Một nguồn tin khẳng định: “Nhiều tháng qua, Triều Tiên bắt đầu bán vàng dự trữ. Doanh số bán vàng ra nước ngoài sẽ là nhiệt kế cho thấy nền kinh tế Triều Tiên có khủng hoảng hay không”. Đây là lần đầu tiên Bình Nhưỡng bán vàng dự trữ kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền vào cuối năm 2011.
Các chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng bán tháo vàng dự trữ có thể là điều báo kinh tế sắp sụp đổ vì nó đi ngược lại quan điểm của người sáng lập đất nước Kim Nhật Thành là không bao giờ bán vàng dự trữ quốc gia. Theo số liệu của chính phủ Hàn Quốc, Triều Tiên có khoảng 2.000 tấn vàng dự trữ, trị giá ít nhất là 8 tỉ USD.
Tình hình kinh tế của Triều Tiên dự kiến xấu đi sau vụ bãi nhiệm Jang Song-thaek, người dượng của nhà lãnh đạo Kim Jong-un và là người phục trách xử lý tất cả các dự án kinh tế với nước ngoài. Do đó, các chuyên gia dự báo Triều Tiên có thể thúc đẩy các chương trình hợp tác kinh tế lớn hơn nữa với Hàn Quốc để "vớt vát". Dẫu vậy, cũng có khả năng Bình Nhưỡng sẽ lại khiêu khích quân sự chống Seoul.
Liên quan đến việc loại bỏ ông Jang, làn sóng chỉ trích ông này hiện tiếp tục ở Triều Tiên. Kim Song-un, người đứng đầu viện Toán họcTriều Tiên, sánh ông Kim Jong-un như mặt trời: “Sao ông Jang dám một tay che trời?”.
Trong khi đó, người thân tín của ông Jang là Đại sứ Triều Tiên tại Trung Quốc Ji Jae-ryong cũng có thể bị triệu hồi về nước. Tuy nhiên, động thái này có thể gây tổn hại quan hệ với Bắc Kinh nếu triệu hồi đại sứ quá sớm, nhất là sau khi cách chức ông Jang, vốn có quan hệ gần gũi với giới chức Trung Quốc.
Đến nay, ông Kim Jong-un đã loại hàng loạt cán bộ cấp cao. Theo thống kê của Bộ Thống nhất Hàn Quốc, Kim Jong-un đã thay thế, điều chỉnh chức vụ của 97 quan chức cấp cao, tức chiếm 44% tổng số lãnh đạo nước này, và đề bạt rất nhiều quan chức trẻ lên thay.
Một quan chức tình báo Hàn Quốc nói: “Triều Tiên vừa ban hành một quy định cho các quân nhân từ 65 tuổi trở lên về hưu. Dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong-un, Triều Tiên đã thay thế nhiều quan chức cấp cao, một dấu hiệu của sự thay đổi thế hệ”.