BẠN ĐÃ BIẾT? » Đời sống số

'Giá xăng đáng lẽ ra phải tăng 3.500 đồng/lít'

Thứ ba, 17/03/2015 10:55

Cục phó Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương cho rằng, vừa qua, đáng lý điều chỉnh giá xăng tăng thêm khoảng 3.500 đồng/lít chứ không phải là 1.600 đồng/lít.

Chiều 16/3/2015, Cổng thông tin điện tử Chính phủ (VGP) đã tổ chức phiên tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Kiên trì điều hành giá theo thị trường - Nhìn từ giá xăng và giá điện”. Các vấn đề bất cập trong điều hành giá hai mặt hàng này đều đã được đưa ra thảo luận, phân tích khá kỹ.

Tin tức trên Chất lượng Việt Nam dẫn lời ông Võ Văn Quyền – Cục phó Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương cho biết: “Vừa qua, đáng lý điều chỉnh giá xăng tăng thêm khoảng 3.500 đồng, nhưng do sử dụng quỹ bình ổn giá nên mức điều chỉnh giảm đi, chỉ tăng 1.600 đồng, còn 1.900 đồng dùng quỹ bình ổn để giảm sốc. Vừa qua có 15 đợt điều chỉnh giá thì 14 lần giảm giá, tổng cộng trên 10.000 đ/lít - mức độ giảm giá là lớn”.

Quan chức Bộ Công thương cho biết, giá xăng đáng lẽ ra phải tăng 3.500 đồng/lít. (Ảnh minh họa)

Cũng theo ông Quyền, giá xăng hiện đã đi theo thị trường, phản ánh đủ chi phí hợp lý, hợp lệ, nhất là theo giá thế giới. Công thức, biên độ, thời gian điều chỉnh được quy định rõ trong Nghị định 83.

Nói về việc vì sao giá điện (tăng 7,5%) và giá xăng dầu lại được điều chỉnh tăng mạnh gần như cùng thời điểm, báo điện tử Dân trí dẫn lời ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) nhận định, điều này là hoàn toàn “ngẫu nhiên” và có sự “trùng hợp”.

“Giá xăng dầu được điều hành theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước, thời điểm điều chỉnh giá đã được quy định cụ thể tại Nghị định 83; trong khi đó, việc điều chỉnh tăng giá điện đã được đề xuất từ trước và qua đánh giá, phê duyệt của thường trực Chính phủ. Thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu và giá điện đã được chọn lựa để tránh tác động xấu lên đời sống kinh tế, xã hội”, ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, với các mặt hàng trong diện kê khai giá thì phải thực hiện đầy đủ. Nếu muốn tăng thì phải báo cáo đầy đủ chi phí đầu vào hoặc bị xử lý nếu không đúng quy định.

Đánh giá về tác động của việc tăng giá điện, xăng đến sản xuất của doanh nghiệp và chỉ số giá tiêu dùng (CPI), ông Quyền cho rằng, xăng dầu tăng/giảm sẽ có tác động trực tiếp vào giá và là đầu vào của một số ngành sản xuất nên việc điều chỉnh giá sẽ tác động đến một số mặt hàng. Tuy nhiên, quá trình điều chỉnh liên Bộ là theo nguyên tắc thị trường và được tính toán có lợi nhất cho người tiêu dùng.

Theo Nguoiduatin.vn