Trong khi nhóm tư vấn chính sách vĩ mô thuộc Ủy ban kinh tế của Quốc hội cho biết, nợ công của Việt Nam có thể lên đến khoảng 95% GDP. Trong khi đó, Thủ tướng khẳng định, nợ công của Việt Nam trong các năm 2014, 2015 và 2016 vẫn trong giới hạn an toàn (không quá 65% GDP).
Theo đồng hồ nợ công toàn cầu (Global debt clock) trên trang The Economist.com, tính đến 14h00 ngày 24/11/2013 (giờ Việt Nam), nợ công của Việt Nam là trên 77,459 tỷ USD; bình quân nợ theo đầu người là 859,28 USD/người (tương đương hơn 18 triệu đồng) chiếm 48,4% GDP, tăng 11,6%/năm so với năm 2012. Nợ công của Việt Nam trên Đồng hồ nợ công toàn cầu, lúc 14h00 ngày 24/11/2013
Nợ công không ngừng tăng lên khi trước đó, tính đến 7h00 (giờ Việt Nam, ngày 5/7/2013), nợ công của Việt Nam ở mức trên 74,294 tỷ USD; bình quân nợ công theo đầu người là 826,4 USD. Hồi tháng 1, nợ công tính trên đầu người là 787,9 USD với tổng nợ công 70,576 tỷ USD.
Như vậy, sau gần 11 tháng, nợ công đã tăng lên 6,883 tỷ USD, từ con số 16,6 triệu đồng hiện mỗi người đã phải gánh hơn 18 triệu đồng nợ công.
Ngày 22/11 vừa qua nhóm tư vấn chính sách vĩ mô thuộc Ủy ban kinh tế của Quốc hội cho biết, nếu tính cả khoản nợ nước ngoài của khu vực doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước - DNNN) không được Chính phủ bảo lãnh, nợ bằng trái phiếu trong nước không được Chính phủ bảo lãnh khác của DNNN thì nợ công của Việt Nam có thể lên đến khoảng 95% GDP, vượt xa ngưỡng an toàn (60% GDP), đe dọa đến tính bền vững của nợ công Việt Nam.
Mặc dù, theo Luật quản lý nợ công, các khoản nợ này không được tính vào nợ công quôc gia. Song thực tế, việc Chính phủ đứng ra bảo lãnh cho Tập đoàn Vinashin phát hành trái phiếu quốc tế đảo nợ khoản vay 600 triệu đô la và gần 12 ngàn tỉ đồng đảo nợ tại các ngân hàng trong nước khác (các khoản này trước đều không được Chính phủ bảo lãnh) khiến cho những cảnh báo trên về nợ công là hoàn toàn có cơ sở thực tế.
Nới trần bội chi, phát hành trái phiếu vay thêm nợ
Vừa qua Quốc hội đã thông qua mức bội chi ngân sách năm 2014 là 5,3% GDP (224 nghìn tỷ đồng) và phát hành thêm 170 nghìn tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016.
Việc tăng bội chi ngân sách được xác định sẽ dành một phần để trả nợ, phần còn lại và trái phiếu Chính phủ bổ sung được tập trung vào đầu tư các dự án hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, hoàn thành nhiều công trình đang đầu tư dở dang, bổ sung vốn đối ứng ODA, đầu tư cho nông nghiệp nông thôn.
Với mức bội chi và phát hành trái phiếu bổ sung như đã nêu trên, Thủ tướng cho rằng, nợ công trong các năm 2014, 2015 và 2016 vẫn trong giới hạn an toàn (không quá 65% GDP). Tuy nhiên theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, việc tăng bội chi ngân sách, phát hành thêm trái phiếu Chính phủ không phải là phép thần để cứu nền kinh tế, thậm chí có nhiều tác dụng phụ.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho biết, mức bội chi trên 5% sẽ là đáng báo động. "5% được xem là điểm cảnh báo, qua mức này thì coi như bị lũ lụt, không giải quyết được tình hình kinh tế", ông nhận định.
Lý luận cho rằng tăng đầu tư công để kích thích kinh tế là không phù hợp. Khi đầu tư tư nhân, đầu tư nhân dân chưa thể phát triển thì có thể dùng một chút đầu tư công để đẩy lên, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xi măng, sắt thép có thị trường đầu ra. Song, đây không phải phương pháp cốt lõi. Tránh lạm dụng mỗi lần thấy kinh tế khó khăn thì lại nới chi tiêu công, lấy chỗ nọ lấp chỗ kia", chuyên gia Bùi Kiến Thành phát biểu.
Thay cho việc nới bội chi ngân sách, tiến sĩ Phạm Thế Anh, quyền Viện trưởng Viện Chính sách Công và Quản lý (Đại học Kinh tế Quốc dân) đề xuất nên giảm hơn nữa các khoản chi thường xuyên, hiện đang chiếm gần 80% tổng chi và có tốc độ tăng khoảng từ 23-31% mỗi năm trong giai đoạn 2010-2012.
Về việc phát hành thêm trái phiếu, Tiến sĩ Phạm Thế Anh từng cảnh báo ngân sách Việt Nam sẽ gặp áp lực lớn nếu tiếp tục cho phát hành trái phiếu ngoài định mức.
Theo ông, thâm hụt ngân sách kéo dài và nợ công tăng nhanh trong những năm gần đây dẫn tới nghĩa vụ trả nợ lãi ngày càng nặng hơn. Ước tính, với 320.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (chưa kể trái phiếu Chính phủ bảo lãnh) đang lưu hành nội địa hiện (lãi suất trung bình khoảng 10%/năm) và khoảng 7.000 - 8.000 tỷ đồng trả lãi nợ nước ngoài thì mỗi năm Việt Nam đang phải trả khoảng 40.000 tỷ đồng nợ lãi, bằng khoảng hơn 20% chi đầu tư phát triển.