Ông Lương Trí Thìn – chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ tập đoàn Đất Xanh
"Chuyển hướng đầu tư dự án lớn"
2013 là một năm khá thành công của Đất Xanh vì đã vượt kế hoạch chỉ tiêu đề ra về kết quả hoạt động kinh doanh. Chúng tôi phát hành thành công cổ phiếu tăng vốn từ 527 tỉ đồng lên 750 tỉ đồng. Số người đầu tư vào cổ phiếu Đất Xanh tăng, thanh khoản cổ phiếu tương đối tốt. Chúng tôi cũng là một trong số ít doanh nghiệp bất động sản hầu như không có nợ ngân hàng. Một số dự án do Đất Xanh làm chủ đầu tư và đang triển khai đều vượt tiến độ như dự án Sunview Town 3,6 ha ở quận Thủ Đức, TP HCM có tổng mức đầu tư 1.300 tỉ đồng, đến thời điểm này đã vượt tiến độ 45 ngày. Đất Xanh cũng vừa bán hết hơn 500 căn hộ thuộc dự án 4S Riverside cũng ở quận Thủ Đức (TP HCM).
Năm vừa qua, Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách vĩ mô góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó gói tín dụng 30.000 tỉ đồng đã góp phần khơi thông thị trường, tạo cơ hội cho thị trường bất động sản khởi sắc. Những căn hộ thuộc phân khúc trung bình có giá dưới 1 tỉ và căn hộ giá từ 11 – 13 triệu/m2 giao dịch tương đối ổn. Phân khúc căn hộ cao cấp gần như không có giao dịch trong 9 tháng đầu năm 2013 thì từ quý IV bắt đầu có mua bán.
Với những tín hiệu đó, theo tôi, trong năm 2014, thị trường bất động sản vẫn tiếp tục khó khăn nhưng mức độ khó sẽ giảm 60 - 70% so với năm 2013. Điều quan trọng hiện nay là các ngân hàng đã “mở hầu bao” cho khách hàng vay mua tiêu dùng, vay mua nhà trở lại, trong khi cách đây 2 năm, các ngân hàng kiểm soát khá chặt đối với lĩnh vực này. Các chủ đầu tư cũng đã đưa bất động sản về giá trị thật, xác lập mặt bằng giá mới. Điều này giúp người dân, khách hàng có cơ hội sở hữu căn nhà của mình trong năm 2014.
Còn với Đất Xanh, trong vòng 3 năm tới, chúng tôi chọn cấu trúc giải pháp toàn diện. Đồng thời sẽ quay về tập trung phát triển ở 2 thành phố chính là Hà Nội và TP HCM bằng việc chuyển hướng đầu tư vào các dự án lớn. Trước mắt Đất Xanh sẽ khởi công 2 khu đô thị với quy mô khoảng 10 – 20 ha cho mỗi dự án, bao gồm đầy đủ các dịch vụ và tường bao bảo vệ...
Ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc Điều hành VietJetAir
"Lợi nhuận không phải mục tiêu lớn nhất"
Năm Quý Tỵ 2013 vừa qua, dù tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng VietJetAir đã tăng trưởng ngoạn mục, từ mức 20% thị phần vào quý III-2013 đã vươn lên chiếm lĩnh 26,1% thị phần hàng không nội địa tính đến cuối năm 2013. Gần 2 năm kể từ khi công bố, thương hiệu VietJetAir được nhận biết với tỉ lệ trên 90% tại Việt Nam.
Hàng không là một lĩnh vực rất đặc thù. Chúng tôi đặt mục tiêu có lãi từ năm thứ 3 từ khi thành lập nhưng đến năm thứ 2 hãng đã có lãi. Cụ thể, đến tháng 7-2013, hãng đã có lợi nhuận trước thuế khoảng 120 tỉ đồng. Đến cuối năm 2013, nếu trích lập dự phòng chi phí bảo dưỡng kỹ thuật và khấu hao thì hòa vốn, nhưng vẫn vượt kế hoạch do đại hội cổ đông đề ra. Song lợi nhuận không phải mục tiêu lớn nhất mà VietJetAir đặt ra trong giai đoạn này, cái mà hãng hướng đến là lượng hành khách vận chuyển và thị phần tăng trưởng bứt phá. Tính đến ngày 31-12-2013, hãng đã vận chuyển hơn 4,1 triệu hành khách với hơn 30.102 chuyến bay, mang đến cơ hội bay cho nhiều người dân trong nước và hành khách quốc tế. Hiện, mạng lưới của Vietjetair có 14 đường bay trong nước, 2 đường bay quốc tế, tăng gấp đôi so với năm trước.
Từ khi được cấp giấy phép năm 2007 cho đến lúc khai trương chuyến bay thương mại đầu tiên năm 2011, chúng tôi dành 4 năm chuẩn bị kỹ lưỡng từ chọn dòng máy bay phù hợp, xây dựng chiến lược hoạt động, mạng đường bay, chiến lược kinh doanh, các tiêu chuẩn dịch vụ, lựa chọn các đối tác cung cấp dịch vụ kỹ thuật, đào tạo… Năm 2014, hãng đặt mục tiêu tăng trưởng 6% tại Việt Nam và tiếp tục tăng tần suất các chuyến bay, cũng như phát triển các đường bay quốc tế, hình thành liên doanh hàng không tại các nước trong khu vực. Năm sau, hứa hẹn là một năm tiếp tục sôi động trong hoạt động của chúng tôi.
Ông Lê Văn Hiểu, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP Đà Nẵng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc công ty CP Máy và Thiết bị Phụ tùng Seatech:
"Lãnh đạo cần hiểu doanh nghiệp nhiều hơn"
Năm 2014 được lãnh đạo TP Đà Nẵng chọn là năm DN đã tiếp thêm niềm tin cho giới doanh nhân Đà Nẵng vượt qua khó khăn. Sự đồng thuận giữa TP, ngân hàng và doanh nghiệp tạo điều kiện cho sự ra đời Quỹ bảo lãnh tín dụng.
Tuy nhiên, theo tôi sự hỗ trợ hiệu quả hơn cả là chính quyền cần nắm rõ các thông tin đánh giá về tình hình doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại để từ đó xây dựng những giải pháp đồng bộ, đặc biệt là giải pháp về vốn, tín dụng và bảo lãnh tín dụng. Chính quyền cũng cần tích cực cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư của TP, trong đó có những giải pháp vĩ mô thiết thực.
Ngoài ra, lãnh đạo TP cần dành nhiều thời gian và tâm huyết để chú trọng cải cách các hoạt động ảnh hưởng đến doanh nghiệp như: giảm chi phí không chính thức, vận dụng các chủ trương, chính sách của Đảng và chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp giảm, giãn thuế; Chú trọng công tác phát triển, xây dựng các Hội, Hiệp hội doanh nhân, doanh nghiệp nhằm thúc đẩy vai trò của các hội, hiệp hội trong việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, xây dựng văn hoá doanh nhân, liên kết hợp tác cùng phát triển, chung sức phát triển cộng đồng và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.