Mất cả tháng trời ngụy trang, tiếp cận, PV mới lọt được vào đường dây buôn lợn ốm chết ở Hưng Yên, tiếp cận từ hệ thống “chân rết” chuyên đi thu gom cho đến các trùm buôn.
Mặc dù thời gian gần đây, các cơ quan chức năng ráo riết xử lý các hành vi buôn bán thực phẩm bẩn, vậy mà ở tỉnh Hưng Yên vẫn tồn tại một đường dây buôn bán lợn ốm chết với số lượng cực lớn. PV đã thâm nhập điều tra và phát hiện rất nhiều chi tiết rùng rợn, hãi hùng…
Những thủ đoạn hết sức tinh vi
Mặc dù nhận được một số thông tin từ người dân phản ánh, nhưng suốt một thời gian dài chúng tôi không thể tiếp cận được manh mối đường dây buôn lợn ốm chết ở tỉnh Hưng Yên.
Nguyên nhân do đường dây này có những hoạt động rất tinh vi, cẩn mật. Từ hệ thống các chân chạy, các đầu mối thu gom, các đầu nậu và các ông chủ đã làm ăn với nhau từ nhiều năm và tuân thủ các nguyên tắc bí mật để không bị lộ ra ngoài. Hệt như một tổ chức của thế giới ngầm.
Phải mất nhiều thời gian, nhờ mai mối của nhiều chủ trang trại chúng tôi mới tiếp cận được V, một “chân rết” chuyên thu gom lợn ốm chết khu vực xã Đông Tảo (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Tất nhiên là phải ngụy trang thành những khách hàng cần mua thịt lợn ốm chết với số lượng lớn để đổ mối cho các bếp ăn ở các KCN.
Theo V, sở dĩ người ngoài rất khó phát hiện ra đường dây buôn lợn ốm chết là do các hoạt động buôn bán được khép kín trong vòng bí mật. Những trang trại, hộ chăn nuôi nào có lợn ốm chết thường bí mật gọi điện cho các đầu mối thu gom đến mổ ngay tại chỗ, hoặc giả những người thu gom chưa kịp đến thì chủ trang trại chọc tiết hộ luôn để lợn ốm chết không bị phân hủy nhanh.
Lợn ốm chết thường được mổ nhanh nhất có thể rồi cho vào thùng kín vận chuyển bằng xe máy đến các cơ sở tập trung mà chỉ hệ thống “chân rết” như V mới biết được. Những chiếc xe máy của cánh thu gom cũng phải độ thành xe chuyên dụng, vừa đảm bảo tốc độ, vừa sẵn sàng vứt bỏ nếu cơ quan chức năng phát hiện, kiểm tra.
Đặc điểm dễ phát hiện xác lợn ốm chết là đầu lợn thường bị phạt ngang rất ngắn và thường phải vứt vì có nhiều dấu hiệu lợn bệnh. Thành thử V chỉ cho tôi, hễ thấy xe máy nào chạy trên đường chở xác lợn không đầu thì đích xác đang vận chuyển lợn ốm chết.
“Mặc dù yêu cầu bí mật khá khắt khe nhưng do giá chênh lệch từ trang trại đến các điểm thu gom khá cao nên khu vực này có khoảng vài chục “chân rết” thường xuyên hoạt động. “Chân rết” chỉ có nhiệm vụ thu gom và ăn tiền chênh lệch. Mỗi kg hơi lợn ốm chết được các chủ trang trại bán tháo với giá chỉ tầm 10-20 ngàn đồng. Chỉ cần mổ, đem nhập các điểm thu gom của các ông trùm đường dây có thể “ăn” giá 30, thậm chí là 40 ngàn đồng/kg”, V tiết lộ. Mất thêm vài ngày nữa để củng cố niềm tin, chúng tôi được V đồng ý cho đi cùng một buổi “ăn hàng”. Một cuộc điện thoại của ông chủ trang trại nào đấy, V dặn tôi đợi một lúc rồi rồ ga phóng đi. Chỉ chưa đầy 10 phút sau đã thấy sau thùng xe máy “chuyên dụng” hai xác lợn đã chọc tiết, máu me vương vãi. Phủ qua một lớp bạt chúng tôi phóng nhanh lên khu vực ngã ba Từ Hồ (huyện Yên Mỹ). Ít ai có thể ngờ, ngay phía chân cầu Từ Hồ là một “đại lý cấp I” của đường dây buôn bán lợn ốm chết. Nhìn từ bên ngoài chỉ là căn nhà lụp xụp, nhưng nếu đi sâu vào bên trong thì nơi này thực sự là một “đại bản doanh tập kết lợn ốm chết”. Lợn ốm, xác lợn chết nằm lổm ngổm. Lợn con, lợn bột, lợn sề… V bảo, cứ ốm chết là thu gom hết. Điểm tập kết này là của vợ chồng Dân – Hái, có nhà ở cách đó khoảng vài trăm mét. Được biết, vợ chồng họ làm nghề gom lợn ốm chết ở Từ Hồ cả chục năm nay. V cho biết, mỗi ngày “đại lý” này gom khoảng dăm bảy chục con và thường xuyên dùng xe máy vận chuyển lúc nhập và ô tô lúc xuất.
Toàn bộ giao dịch buôn bán đều qua điện thoại, bất đắc dĩ lắm mới gặp mặt trực tiếp. Theo quy định ngầm giữa họ, các “chân rết” chỉ việc chở lợn ốm chết đến vứt vào điểm tập kết rồi điện thoại thông báo cho bà Hái. Vợ hoặc chồng nhà họ lập tức có mặt, trực tiếp mổ hoặc xử lý qua rồi gọi điện cho các đầu mối đến kiểm tra chất lượng. Tùy thuộc vào lợn chết lâu hay mới, bốc mùi thối hay chưa để định giá và thanh toán sau. Mặc dù đã được V giới thiệu, nhưng khi tôi vừa bước qua cổng, bà Hái lấy cớ nhà đang có việc để đuổi ra ngay. Có một quy tắc làm ăn của vợ chồng này là không bao giờ nhận các đầu mối qua giới thiệu. Ở nhà lầu, đi xe hơi nhờ lợn ốm chết Nghề buôn lợn ốm chết thịnh vượng đến nỗi, những ông chủ trong các đường dây trở thành đại gia rất nhanh chóng. Hai ông trùm nổi tiếng khắp giới buôn bán lợn ốm chết ở Hưng Yên là ông Dũng Thìn ở xã Yên Phú (huyện Yên Mỹ) và ông Thỉnh “què” ở xã Tân Tiến (huyện Văn Giang). Tuy nhiên, nếu là người lạ, không có ai ở mức thân cận “tiến cử” thì không bao giờ tiếp cận được họ. Nhờ nắm rõ các thông tin về đường dây và lời giới thiệu của V tôi mới hẹn gặp được những ông trùm này. Cách chợ Từ Hồ khoảng chừng một cây số, đầu làng Bình Phú là ngôi nhà 5 tầng của đại gia buôn lợn ốm chết Dũng Thìn. Ngay trước cổng ngôi nhà là tấm biển “Dũng Thìn: Chuyên mua bán các loại lợn. Lợn ốm, lợn sề, lợn chết, lợn quay”, trong đó các chữ “ốm” và “lợn chết” mới được làm nhòe. Nhà cao cửa rộng, xe ô tô láng cóng, cổ, tay đeo đầy những vàng và trang sức. Thoạt nhìn, Dũng giống một chủ doanh nghiệp thành đạt hơn là ông trùm của một đường dây buôn lợn ốm chết. Sau một vài câu hỏi mang tính kiểm tra, chất vấn, Dũng tỏ ra cởi mở hơn khi tưởng thật tôi là khách đến “ăn hàng” với số lượng lớn.
“Lợn ốm chết thì bao nhiêu cũng có. Từ loại chết tươi, mổ ngay đến loại chết vàng, đã bốc mùi hôi. Giá cả cũng tùy theo loại. Anh chỉ nhập hàng và mổ phanh nguyên con, thấp nhất là 25 nghìn đồng/kg nạc, còn trung bình cũng khoảng 35-50 nghìn/kg. Phổ biến nhất là cả con móc hàm 60-70 kg vào giá khoảng 37-38 ngàn đồng một cân móc. Lợn chết về đến kho của anh chỉ phanh, lông lá để nguyên rồi chuyển sang cho khâu khác làm. Có những con lợn vừa chết xong đã hôi ngay, phải chế biến thế nào chứ để nguyên thế thì chó nó cũng không ăn. Nếu tính từ công đoạn nhập hàng đến khi xuất ra thị trường, mỗi kg thịt lợn ốm chết khi đã được pha với thịt tươi lãi gấp đôi gấp ba là chuyện bình thường", Dũng Thìn cho biết. Hầu hết lợn ốm chết ở khu vực Văn Giang, Yên Mỹ, Khoái Châu... rất ít khi được tiêu thụ trong những địa bàn này mà tuồn sang một vài nơi khác để chọn lọc, pha trộn. Nhiều nhất là tuồn lên Hà Nội, KCN Phố Nối và các địa phương lân cận. Khi đã say chuyện buôn bán, ông trùm Dũng Thìn không ngần ngại khoe rằng, dưới tay ông có cả một hệ thống “chân rết” vài ba chục người chuyên đi gom lợn chết. Cộng thêm vài ba “đại lý cấp I” nữa thì cần bao nhiêu lợn ốm chết cũng có. Từ trong huyện, trong tỉnh, thậm chí là sang các tỉnh lân cận như Hà Nam, Hải Dương, nhắc đến cái tên Dũng Thìn là một sự đảm bảo số lượng lợn ốm chết có thể đáp ứng bất cứ lúc nào. Tính bình quân, mỗi ngày lò mổ của ông trùm này “ăn” cả trăm con lợn ốm chết các loại là chuyện bình thường. Tuy nhiên, lò mổ nằm biệt lập ở một khu đất riêng biệt, chỉ có những người trong đường dây mới được tiếp cận. Lợn chết sau khi được các chân rết nhập về cho ngay vào lò mổ. Các đồ tể chỉ việc phanh xác, xử lý nội tạng rồi tuồn lượng thịt cho công đoạn pha trộn, ngụy trang thành thịt tươi cho các đầu mối pha lẫn lợn chết lợn sống tuồn ra thị trường. Đối với lợn ốm chết hơi lâu, bốc mùi, cánh đồ tể thường ngâm vào nước muối hoặc hàn the rồi cho vào tủ đông ngụy trang thành thịt tươi. Tôi thử mạnh dạn đặt vấn đề làm ăn với ông Dũng bằng việc đặt hàng mỗi ngày một tạ. Tưởng thế đã là kinh, ai ngờ ông trùm chê quá ít và giới thiệu sang “làm ăn” với ông Thỉnh “què”. Cũng nhà lầu, cũng xe hơi, chỉ khác ở chỗ, điểm tập kết lợn ốm chết của ông Thỉnh nằm ngay cạnh chỗ ở của gia đình. Vừa báo xin gặp ông Thỉnh phủ đầu ngay: Mày ở đâu đến? Tìm tao có việc gì? Nhờ lời giới thiệu khá uy tín của ông Dũng, ông Thỉnh bỏ qua màn kiểm tra, vào thẳng vấn đề: Phải. Tao là Thỉnh, chuyên lợn ốm chết đây. Cần loại nào cũng có hết.
Cũng với “mô hình kinh doanh” tương tự ông Dũng, mỗi ngày lò ông Thỉnh phanh thây gần cả trăm con lợn ốm chết. Thỉnh thoảng người đàn ông này phải bỏ dở câu chuyện với chúng tôi để ném một hai con lợn ốm cố lết ra ngoài hoặc chỉ đạo người làm xử lý những con đã chết nhanh nhanh kẻo hôi. Tôi lấy cớ đi vệ sinh quan sát điểm tập kết. Mùi hôi thối tanh lợm, buồn nôn kinh khủng. Giữa sàn mổ, một người đàn bà đang cố phanh xác một con lợn chết vừa mới được gom về. Chỉ chừng 3 phút, xác con lợn chết được tách gọn gàng ném vào kho đông lạnh...