Có giá bán vài trăm ngàn đồng một kg, nhưng các loại cherry, na Úc, táo đỏ Mỹ hay quả việt quất... vẫn được khá nhiều chủ siêu thị trái cây nhập khẩu chọn làm mặt hàng phân phối chính. Sản phẩm đặc hữu, không thể sản xuất ở Việt Nam, mẫu mã đẹp và được người dùng ưa thích là nguyên nhân khiến các loại trái cây này có giá tiền triệu nhưng vẫn rất đắt hàng.
Cụ thể, hiện giá cherry vàng xuất xứ Mỹ đang được bán với giá dao động từ 500.000 đồng đến 750.000 đồng mỗi kg. Táo đỏ Mỹ tùy loại có giá bán từ 20.000 đồng đến gần 70.000 đồng/quả. Khách hàng mua tại siêu thị không hạn chế số lượng, nhưng nếu giao tận nới phải mua ít nhất 3 quả (khoảng 1kg). Một số loại hoa quả đặc sản và hiếm hàng như việt quất, dâu tây Úc thậm chí có giá từ 1,2 đến 2,8 triệu đồng/kg, đóng gói theo hộp nhỏ từ 150g đến 250g.
Hiện các loại như nho, kiwi, táo xanh... với giá từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng/kg trở thành trái cây phổ biến, đang xuất hiện trong hầu hết các quầy trái cây tại siêu thị Việt. Thậm chí, các loại quả dễ tìm ở Việt Nam như ổi, xoài, khế, chuối hay sầu riêng vẫn là mặt hàng nhập khẩu của nhiều đơn vị, cùng xuất xứ Đài Loan, Phillippine hay Thái Lan, và được đặt mức giá cao hơn hàng trong nước từ 2 đến 5 lần.
Theo đại diện của một nhà phân phối hoa quả nhập khẩu lớn tại thị trường Hà Nội, đây hầu hết là những sản phẩm vốn nổi tiếng trên thị trường quốc tế. "Khi cung cấp tại nước ngoài, yêu cầu về chất lượng và vận chuyển khiến giá của sản phẩm tăng cao. Đơn cử như cherry, thông thường sau khi đóng gói chỉ có thể để được từ 1-2 tuần trong điều kiện nhiệt độ từ 0-5 độ C, trong khi thời gian di chuyển dài. Đó là còn chưa kể đến chi phí vận chuyển, thông thường bằng đường hàng không, nên giá sẽ đội lên không ít".
Chị Đoàn Trang, một người Việt định cư tại Hàn Quốc cho biết, ở các nước phát triển, giá hoa quả (nhất là các loại cao cấp như dâu tây, cherry) luôn ở mức rất đắt đỏ. "Nếu mua trái vụ, giá một quả dâu tây đổi ra tiền Việt có thể từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng. Yêu cầu chất lượng cao và các rào cản kỹ thuật, nhất là hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật khắt khe là nguyên nhân khiến lượng cung hoa quả hạn chế, trong khi sản phẩm giá rẻ ở các nước có kỹ thuật bảo quản thấp không thể đến được tay người dùng ở các nước như Nhật, Hàn...".
Bà Hoàng Liên, đại diện nhà nhập khẩu AllFresh, cũng chỉ ra nghịch lý rằng, hoa quả nhập ngoại càng đắt càng được ưa thích hơn, nhất là các khách hàng người Việt. Cùng một loại nho, cùng xuất xứ, nhưng nếu giá bán thấp hơn thị trường có thể sẽ bị nghi ngờ là hàng kém chất lượng, hàng giả.
"Các nhà phân phối phải tìm cách giảm giá từ giảm chi phí, nhưng không phải lúc nào cũng thành công, thậm chí hàng có giá rẻ tương đối trong khi chất lượng, mẫu mã tốt có thể bị xem là hàng Trung Quốc. Ngoài ra, khách Việt thích sản phẩm gắn mác Mỹ, Úc, trong khi khách ngoại lại sẵn sàng mua hoa quả xuất xứ Việt Nam, nhất là trong thời điểm chính vụ".
Sẵn sàng bỏ tiền triệu ra để mua hoa quả nhập khẩu, nhưng nghịch lý là khá người tiêu dùng Việt thường quay lưng với các loại trái cây trong nước, dù chúng có mức giá rẻ và chất lượng hàng chính vụ không hề thua kém với sản phẩm ngoại.
Một điều đáng nói là với con đường xuất khẩu của trái cây Việt, thực tế không giống như lầm tưởng của nhiều người rằng, nếu giá cherry Mỹ nhập khẩu cao gấp hàng chục lần giá bán ở thị trường nội địa, thì sản phẩm của Việt Nam cũng sẽ có mức giá tương ứng khi cung ra nước ngoài. Cụ thể, dù đã tiếp cận được với nhiều siêu thị tại Singapore hay Nhật, nhưng thanh long - loại hoa quả từng nhiều lần dẫn dầu kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam - vẫn chỉ được bán ở mức giá từ 2,8 đến 3,2 USD/kg, tương ứng 60.000 đồng đến 68.000 đồng. Mức giá này chỉ cao hơn tiêu thụ trong thị trường nội địa khoảng 2-3 lần, trong khi chi phí xuất khẩu đắt đỏ và chất lượng yêu cầu rất cao.