Để mở đầu bài viết này, xin độc giả hãy cùng nghĩ trước đáp án về một câu hỏi: Ở chân núi Phú Sỹ có một khu rừng, nơi hàng năm có rất nhiều người Nhật Bản cùng đến đó và tự vẫn. Thế thì nguyên do của việc tồn tại khu rừng ấy, là bởi chính bản thân khu rừng có một sức hút ma mị, hay nguyên nhân xuất phát từ xã hội bên ngoài khu rừng?
Dư luận lại nói về kinh doanh đa cấp (KDĐC) từ giữa tháng 9, khi xuất hiện một đoạn băng cho thấy một nhóm sinh viên bị đánh hội đồng khi tìm đến công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy để đòi đổi hợp đồng. Một bạn sinh viên Thủy Lợi bị đánh chảy máu đầu.
Kể từ đó, những câu chuyện về sự tham gia của sinh viên trong các mạng lưới bán hàng đa cấp xuất hiện dày đặc, trên báo chí chính thống và facebook, gây được chú ý hơn. Hóa ra là từ lúc nào, lực lượng trí thức kế cận, những bộ óc được đào tạo để dẫn dắt đất nước trong tương lai, đã nhiệt tình lao vào mạng lưới đầy thị phi ấy.
Trong căng tin của một trường Đại học, có thể bắt gặp những “tỷ phú tương lai” - nuôi một niềm tin bất diệt về việc mình sắp sở hữu chóng vánh một gia tài - trong ngoại hình chải chuốt và bóng bẩy, gọi ra một cốc trà đá và bắt đầu nói với các bạn học về viễn cảnh của một thiên đường, những ngày sống nhàn tản và nhung lụa khi đã đạt cấp vị Kim cương hay cái gì tương tự.
Hãy quay trở lại với khu rừng dưới chân núi Phú Sỹ. Hẳn nhiều người đã có câu trả lời: số lượng người tự sát không nằm trong bản thân khu rừng. Người ta đến đó, bởi họ đã gánh chịu sự tuyệt vọng từ một nơi nào khác.
Các bạn sinh viên không phải người nông dân. Họ không thiếu thông tin. Họ thậm chí đang có thiên hướng sử dụng Internet quá đà.
Và nếu không thiếu thông tin, không ngu muội, mà vẫn lao vào Đa cấp, gọi là gì? “Tham lam” là cách chì chiết của rất nhiều người. Tham và lười lao động.
Nhưng tham lam không phải cái tội. Chỉ có điều, sự bùng nổ của các sinh viên trong mạng lưới bán hàng đa cấp, nói lên rằng những nơi trao cho họ niềm tin. hy vọng, tham vọng trong sáng trong xã hội đang quá ít. Kinh doanh đa cấp trở thành nơi cứu rỗi niềm tin.
Con chim sẻ bị nhốt trong cái phòng tối, với một ô cửa kính duy nhất. Nó sẽ lao hết tốc lực vào nơi có ánh sáng của Mẹ tự nhiên, cho dù nó sẽ đập đầu vào của kính và chết.
Ngoài kinh doanh đa cấp, thì có bao nhiêu lĩnh vực, bao nhiêu ngành nghề mà người ta có thể tự tin nói với nhau về tương lai xán lạn, về hy vọng, về sự minh bạch? Các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước nơi sẽ tiêu tốn của cha mẹ họ hàng trăm triệu đồng chạy chọt, để rồi trở thành đối tượng lên án của “một bộ phận không nhỏ” trong xã hội? Các doanh nghiệp tư nhân nơi họ sẽ sống trong một áp lực khủng khiếp của nền kinh tế đang sa sút và học ở đó cách luồn lách trong những vụ thầu? Hay là mở doanh nghiệp riêng, lại rất nhiều tiền bạc, công sức và đối mặt với một cung cách quản lý hành chính đầy bất cập, một thị trường không minh bạch?
Nghĩ đến bối cảnh xã hội, nghĩ đến việc những bạn trẻ thừa mứa thông tin đọc được những gì trên báo chí những ngày này, còn phải cảm ơn bán hàng đa cấp vì đã trao cho họ một hy vọng sáng lòa về việc có thể tồn tại đàng hoàng trong xã hội này. Dù hy vọng ấy là giả dối.
Vấn đề không nằm hoàn toàn ở các công ty như Thiên Ngọc Minh Uy. Vấn đề là chúng ta đã xây lên một căn phòng tối, và ô cửa kính giết chim sẻ kia chỉ là một trong số các lối thoát giả dối của một không gian không lối thoát. Cùng sự tham lam ấy, nhưng nếu không gian là bầu trời, sẽ khác.