BẠN ĐÃ BIẾT? » Đời sống số

Những vườn dâu Mỹ, Nhật ở xứ lạnh Đà Lạt

Thứ tư, 25/02/2015 13:54

Nhiều giống dâu Mỹ, Đài Loan, Nhật, New Zealand... được nông dân Đà Lạt, Lâm Đồng lựa chọn để trồng thay thế các loại dâu giống cũ do trái lớn, thơm ngon, giá bán lại cao.

Dâu tây có mặt ở Đà Lạt từ năm 1940, do người Pháp mang sang. Một thời gian dài, loại cây này được nhân giống bằng cách tách thân bò và cây con từ cây chính để trồng lại. Sau nhiều năm, giống dâu tây phát sinh nhiều thứ bệnh như héo lá, đốm đỏ, vàng mép lá, đặc biệt virus xoắn lá làm giảm năng suất và phẩm chất trái dâu. Do đó, hiện nay nhà vườn đã bắt đầu chuyển sang trồng những giống ngoại mới nhập để có năng suất cao hơn. Mặc dù giống ngoại phù hợp với việc trồng trong nhà kính, kỹ thuật cao, nhưng phần lớn nông dân Đà Lạt vẫn chọn trồng ngoài ruộng để tiết kiệm chi phí. Những luống dâu tây xanh mướt. Ở Đà Lạt, một nhà vườn thường trồng nhiều loại dâu, để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Chị Ngọc, một nhà vườn trồng dâu tây trên đường Thánh Mẫu, TP. Đà Lạt cho biết, nhà chị trồng 3 loại dâu là giống Nhật, New Zealand, và một loại truyền thống trong nước. Nhưng các giống dâu ngoại cho năng suất cao hơn, chất lượng trái cũng tốt hơn nên giá bán cao hơn hẳn dâu trong nước. Cũng theo chị Ngọc, để duy trì những giống dâu ngoại, gia đình chị phải mang cây lên Viện cây ăn quả Đà Lạt để nhân giống rồi đem cây con về trồng, và cứ 2 - 3 năm là thay cây một lần. "Giá bán cao, chất lượng trái tốt, nhưng trồng dâu ngoại cũng không đơn giản, đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc phức tạp và tỉ mỉ hơn so với giống truyền thốn", chị Ngọc cho biết. Hiện giá bán các loại dâu tây giống ngoại từ 150.000 đến 300.000 đồng/kg, gấp 3 lần so với giá dâu tây truyền thống. Trồng trên ruộng để tiết kiệm chi phí đầu tư nhà kính, nhà vườn thường phải dùng các loại bạt để lót khi cây ra trái, vì một số giống dâu ngoại trái không tiếp xúc trực tiếp được với đất. Dâu tây thường được thu hoạch vào buổi sáng sớm, đó là thời điểm trái dâu đẹp nhất trong ngày. Trái dâu Nhật ngoài cùng bên phải có kích thước lớn và màu sắc đẹp hơn những loại dâu truyền thống khác. Sau khi thu hoạch, dâu được phân thành nhiều loại theo kích thước, màu sắc. Những chiếc hộp giấy đựng dâu có trọng lượng từ 0.5 - 3 kg. Sau khi đóng hộp, dâu được vận chuyển ngay để đảm bảo tươi. Vì dâu rất dễ bị dập nên người thu hoạch, phân loại loại trái này luôn phải đeo bao tay để tránh tác động mạnh lên trái.

Theo Zing.vn