1 năm 3 tháng giá điện không đổi
Đã 1 năm 3 tháng (từ tháng 8.2013 đến nay) giá điện không thay đổi. EVN đã hai lần đề nghị tăng giá điện, nhưng chưa được đồng ý, nên giá điện vẫn được giữ nguyên đến nay.
Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, giá điện năm nay chịu rất nhiều tác động của chi phí đầu vào tăng lên như giá than, giá khí, biến động tỷ giá…
Ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng giám đốc EVN cho biết giá than và khí tăng khiến EVN tăng chi phí khoảng 7.000-8.000 tỷ đồng, chưa kể lỗ do cơ cấu phát điện, phải huy động điện giá cao hồi đầu năm cũng mấy nghìn tỉ đồng.
Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng Giá điện bao gồm 2 chi phí: chi phí yếu tố đầu vào (than, dầu, khí…) và chi phí quản lý. Chi phí quản lý thì có thể chủ động được bằng cách giảm yếu tố trung gian và tăng năng suất lao động. Còn chi phí nguyên nhiên vật liệu phụ thuộc vào yếu tố khách quan. Nhưng dù các yếu tố đầu vào tăng, thì giá điện muốn tăng hay không vẫn phải theo thị trường, không thể tùy tiện được
Bên cạnh đó, khoản lỗ những năm trước vẫn bị “treo”, chưa tính vào giá điện cũng vẫn còn khoảng trên 8.000 tỷ đồng. Như vậy, nếu tính chung các khoản chi phí trên, giá điện lẽ ra đã có thể được điều chỉnh tăng.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá điện đã không được thực hiện do phải dựa vào tình hình kinh tế -xã hội, đời sống nhân dân và sức chịu đựng của doanh nghiệp.
Bộ Công Thương cho biết, chủ trương chung là phải cân đối cả yếu tố chi phí đầu vào - tức không để cho EVN quá lỗ, dẫn đến khó khăn, mặt khác tiến dần tới cơ chế thị trường và vẫn cần điều tiết của nhà nước.
Thời gian qua, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp, các nhà máy thủy điện đầy đủ nước nên ngành điện đã huy động nguồn phát thủy điện để giảm phát điện bằng dầu DO, FO giá cao, góp phần ổn định giá điện.
Việc không tăng giá điện trong hơn năm qua đã đóng góp quan trọng cho việc ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, kiềm chế lạm phát, giảm bớt khó khăn cho đời sống người có thu nhập thấp.
Theo lộ trình, đến năm 2015, giá điện sẽ tiếp cận theo đúng giá thị trường. Từ năm 2016 giá điện có tăng, có giảm theo thị trường. Bộ Công Thương cũng cho biết, theo chủ trương của Chính phủ, dù giá điện tăng hay giảm thì vẫn có chính sách hỗ trợ dành cho người nghèo nhất là các vùng hải đảo, biên giới.
Giá điện sẽ phải tăng…
Theo thông tin từ Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), dù đơn vị này đang xây dựng phương án điều chỉnh giá điện thì việc tăng giá điện vẫn sẽ tuân thủ theo Quyết định 69 của Thủ tướng Chính phủ.
Quyết định 69 quy định, thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân giữa hai lần liên tiếp tối thiểu là 6 tháng và với mức điều chỉnh từ 7% đến dưới 10% và trong khung giá quy định, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công thương chấp thuận.
Quyết định này cũng nêu rõ khi các thông số đầu vào cơ bản tại thời điểm tính toán biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân cơ sở làm giá bán điện bình quân cơ sở thay đổi, thì sẽ tính tới việc điều chỉnh giá điện.
Giá bán lẻ điện bình quân hiện tại là 1.508,8 đồng/kWh được áp dụng từ ngày 1.8.2013. Lần thay đổi mức giá bán lẻ điện cụ thể cho các đối tượng khách hàng từ ngày 1.6.2014 không làm thay đổi mức giá bán lẻ điện bình quân trên.
Theo các quy định hiện hành, giá bán lẻ điện bình quân trong các năm 2013-2015 sẽ không thấp hơn mức 1.437 đồng/kWh và không cao hơn mức 1.835 đồng/kWh.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đề xuất phương án tăng giá điện. EVN đã kiến nghị Bộ Công Thương điều chỉnh giá bán điện bình quân trong năm 2014, cụ thể là tháng 12 năm nay lên mức 1.652,19 đồng/kWh, tăng 9,5% so với giá bán điện bình quân hiện hành. Đại diện Cục Điều tiết điện lực cho biết, Cục đang thẩm định phương án đề xuất tăng giá bán điện của EVN. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân sẽ thực hiện theo đúng quy trình Quyết định 69 của Thủ tướng Chính phủ.
Như vậy, giá điện chắc chắn sẽ phải được điều chỉnh trong năm tới bởi năm 2015, EVN đặt mục tiêu toàn tập đoàn sản xuất kinh doanh điện có lãi. Để đạt mục tiêu này, yếu tố quan trọng là giá điện phải ở mức hợp lý, giúp EVN cân đối nguồn lực và không phải bù lỗ lớn.
Để công khai, minh bạch giá điện, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành khung giá bán lẻ điện bình quân (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) giai đoạn 2013-2015, theo đó giá sàn sẽ là 1.437 đồng và giá trần 1.835 đồng một kWh.