tiếp cận nơi chế biến đồ nướng, nội tạng động vật. Đó là một khu bếp tạm, xung quanh ướt lép nhép và nồng nặc đủ các mùi chua, thum thủm bốc ra từ những chiếc tai lợn, bao tải da gà, rác rưởi... Đáng sợ hơn, nguyên liệu thực phẩm được ném lăn lóc cạnh nhà vệ sinh xập xệ, bẩn thỉu.
Những chiếc tai lợn còn nguyên từng mảng lông, cáu bẩn chỉ được xả qua nước rồi cho vào máy xay ở chế độ miếng mỏng, dẹt (làm nem tai), sợi dài (làm giò tai). Bọc da gà mua từ các chợ đầu mối và tích trữ dùng dần đã chuyển màu, miếng vàng, miếng trắng nhợt nhạt. Sau đó, vẫn với công thức “xả nước một lần”, nước sủi bọt, những miếng da còn nguyên lông măng, cục u, cục tật, tảng mỡ bèo nhèo, ruột, cuống họng... được vớt vào rổ, chờ khô nước rồi đổ vào máy xay nhuyễn. Bên cạnh đó, phụ gia, hóa chất, gia vị dùng cho việc chế biến, xử lý nguyên liệu được đựng dồn trong một chiếc tủ nhỏ, tất cả đều bọc trong túi nilon hoặc hộp nhựa.
Theo tìm hiểu của PV, toàn bộ bì lợn thối bốc mùi sẽ được ngâm trong thùng ôxy già từ 2 – 3 tiếng. Sau đó, khi được vớt ra số bì này sẽ có màu trắng toát, sạch bong. Những vết thâm tím trên thân bì đã hoàn toàn biến mất. Đặc biệt, mùi hôi thối cũng không còn nữa.
Còn với chân gà, món ăn khoái khẩu của dân nhậu thì cũng được “phù phép” bằng nhiều cách. Để “hô biến” loại chân gà thâm đen do để lâu trở nên trắng phau, người ta cho chân gà vào các thùng nhựa, loại thùng từng chứa hóa chất được bán cho các vựa ve chai. Tiếp đến, người ta đổ một loại hóa chất không rõ nguồn gốc có màu trắng đục, hôi nồng nặc để ngâm chân gà. Sau 2 - 3 giờ, số chân gà vớt ra đã chuyển từ màu thâm đen sang trắng sạch.
Chia sẻ với PV, anh Nguyễn Văn Hải (25 tuổi, quê Nam Định) cho hay: “Tôi đi làm và ở trọ gần đây. Thấy quán đông khách thì vào ăn chứ có bao giờ để ý đến việc chứng nhận vệ sinh thực phẩm ra sao đâu. Cứ ngon rẻ thì mình ăn chứ biết quán nào chế biến sạch hơn đâu mà tìm”.
Lâu nay, nhiều người luôn xem món nội tạng là khoái khẩu nhưng ít ai biết rằng mình đã ăn phải thực phẩm được chế biến từ thứ nguyên liệu bẩn, là “rác” nguy hại. Người bán vì lợi nhuận trước mắt, không màng đến sức khỏe của khách. Còn người ăn thì đang trả tiền cho những món ăn nguy hại tới sức khỏe và chẳng khác nào đang tự đầu độc mình.
“Tổ hợp” nơi nấu ăn, rửa bát và nhà vệ sinh Theo quan sát của PV tại quán cơm bình dân trên đường Nguyễn Ngọc Nại (phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Khu chế biến của quán khá chật chội bao gồm cả nơi nấu ăn, rửa bát và nhà vệ sinh. Trên sàn ẩm ướt, thực phẩm tươi sống được sơ chế tại đây. Phía bên cạnh là những đống bát đũa đầy ruồi nhặng bám đang chờ rửa. Toàn bộ nước thải được đổ ngay xuống một cái cống thoát nước nhỏ phía góc. Điều đáng nói hơn, từ khu chế biến thức ăn, rửa bát đến khu nhà vệ sinh chỉ cách có hai bước chân. “Nội thất” trong khu vệ sinh cực kỳ sơ sài: Chỉ có một miếng gỗ đặt lên miệng cống và thế là thực khách nào có nhu cầu cứ thế mà “giải quyết”. |