Đây là nhận định của ông Nguyễn Đức Thắng-Vụ trưởng Vụ thống kê giá (Tổng cục thống kê-Bộ KH&ĐT) khi ông trả lời các câu hỏi của phóng viên Dân Việt về tình hình lạm phát và biến động giá cả trong năm 2015.
Thưa ông, Bộ KH&ĐT dự báo lạm phát năm 2015 sẽ ở mức 4% dựa trên cơ sở nào khi mà lạm phát năm nay chỉ tăng ở mức 1,84%?
Dự báo của Bộ KH&ĐT dựa trên mục tiêu kiểm soát lạm phát của Quốc Hội đề ra tại kỳ họp cuối năm. Quốc hội đặt mục tiêu lạm phát năm tới phải 5%. Dự báo này cũng dựa trên tình hình kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn. Kinh tế Mỹ cuối năm nay có khá hơn nhưng kinh tế Trung Quốc, Nhật Bản bắt đầu tăng chậm và suy thoái. Đồng rúp Nga mất giá… Tất cả những điều này sẽ ảnh hưởng tới mặt bằng giá nguyên nhiên liệu mà chúng ta đang phải nhập khẩu.
Nhưng giá xăng dầu năm tới vẫn được dự báo là sẽ tiếp tục giảm mạnh, kéo theo giá nhiều loại hàng hóa giảm theo. Chúng ta không dựa vào các dự báo này để tính bài toán lạm phát cho năm sau, thưa ông?
Giá xăng dầu hiện nay đang giảm mạnh nhưng nếu tăng trở lại thì áp lực sẽ rất ghê gớm. Chưa kể năm 2015 chu kỳ điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ như điện, than cho sản xuất điện, y tế, giáo dục… sẽ diễn ra. Giá các mặt hàng này nhiều khả năng sẽ tăng lên trong năm tới khiến cho áp lực lạm phát bị đẩy lên. Do vậy, chúng ta không thể không tính đến các yếu tố tác động này cho lạm phát năm sau.
Đã có nhiều ý kiến cho rằng, duy trì lạm phát thấp không phải là yếu tố đáng mừng. Bởi vì, chỉ số giá tiêu dùng thấp sẽ dẫn đến tiêu thụ hàng hóa trong nền kinh tế gặp khó khăn. Tăng trưởng kinh tế năm tới cũng sẽ khó đạt mục tiêu 6,2% như đã đề ra, thưa ông?
Tôi xin khẳng định không phải là giá cả tăng thì GDP mới tăng mà lạm phát được kiểm soát tốt thì kinh tế mới phát triển. Lạm phát quá cao sẽ khiến cho tăng trưởng giảm. Do vậy, mục tiêu kiểm soát lạm phát năm tới của chúng ta vẫn là kiểm soát tốt lạm phát mà vẫn đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Năm 2015, như ông nói, việc tăng giá điện nhiều khả năng sẽ diễn ra. Nếu giá điện tăng lên 9,5% như đề xuất của Tập đoàn điện lực Việt Nam sẽ tác động thế nào tới lạm phát năm sau, thưa ông?
Chúng tôi đã có những kịch bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ để đánh giá các tác động với nền kinh tế, lạm phát năm tới nếu tăng giá một số mặt hàng chiến lược. Tuy nhiên, khi nào xảy ra việc tăng giá điện thì chúng ta mới nên đưa ra các tính toán tác động cụ thể. Bởi đưa ra đánh giá bây giờ sẽ tác động tới tâm lý người dân, khiến cho lạm phát kỳ vọng của người dân tăng lên, rất nguy hại cho lạm phát. Tôi cho rằng, khi quyết định tăng giá điện, Chính phủ sẽ tính toán kỹ lưỡng để không ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế, đời sống người dân và vẫn đảm bảo giá điện sát với giá thị trường.
Vậy có phải do lạm phát năm nay thấp nên chúng ta mới tính đến việc điều chỉnh giá điện, cũng như giá nhiều mặt hàng chiến lược khác, thưa ông?
Lạm phát năm nay có thể nói thấp nhất kể từ năm 2003 đến nay. Nó vừa là cơ hội vừa là thách thức.Cơ hội là giúp ổn định nền kinh tế vĩ mô, ổn định xã hội. Lạm phát thấp cũng tạo cơ hội thu hút đầu tư, tạo niềm tin của thị trường, khuyến khích tiêu dùng tư nhân. Lạm phát thấp cũng tạo dư địa cho Chính phủ thực hiện các chính sách cải cách tài chính, tiền tệ, tài khóa tốt hơn… Song thách thức là thu ngân sách Nhà nước gặp khó khăn. Chính phủ không có tiền để đầu tư cho phát triển kinh tế xã hội. Lạm phát thấp cũng không khuyến khích các doanh nghiệp bỏ tiền làm ăn. Theo tôi chúng ta nên nhìn lạm phát năm nay ở cả hai khía cạnh này. Và do vậy không phải chúng ta tăng giá điện để cho lạm phát năm tới cao hơn năm nay.
Nếu lạm phát năm tới diễn ra đúng như kịch bản đã dự báo, theo ông, chúng ta sẽ phải làm gì để có thể cải thiện tình hình kinh tế, liệu lạm phát 4% chúng ta có đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 6%?
Với lạm phát ở mức này chúng tôi đã kiến nghị có thể hạ lãi suất cho vay trong năm tới. Nếu lãi suất cho vay giảm 1% sẽ có tác động tổng hợp tới nền kinh tế, làm GDP năm 2015 tăng thêm khoảng 0,45% và lạm phát giảm khoảng 0,76%. Lãi suất giảm sẽ dẫn đến dịch chuyển đầu tư. Số người gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng giảm đi và chuyển sang kinh doanh sản xuất, thị trường bất động sản…Nhưng quan trọng giữ được lạm phát thấp và ổn định sẽ tạo cơ hội để người dân đầu tư vào doanh nghiệp tạo ra của cải vật chất. Năm 2015 chúng ta cần hướng dòng vốn vào đầu tư sản xuất nhiều hơn nữa, cụ thể là đầu tư vào cải tiến khoa học công nghệ, nâng cao năng suất lao động để Việt Nam cạnh tranh tốt hơn trong quá trình hội nhập mạnh mẽ trong năm 2015.
Tính bình quân chung cả năm 2014 so với năm 2013, thì lạm phát năm nay tăng 4,09%. Còn nếu so với tháng 12.2013, lạm phát năm 2014 chỉ tăng 1,84%. Đây là mức lạm phát qua hai cách so sánh. Trước nay, Tổng cục thống kê đều lấy chỉ số so sánh với tháng 12 của năm trước để tính lạm phát nhưng từ năm 2014, cơ quan này khuyến cáo nên lấy số liệu so sánh bình quân chung cả năm để làm con số lạm phát, điều này phù hợp với thông lệ quốc tế. Nếu vậy, lạm phát năm nay lấy con số tăng 4,09%.
Lạm phát 10 tháng đầu năm 2014 của Việt Nam (tính bình quân chung cả năm) là 4,5%, so sánh với các nước như Pháp là 0,6%, Mỹ 1,7%, Trung Quốc 2,1%, Hàn Quốc 1,4%, Philipines 4,6%, Thái Lan là 2,6%. Như vậy, lạm phát của Việt Nam năm nay vẫn thuộc hàng cao nhất.
“Năm 2015 tiềm ẩn khả năng lạm phát tăng cao do tác động theo độ trễ của các chính sách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh năm 2014, tình hình thiên tai, bão lũ và việc tiếp tục thực hiện chủ trương điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với một số hàng hóa, dịch vụ chiến lược, quan trọng thiết yếu (điện, than cho sản xuất điện, dịch vụ khám chữa bệnh, học phí...)”
(Ông Nguyễn Đức Thắng - Vụ trưởng Vụ thống kê giá-Tổng cục thống kê)
Xin cảm ơn ông!