Không kỳ hạn: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đang dẫn đầu lãi suất kỳ hạn này với mức lãi suất 1,2%/năm. Sản phẩm tiết kiệm này tiện lợi trong việc thanh toán, giao dịch.
Kỳ hạn 1 - 2 tháng: Lãi suất cao nhất của kỳ hạn này là 6%/năm, tại ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank), ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank), ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB).
Kỳ hạn 3 tháng: Lãi suất cao nhất là 6%/năm, tại các ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), PGBank, HDBank, VNCB.
Kỳ hạn 6 tháng: Lãi suất cao nhất là 8%/năm, áp dụng tại ngân hàng TMCP Quốc dân (NVB) đối với khoản tiền gửi trên 5 tỷ đồng; đối với khoản tiền 2 – 5 tỷ đồng – áp dụng lãi suất 7,9%/năm; lãi suất 7,8%/năm đối với tiền gửi từ 500 triệu đến 2 tỷ đồng. Với khoản tiền dưới 500 triệu đồng, NVB đồng hạng với VNCB khi đưa ra mức lãi suất 7,7%/năm.
Kỳ hạn 9 tháng: Với khoản tiền gửi dưới 500 triệu đồng, áp dụng lãi suất cao nhất là 7,8%/năm tại các ngân hàng VNCB và NVB. Với khoản tiền 5 tỷ, NVB lại dẫn đầu với lãi suất đưa ra là 8,1%/năm.
Kỳ hạn 12 tháng: 8,4%/năm tại VNCB. Với khoản tiền gửi trên tỷ, NVB sẽ dẫn đầu với lãi suất áp dụng là 8,5%/năm.
Kỳ hạn 13 - 36 tháng: Ngân hàng TMCP Bắc Á đang dẫn đầu với lãi suất 8,9%/năm. Tuy nhiên, chỉ còn 3 ngày nữa ngân hàng này sẽ áp dụng lãi suất mới, chỉ còn 8,5%/năm, nhường quán quân lãi suất kỳ hạn này cho VNCB với mức lãi suất huy động 8,6%/năm.
Lợi nhuận ngân hàng: “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”
Theo tin tức trên báo Nhịp sống Kinh doanh, tính đến thời điểm này, 12 ngân hàng đã công bố kết quả lợi nhuận 6 tháng năm 2014. 7 ngân hàng hoàn thành hơn 50% kế hoạch cả năm và 1 ngân hàng vượt 2% kế hoạch cả năm.
Trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần đã niêm yết, 3 ngân hàng: Vietcombank, VietinBank, Sacombank đã lần lượt báo lãi lớn trong 6 tháng đầu năm; tất cả đều hoàn thành trên 50% kế hoạch cả năm.
Vietinbank, mặc dù trong 6 tháng, dư nợ tín dụng tại ngân hàng này mới chỉ tăng trưởng 3%, nhưng lợi nhuận trước thuế nửa năm đã đạt 56% kế hoạch đề ra. Như vậy, ước tính, Vietinbank thu về khoảng 4.076 tỷ đồng lợi nhuận và đang ở vị trí dẫn đầu trong số các ngân hàng đã công bố.
Đặt mục tiêu 5.500 tỷ đồng lợi nhuận năm 2014, với kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, Vietcombank đang chứng minh đi đúng lộ trình. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của nhà băng này trước dự phòng đạt 5.178 tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Ngân hàng đã trích dự phòng rủi ro 2.400 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế còn lại 2.778 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 50,5% kế hoạch đặt ra.
Tương tự, Sacombank tiếp tục tăng trưởng tốt trong nửa đầu năm nay, tổng huy động đạt 157.633 tỷ đồng, tăng 12%; tổng dư nợ đạt 121.670 tỷ đồng, tăng 10,3% so với đầu năm. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.531 tỷ đồng lợi nhuận, hoàn thành 51% kế hoạch năm.
TPBank là ngân hàng "sáng" nhất trong top 9 ngân hàng chưa niêm yết còn lại. Lợi nhuận lũy kế 6 tháng đầu năm nay của ngân hàng đạt 263 tỷ đồng, đạt 60% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Kế đến là KienLongBank, lợi nhuận trước thuế tính đến quý II/2014 đạt 211,86 tỷ đồng, hoàn thành 50,56 % kế hoạch năm 2014.
Khởi sắc trong nửa đầu năm nay, VIB cho biết lợi nhuận trước dự phòng đạt 598 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2013. Tuy nhiên, VIB tiếp tục trích lập dự phòng ở mức cao: 447 tỷ đồng cho 6 tháng đầu năm. Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 151 tỷ đồng, bằng 186% của năm 2013. Theo VIB, con số này chưabao gồm hơn 100 tỷ lợi nhuận do đánh giá lại danh mục trái phiếu chính phủ. Bất ngờ nhất là kết quả của SCB, lũy kế 6 tháng đạt 123 tỷ đồng lợi nhuận, đạt 102% kế hoạch cả năm.
VietABank mặc dù lãi 67 tỷ đồng trong quý II. Tuy nhiên, lợi nhuận lũy kế 6 tháng lại chưa đầy 8 tỷ đồng, bằng 11,3% kết quả cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, từ bảng công bố này, mới lộ ra trong quý I, ngân hàng đã lỗ đến 50 tỷ đồng. Cũng vì kết quả khấm khá trong quý II vừa qua cho nên đây lần đầu tiên kể từ năm 2012, báo cáo tài chính của VietABank mới lại được công bố rộng rãi.
Trong khi đó, Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PG Bank), nhờ có lợi nhuận đáng kể từ quý trước mới "đỡ" được kết quả bết bát - lỗ gần 12 tỷ đồng trong quý II. Lũy kế 6 tháng, nhà băng này vẫn lãi được 39,5 tỷ đồng.
Nguyên nhân khiến PGBank ghi tên đầu tiên vào danh sách các ngân hàng lỗ trong quý II là do ngân hàng này phải trích lập dự phòng rủi ro 99 tỷ đồng, cao hơn cả tổng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng đạt được.
Không công bố rõ ràng kết quả 6 tháng đầu năm, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014, PVComBank chỉ công bố sẽ hoàn thành 100% các chỉ tiêu đã đề ra. Tuy nhiên, có thể ước tính được, PVComBank đã lãi 58 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, doanh thu đạt 2.800 tỷ đồng, hoàn thành 39,4% kế hoạch cả năm.
"Lọt thỏm" trong số các ngân hàng trên, lợi nhuận của Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) tiền thân là ngân hàng Nam Việt, đến 30/6/2014 chỉ vỏn vẹn có 3,76 tỷ đồng, đạt 15,71% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm 2014.
Trong khi đó, theo báo cáo tài chính quý I, tổng lợi nhuận trước thuế của NCB đạt 3,1 tỷ đồng, bằng 1/7 so với cùng kỳ năm 2013.
Ngân hàng này được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận đổi tên thành ngân hàng Quốc dân từ ngày 22/1/2014 và là một trong số các ngân hàng yếu kém buộc phải tái cơ cấu.